Từng được kỳ vọng là dự án lớn nhất ngành giấy, với công suất dự kiến khoảng 130.000 tấn bột giấy mỗi năm và 200.000 tấn giấy in cao cấp. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 1.948 tỷ đồng. Sau 5 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư của dự án đã tăng lên 5.007 tỷ đồng. Nhưng đến nay, sau 8 năm, dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi vẫn chỉ là bãi tập kết các container, với hàng nghìn chủng loại thiết bị nằm ngổn ngang phơi nắng, phơi mưa.
Dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi, được triển khai xây dựng tại xã Bình Long, huyện Bình Sơn, diện tích đất dự kiến sử dụng 45ha. Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2008, được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 3.2009, dự kiến hoàn thành năm 2011. Khởi công từ tháng 7.2010 nhưng đến năm 2012, dự án tạm dừng thi công. Nhà đầu tư chỉ mới triển khai thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng.
Nhập thiết bị, máy móc cũ
Hàng nghìn thiết bị phơi nắng, mưa
Điều đáng nói, qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện công nghệ đầu tư dự kiến lắp đặt được mua lại bởi một nhà máy thanh lý tại Canada vào năm 2007 đến nay chưa hoàn thiện. Các động cơ điện công suất lớn, chuyên dụng và hệ thống mạch điều khiển động lực lệch chuẩn về cấp điện áp của lưới điện công nghiệp Việt Nam nên không sử dụng được, cần thay thế, bổ sung mới và cải tạo. Tuy nhiên, nhà đầu tư không có giải pháp khắc phục.
Nhà đầu tư mới chỉ tập kết về mặt bằng dự án tại Quảng Ngãi 497 trên tổng số 612 container và 184 trong 212 thiết bị siêu trường, siêu trọng. Số thiết bị còn lại đang ở cảng Tiên Sa – Đà Nẵng và Đồng Nai. Nhãn mác, ký hiệu bên ngoài của 21 nhóm loại máy móc, thiết bị tại mặt bằng nhà máy qua thanh tra cho thấy được sản xuất, chế tạo từ năm 2003 trở về trước.
Ngoài ra, nhà đầu tư chưa có tài liệu thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công nhà máy theo quy định và không lập hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng các hạng mục san nền, nhà kho sản phẩm, văn phòng vào năm 2011.
Không đủ năng lực tài chính
Mặc dù dự án chậm tiến độ đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét khó khăn, vướng mắc trong quá trình giãn tiến độ nhưng nhà đầu tư không thực hiện theo yêu cầu, không chứng minh được phần vốn còn lại để làm dự án.
Nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết về nguồn vốn đầu tư, vốn vay 80% tương ứng trên 4.000 tỷ đồng nhưng ngân hàng thông báo phê duyệt gia hạn tín dụng cho vay 2.770 tỷ đồng, thời hạn 1 năm, ngân hàng đã giải ngân trên 1.728,5 tỷ đồng, từ năm 2013 đến nay ngân hàng tạm dừng giải ngân, do nguồn vốn đối ứng của nhà đầu tư không đảm bảo. Như vậy, nhà đầu tư không còn khả năng về tài chính để tiếp tục thực hiện dự án.
Nhà làm việc xây dở dang, cây cỏ mọc um tùm
Ngoài ra, tuy đã được bàn giao đất, đơn vị này cũng chưa thanh toán hết kinh phí giải phóng mặt bằng và cũng không giải quyết những vướng mắc do chưa di dời 46 ngôi mộ. Trên phần diện tích được bàn giao, chủ đầu tư xây dựng dở dang nhiều công trình hoặc còn để trống đất.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện lập thủ tục theo quy định trình UBND tỉnh thu hồi diện tích đất 45ha theo trường hợp bị chấm dứt dự án đầu tư. Đồng thời, giao Cục Thuế thực hiện thủ tục thu hồi số thuế giá trị gia tăng đã được hoàn là 160 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Giám đốc Sở KH&ĐT ban hành chấm dứt dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy tại huyện Ba Tơ của chủ đầu tư mà UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư; giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho tỉnh thu hồi diện tích 200,18ha còn lại của dự án do đến tháng 12.2016 vẫn chưa đưa đất vào sử dụng.