Ban Thường vụ Thành ủy TP nhất quán quan điểm, nếu chính quyền sai thì phải khắc phục. Ngoài ra, ai làm sai, cấp nào làm sai, cá nhân nào làm sai thì cá nhân, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 (TPHCM) vào chiều 9-5, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TP, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, khẳng định toàn bộ ý kiến phản ánh của cử tri liên quan dự án Khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm sẽ được báo cáo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng Ban Thường vụ Thành ủy TP để có sự lãnh đạo, chỉ đạo xử lý rốt ráo, thấu đáo sự việc.
Ban Thường vụ Thành ủy TP cũng nhất quán quan điểm, nếu chính quyền sai thì phải khắc phục. Ngoài ra, ai làm sai, cấp nào làm sai, cá nhân nào làm sai thì cá nhân, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Buổi tiếp xúc cử tri kéo dài với thời gian kỷ lục hơn 6 giờ (từ 14 giờ đến hơn 20 giờ 30) với trên 50 ý kiến. Một số cử tri, kể cả cử tri nam cũng không kìm được cảm xúc và bật khóc trong lúc phát biểu do bức xúc nhiều năm dồn nén. Có người ngất xỉu tại chỗ vì quá mệt…
Quy hoạch bị biến dạng thành phân lô bán nền
Cử tri Lê Thị Hồng Vân (phường Bình Khánh) cùng nhiều cử tri khác khẳng định, nhà, đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm nhưng vẫn bị cưỡng chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân khiếu nại khắp nơi. Trước thông tin bản đồ quy hoạch gốc 1/5.000 của KĐT mới Thủ Thiêm bị mất càng khiến người dân bức xúc, đặt ra nhiều nghi vấn liệu có điều khuất tất? Cử tri Đoàn Văn Phương còn đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ nội dung này.
Cử tri Phương dẫn lại lời nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Võ Viết Thanh rằng “quy hoạch của KĐT mới Thủ Thiêm trước đây đã bị phá nát, bị biến dạng thành phân lô bán nền…”, từ đó đặt vấn đề vì sao khiếu kiện của người dân về việc thu hồi, bồi thường ở dự án KĐT mới Thủ Thiêm đã kéo dài dai dẳng nhiều năm qua? “Tôi cho rằng trong vụ việc này có lợi ích nhóm”, cử tri Phương nêu nghi vấn và đề nghị chính quyền TPHCM cần sớm làm rõ.
Trong khi đó, cử tri Đặng Văn Truyền (phường Bình An) cũng khẳng định, nhà đất của ông cùng một số người dân ở phường Bình An và Bình Khánh nằm ngoài ranh quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm (theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ) nhưng vẫn bị cưỡng chế thu hồi. Ông Truyền là hộ dân cuối cùng ở khu vực bị cưỡng chế, tháo dỡ nhà vào năm 2015. “Tôi chỉ muốn nói lên nguyện vọng của những người dân. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thì phải giải quyết nhanh cho người dân ổn định cuộc sống”, cử tri Truyền đề nghị.
Cử tri Nguyễn Phi Thường (phường An Khánh) cho rằng pháp lý của dự án KĐT mới Thủ Thiêm chỉ là một, không thể có hai. Vì vậy, ông đề nghị nếu chính quyền thấy sai thì cần ngồi lại với dân, cùng giải quyết. Theo đó, vị trí nào đã giải tỏa, giao cho chủ đầu tư rồi thì bàn bạc thỏa thuận giá cả bồi thường cho dân sao cho phù hợp. Nếu không thỏa thuận được thì phải trả lại đất cho dân.
“Chúng tôi không khó khăn với cán bộ nhưng cán bộ phải thấy được cái sai của mình”, cử tri Thường nhấn mạnh và lưu ý, nếu các đề nghị trên không được đáp ứng thì đề nghị Trung ương cử đoàn thanh tra toàn diện dự án KĐT mới Thủ Thiêm.
Nhiều cử tri khác phản ánh, quyết định phê duyệt KĐT mới Thủ Thiêm ban đầu của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo TP đều muốn người dân cố cựu tại đây được hưởng quyền lợi trước nhất. Nhưng thực tế, hiện nay chính những người dân cố cựu lại khổ cực, như vậy là rất bất công.
Cử tri Đặng Thị Bích Ngọc cho rằng nguyên do từ việc UBND TP điều chỉnh quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm. Cụ thể, Quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm có quy mô 930ha, gồm khu đô thị mới rộng 770ha và khu tái định cư rộng 160ha. Ranh quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm ban đầu không liên quan đến khu dân cư phường Bình An và Bình Khánh. Tuy nhiên, sau này UBND TP ban hành quyết định thu hồi cả nhà, đất ngoài ranh quy hoạch. Do đó, việc UBND TP điều chỉnh quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm (vào năm 2005) thay đổi ranh quy hoạch theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ có đúng quy định không?
Các cử tri cũng bày tỏ, Quyết định 367 quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mang tính nhân văn khi phân rõ khu vực trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm và khu tái định cư (rộng 160ha) gần nhau. Nhưng sau đó, trong quá trình thực hiện đã không như quy hoạch ban đầu, khi địa phương lấy thêm đất của dân ngoài ranh để nhập vào khu trung tâm đô thị. Sau đó, phần đất tái định cư cho người dân thì “đẩy” đi xa, bố trí rải rác nhiều nơi.
