Theo đó, hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 15/5 tới, tại khách sạn Melia Hà Nội. Diễn giả chính của Hội thảo là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Việt Nam đã và đang nhận được sự chú ý rất lớn từ các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là từ Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Ông Nguyễn Công Ái – Phó tổng giám đốc KPMG
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dự kiến sẽ trình bày về tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam cũng như trực tiếp hỏi – đáp các vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam.
Điểm nhấn của Hội thảo là phiên thảo luận với chủ đề “Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Trước thềm hội thảo, Nhadautu.vn trao đổi với ông Nguyễn Công Ái – Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG – đơn vị phối hợp cùng Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức hội thảo về những vấn đề liên quan đến triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và môi trường đầu tư Việt Nam.
Ông có thể cho biết, việc tổ chức Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” có ý nghĩa thế nào khi mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hoàn thiện và ban hành hàng loạt các quy định về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Công Ái: Không phải chỉ trong bối cảnh của cuộc cải cách hành chính hiện nay, mà cộng đồng doanh nghiệp luôn trân trọng mỗi cơ hội được đối thoại cùng các nhà hoạch định chính sách, trong đó Bộ Kế hoạch đầu tư là đầu mối quan trọng hàng đầu.
Việc gặp gỡ và trao đổi thẳng thắn về các định hướng chính sách, cũng như những vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp, giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán chính xác hơn môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, giúp kinh doanh thành công hơn.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam, tôi tin rằng, việc thường xuyên tiếp xúc và hiểu rõ những mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp đưa ra những chính sách phù hợp và hiệu quả hơn.
Được biết, hội thảo là một diễn đàn mở để đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, cùng lãnh đạo các cơ quan ban ngành có thể cùng nhau thảo luận, đưa ra ý kiến và trao đổi thẳng thắn về các chính sách đầu tư, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và tiếp tục củng cố niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư trong và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thưa ông?
Ông Nguyễn Công Ái: Tất nhiên việc trao đổi thẳng thắn sẽ giúp tăng cường niềm tin và sự thông cảm giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, Chính phủ thì thực sự kiến tạo hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có những diễn biến khó lường và kinh tế vĩ mô trong nước cũng xuất hiện một số vấn đề cần giải quyết, theo ông Chính phủ nên thực hiện các giải pháp chủ yếu nào để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?
Ông Nguyễn Công Ái: Chính phủ đã và đang làm tốt trong việc giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp. Điều này cần được tiếp tục. Ngoài ra, việc tham vấn các doanh nghiệp đối với các chính sách trong các lĩnh vực nhạy cảm như kinh doanh dược phẩm, tài chính ngân hàng… cũng sẽ giúp Chính phủ đưa ra những quyết sách phù hợp. Môi trường kinh doanh và đầu tư đang thay đổi rất nhanh, Chính phủ cần lưu ý đến những thay đổi do cuộc cách mạng công nghệ mang lại để có được những quyết sách phù hợp.
Theo ông lợi thế và những thách thức của Việt Nam khi đã quan hệ cùng lúc với nhiều đối tác lớn trên thế giới cũng như trong khu vực khi tham gia vào các Hiệp định như: Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam và Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN?
Ông Nguyễn Công Ái: Lợi thế của Việt Nam là rõ ràng trong việc tham gia hội nhập sâu rộng hơn. Cụ thể như: Kinh tế Việt Nam phát triển năng động, với nguồn nhân lực dồi dào chất lượng cao; vị trí địa lý của Việt Nam phù hợp cho phép Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do với nhiều khối khác nhau; Chính sách kinh tế Việt Nam theo hướng mở cửa, cải cách mạnh mẽ, rất phù hợp với xu hướng phát triển chung của nền kinh tế thế giới.
Chính vì những lợi thế trên đây, Việt Nam đã và đang nhận được sự chú ý rất lớn từ các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là từ Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Còn thách thức lớn nhất của Việt Nam là việc xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, năng động, cùng với việc phát triển nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế trong thời đại kỹ thuật số.
Ông đánh giá thế nào khi có ý kiến cho rằng Việt Nam đang nâng cao sức cạnh tranh và ngày càng trở thành một điểm đến thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài?
Ông Nguyễn Công Ái: Việt Nam đã và đang nâng cao sức cạnh tranh của mình so với một số nền kinh tế khác trong khu vực. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của năng suất lao động còn rất thấp, trình độ chuyên môn của lực lượng lao động còn tương đối thấp, và chất lượng giáo dục đại học chưa cao là những cản trở cho Việt Nam trong cạnh tranh quốc tế. Nếu làm tốt những việc trên đây, Việt Nam còn có thể thu hút đầu tư nhiều hơn nữa và tạo thêm nhiều công ăn việc làm chất lượng cao, tăng trưởng kinh tế nhanh hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
PHONG CẦM
Theo: Nhà đầu tư