Giới đầu cơ Tp.HCM đua nhau về một số khu vực giáp ranh Tp.HCM thuộc Long An “thổi” giá đất, “cò” đất náo loạn tạo nên cơn sốt ảo.
Thời gian qua, một số xã ở các huyện giáp ranh TP.HCM như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, tỉnh Long An xảy ra tình trạng đẩy giá đất lên cao, kéo theo việc nhiều người dân địa phương bỏ công ăn việc làm lao vào làm “cò”.
Hiện nay, đi qua các tuyến đường ở nhiều xã của các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (tỉnh Long An) đều tràn lan những bảng quảng cáo làm dịch vụ mua, bán đất kèm theo số điện thoại liên lạc, thông tin diện tích đất, loại đất được treo ngổn ngang dọc các bờ rào hoặc dựng trước nhà dân, quán cà phê.
Ông Phan Nhân Duy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Long An cho biết trước hết, hiện trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng trên là do việc phát triển mạnh hệ thống hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông của TP.HCM (các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường vành đai, các tuyến đường kết nối, thông tin về các dự án cầu Cát Lái, cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh,…)
Thứ hai, chưa có định hướng dư luận kịp thời để xử lý hiệu quả những tin đồn không chính thống, truyền miệng như: Tin đồn về khả năng chuyển huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn (TP.HCM) thành quận; hoặc hình thành mô hình thành phố ở phía Đông, phía Tây, phía Nam TP.HCM.
Thứ ba, một số tập đoàn lớn công bố thông tin đề xuất các dự án rất lớn mà nếu được thực hiện sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo TP.HCM, nhất là khu vực các huyện ngoại thành.
Thứ tư, giới cò đất làm giá, thổi giá đất nền tại các quận ven và huyện ngoại thành TP.HCM, các huyện của Long An ven TP.HCM, với thủ đoạn “tung hỏa mù”, lợi dụng để kích giá, thổi giá, đẩy giá, “tạo sóng” để thu lợi từ giao dịch bất động sản.
Thật vậy, qua khảo sát cho thấy dọc trục đường chính xuyên qua 2 xã Mỹ Hạnh Nam và Mỹ Hạnh Bắc thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, chưa đến 1km nhưng có đến hàng chục văn phòng môi giới nhà đất lớn nhỏ. Thậm chí nhiều “văn phòng” ăn ké quán cà phê với tên gọi mỹ miều “Cà phê BĐS” hay “Cafe Địa ốc”.
Giá đất “nhảy múa” chóng mặt
Trên con đường sình lầy dẫn vào khu dân cư Ấp Mới 2, thuộc xã Mỹ Hạnh Nam là dự án Khu tái định cư và khu dân cư Xuyên Á, do Công ty CP Ngọc Phong làm chủ đầu tư đang được triển khai, cũng có hàng chục văn phòng môi giới nhà đất. Ghé vào một văn phòng tìm hiểu đất khu vực này, nhân viên ở đây cho biết giá đất 15-30 triệu đồng/m2 tùy vị trí. “Đất ở đây tăng giá theo từng ngày. Anh mua chậm sẽ khó, vì giá tăng và vị trí đẹp không còn nữa”, nhân viên này tư vấn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đất Long An chỉ mới lên giá trong thời gian gần 1 năm nay. Trước kia chỉ cần 100 triệu đồng có thể mua được 1 nền đất gần 100m2 để xây nhà, nhưng hiện nay phải 300-400 triệu đồng, thậm chí đất dự án như Xuyên Á có lô lên đến gần 2-3 tỷ đồng nền đất hơn 100m2.
Một số nhân viên môi giới “đóng chốt” tại những khu vực trên, cho biết từ những thông tin nhiều dự án lớn sẽ được triển khai tại Cần Giuộc và Cần Đước, thời gian gần đây nhiều khách hàng từ TPHCM và các địa phương khác về đây mua đất làm náo loạn thị trường. Giá đất nông nghiệp tại những khu vực này đã bị đẩy lên 3-4 triệu đồng/m2.
Theo tìm hiểu ở xã Mỹ Hạnh Nam, hiện có những nơi 400m2 đất thổ cư bán với giá trên 2,1 tỉ đồng, trong khi đó cách đây mấy tháng giá chỉ khoảng 1 tỉ đồng; hay 1ha đất lúa giờ có giá bán 5 tỉ đồng, còn thời điểm trước tết 2017 chỉ có giá 2,5 tỉ đồng.
Khu vực này trước tết giá đất chỉ có vài trăm triệu 100m2, giờ đã “tăng vọt” lên gần 2 tỷ đồng.
Theo ông Lê Thanh Tuấn, Tổng giám đốc công ty đầu tư Đông Phương, trước tết giá đất một công (1.000m2) tại Cần Giuộc được rao bán từ 800-900 triệu đồng, nay hỏi lại đã “nhảy” lên 1,3-1,5 tỷ đồng/công. Các lô đất thổ cư tại một số khu vực giáp ranh với TP.HCM như Cần Đước, Đức Hòa… khoảng 2 năm trước 3-4 triệu đồng/m2 rao bán mãi không ai mua. Bước sang giữa năm 2017 đã “vọt” lên 7-8 triệu đồng/m2, và hiện nay được rao bán ở mức 10-12 triệu đồng/m2, nhưng khu vực hạ tầng giao thông tốt có giá đến 22 triệu/m2.
Trong khi đó, các “cò” đất dọc tuyến đường dẫn vào khu đô thị quốc tế 5 Sao tại huyện Cần Giuộc cho biết thêm do tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành (đoạn đi qua tỉnh Long An) sắp hoàn thành, cộng với việc từ sau tết có một số “đại gia” địa ốc thâu tóm các quỹ đất lớn ở đây chuẩn bị triển khai dự án khu dân cư hiện đại, từ đó giá đất đang “nhích” lên cao. Theo đó, trước tết, chỉ cần có khoảng 500-700 triệu là có thể mua được một lô đất rộng hơn 100m2, nhưng nay thì “tìm đỏ con mắt” do giá đã tăng lên đến 1,2 – 1,7 tỷ đồng.
“Chúng tôi nắm rất rõ. Có những khu vực, hiện nay, giá mua tăng đột biến gấp 5-6 lần so với mấy tháng trước”, cò đất tên Hùng Cường, cho biết.
Song song đó, giá đất ở nhiều xã thuộc huyện Đức Hòa cũng đang được đẩy lên cao ngất ngưởng và theo cảnh báo đây là cơn “sốt” ảo. Nhưng gần đây, việc giao dịch mua – bán đất vẫn diễn ra rất sôi động. Nhiều điểm công chứng đều chật cứng người đến chứng thực các giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng đất.
“Bình thường, bình quân mỗi ngày, chi nhánh tiếp nhận khoảng 100 hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, thế nhưng từ tháng 3/2017 đến nay, số hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất nộp vào tăng đột biến với mức bình quân trên 300 hồ sơ/ngày”, đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai tại huyện Đức Hòa, cho biết.
Được biết, những người mua đất tại các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (ven TP.HCM) chủ yếu đến từ TP.HCM. Trên thực tế, nhu cầu thực sự về đất ở của người dân trong huyện Bến Lức và các địa phương khác cũng không cao đến mức dẫn đến cơn “sốt” đất hiện nay. Trong đó, có nhiều người đầu cơ gom đất để chuyển nhượng lại kiếm lời.
Chính quyền địa phương tăng cường quản lý
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, thời gian tới tỉnh sẽ thường xuyên công bố công khai rộng rãi thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho người dân được biết dưới nhiều hình thức như: Pano, áp – phích, trang thông tin của sở, của UBND huyện.
Song song đó, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp phù hợp để siết chặt việc phân lô, tách thửa theo Quyết định số 65/2016/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 về việc ban hành quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở và đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An.
Cụ thể, khi người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất phải qua bước thẩm định nhu cầu sử dụng đất; điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất; lập mặt bằng tổng thể bảo đảm việc kết nối hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại địa phương. Qua đó, xác định nhu cầu thực sự, khả năng, năng lực thực sự của chủ đầu tư, hạn chế được phần nào việc chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô tách thửa.
Sở tham mưu và trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh bảng giá đất kịp thời, bảo đảm phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường nhằm tránh thất thu ngân sách Nhà nước khi người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất; đặc biệt, đối với khu vực giáp ranh TP.HCM có giá đất chênh lệch tăng.
Đồng thời, chỉ thực hiện thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng công trình phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng. Không giải quyết thủ tục hợp thức hóa đối với tất cả các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích lớn để tiến hành xây dựng hạ tầng, sau đó, tách thửa chuyển nhượng thành các khu dân cư tự phát mà không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Trí thức trẻ