“Tôi rất tâm đắc với ý kiến của một nguyên lãnh đạo UBND TP (nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Võ Viết Thanh – PV) cho rằng đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm”, cử tri Trần Thị Mỹ (phường An Khánh) phản ánh.
Đề cập đến đơn giá bồi thường, theo cử tri Lê Thị Bạch Tuyết, giá bồi thường cho người dân quá thấp nhưng “qua tay” các công ty bất động sản thì cao ngút. Bởi lẽ, khi bà Tuyết liên hệ với một doanh nghiệp bất động sản để hỏi giá đất dự án nhà ở Thủ Thiêm thì được báo giá 350 triệu đồng/m².
“Nhà nước bồi thường cho chúng tôi 18 triệu đồng/m² nhưng bây giờ họ bán giá như vậy. Ép dân quá”, cử tri Tuyết bức xúc và đề nghị phải xem lại đơn giá bồi thường cho những người dân bị ảnh hưởng.
Bày tỏ đồng tình, cử tri Nguyễn Tiến Thịnh còn nhấn mạnh: “Người dân chúng tôi sẵn sàng đổi đất để xây dựng quảng trường, công viên, giải trí chứ không phải là các chung cư, biệt thự”.
Cử tri cũng đặt vấn đề về việc làm 4 con đường trong KĐT mới Thủ Thiêm chưa đầy 12km nhưng hết 12.000 tỷ đồng. Cử tri đề nghị nói rõ cho nhân dân biết về “con đường dát vàng” này.
Báo cáo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân toàn bộ sự việc
Thay mặt tổ ĐBQH, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, phản ánh của cử tri. Những ý kiến này sẽ được tổng hợp rồi báo cáo với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và đề xuất tổ chức cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy TP. Trên cơ sở đó, Thành ủy nghe đầy đủ những vấn đề mà cử tri nêu để có sự lãnh đạo, chỉ đạo xử lý rốt ráo, thấu đáo cho người dân.
“Vấn đề lớn nhất người dân đặt ra từ trước tới giờ vẫn là tính pháp lý. Chúng tôi đã yêu cầu UBND TP kiểm tra và có báo cáo Thành ủy và HĐND TP. Đồng thời, HĐND TP cũng giao Ban Pháp chế tập hợp những hồ sơ mà quận 2 giải quyết từ trước đến giờ để xem đúng, sai chỗ nào và xem xét điều kiện thực tế”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định.
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhận xét, bức xúc lớn của người dân về dự án KĐT mới Thủ Thiêm đã kéo dài nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. Vì vậy, tổ ĐBQH tiếp tục theo dõi các khiếu nại cũng như phản ánh, kiến nghị của cử tri để đốc thúc, giám sát việc xử lý.
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cam kết tiếp tục lắng nghe ý kiến của người dân và đốc thúc UBND TP rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý dự án KĐT mới Thủ Thiêm để có kết luận rõ ràng và báo cáo công khai, minh bạch cho người dân.
Về tiến độ cụ thể, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, qua trao đổi với Chủ tịch UBND TP thì được biết đoàn Thanh tra Chính phủ đang làm việc. Hiện UBND TP đang tập hợp hồ sơ qua các thời kỳ để báo đoàn thanh tra. Trên cơ sở kết luận thanh tra, TPHCM sẽ đánh giá, xác định trách nhiệm cụ thể. Ban Thường vụ Thành ủy TP cũng nhất quán quan điểm ai làm sai, cấp nào làm sai, cá nhân nào làm sai (khi Thanh tra Chính phủ đã có kết luận) thì cá nhân, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước dân. Tuy nhiên, đối với những vấn đề đúng cũng rất mong người dân đồng thuận nhằm đảm bảo dự án KĐT mới Thủ Thiêm được tiếp tục triển khai.
Trước khi các cử tri phát biểu, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, cho biết UBND quận đang chờ kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ và ý kiến của UBND TP về dự án KĐT mới Thủ Thiêm. UBND quận cũng tạm ngưng cưỡng chế thu hồi đất cho dự án KĐT mới Thủ Thiêm từ năm 2016.
Sáng cùng ngày, các ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phan Nguyễn Như Khuê và Trịnh Ngọc Thúy cũng có buổi tiếp xúc cử tri quận 9 (TPHCM).
Tại buổi tiếp xúc, cử tri nhận xét, công tác cán bộ còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp là do Đảng và Nhà nước. Nguyên nhân có phần do chế tài quá nhẹ, chủ yếu kỷ luật khiển trách, cảnh cáo nên không đủ ngăn chặn trước sự cám dỗ quá lớn của tiền tài, vật chất và quyền lực. Cử tri cũng bày tỏ lo lắng trước thực tế một số cán bộ công an cấp cao được trao nhiệm vụ điều tra phòng chống tội phạm thì bất ngờ trở thành tội phạm. Do đó, cử tri đề nghị Quốc hội giám sát xem còn trường hợp nào bảo kê cho tội phạm hay không. Đồng thời phải có phương án chặt chẽ để chống nạn chạy việc, chạy quyền, chạy chức.
Cử tri còn phản ánh tình trạng khiếu kiện, khiếu nại về việc cưỡng chế, thu hồi đất trái quy định, việc áp giá bồi thường không theo quy định vẫn còn tồn tại. Trong đó có nhiều vụ việc kéo dài đến hơn 10 năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên do, quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân hiện nay quá phức tạp và đi lòng vòng. Vì vậy, cử tri đề nghị Quốc hội phải sửa đổi quy định, có giải pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc.