PGS.TS Vũ Minh Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các đặc khu kinh tế phải là điểm hút về công nghệ, nhân tài và là nơi để khẳng định đẳng cấp với thế giới.
Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) đang chờ Quốc hội phê duyệt, đây là một dự luật với nhiều cải cách đột phá, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nhất là đầu nước ngoài.
Các địa điểm được nghiên cứu phát triển thành đặc khu kinh tế bao gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
PGS.TS Vũ Minh Khương
Đánh giá về những ưu đãi trong dự thảo luật, PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học quốc gia Singapore), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dự thảo luật đặc khu kinh tế hiện nay chưa thật khoa học và có tầm, bởi lẽ Việt Nam coi trọng quá nhiều về ưu đãi mà chưa có giải pháp thu hút các nhà đầu tư ưu tú.
Trong khi đó, các đặc khu kinh tế trên thế giới thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào chính bởi có một cơ chế bền vững chứ không phải ưu đãi. Theo ông Khương, cần nhìn nhận lại những ưu đãi như miễn giảm thuế, tăng thời hạn giao đất… như trong dự luật.
PGS.TS Vũ Minh Khương là chuyên gia cao cấp về chính sách phát triển kinh tế, trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore).
Ông cũng từng làm tư vấn cho Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới… Ông nhận bằng Tiến sĩ chính sách công và Thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Harvard.
Đối với các ưu đãi về thuế, ông Khương cho rằng, việc miễn giảm thuế tại các đặc khu kinh tế là không hợp lý vì có thể sẽ làm cạn kiệt ngân sách.
Lấy ví dụ từ Singapore, một quốc gia đã phát triển thành công các đặc khu kinh tế, ông Khương cho biết, ở quốc gia này, thuế vẫn phải thu và ưu đãi về thuế là hết sức hạn chế.
Nhà nước sẽ sử dụng tiền thuế mà chính các doanh nghiệp đóng để hỗ trợ cho các nhà đầu tư có dự án nằm trong vùng được hưởng các chính sách ưu đãi nhất định trong việc phát triển hạ tầng. Bằng cách này, Nhà nước vừa có thể đảm bảo nguồn thu, vừa đảm bảo ngân sách mà vẫn hỗ trợ được cho các nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Khương nhìn nhận, ở Việt Nam tiền thuế Nhà nước thu về là không đáng kể trong khi ưu đãi ở mức cao làm cạn kiệt ngân sách, số lượng nhà đầu tư cũng không hề ít tại các đặc khu kinh tế.
Đồng thời, việc miễn giảm như vậy trong vài năm đầu có thể khiến các nhà đầu tư coi là điều mặc nhiên dẫn đến việc thu thuế về sau sẽ rất khó.
Do đó, ông Khương cho rằng, ưu đãi về thuế cần có một sự linh hoạt nhất định. Trong vài ba năm đầu sẽ có một số hỗ trợ đặc biệt tuy nhiên sang năm thứ tư khi các đặc khu kinh tế đã cất cánh và trở nên hấp dẫn hơn nhiều đối với các nhà đầu tư thì không cần ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt nữa.
Đối với việc xây dựng quy hoạch của các đặc khu, ông Khương cho biết, Chính phủ cần xây dựng một cách có tầm nhìn và tính toán kỹ lưỡng. Việc trích quỹ đất cần tính toán đến quyền lợi của những người thực sự có đóng góp cho sự phát triển của các đặc khu kinh tế.
Bên cạnh đó, cần chú ý đến quyền lợi của những người dân sống tại các vùng đất đó, tránh để tiền rơi vào những cò đất buôn bán chạy chọt, lợi dụng cơ chế.
“Trước hết toàn bộ quy hoạch đất phải rõ ràng, tránh trường hợp làm mất cả bản đồ như Thủ Thiêm. Việt Nam có tư duy cởi mở, hội nhập và quyết liệt nhưng nếu thiết chế không tốt và chiến lược không có tầm thì không đi xa được”, ông Khương nhìn nhận.
Đối với quy định thời hạn giao đất, dự thảo luật cũng đưa ra thời hạn ưu đãi thuê đất lâu nhất tại các đặc khu kinh tế là 99 năm thay vì 70 năm như hiện nay. Ông Khương cho rằng, con số này là quá cao vì sẽ khiến các đặc khu kinh tế bị thiên lệch về hướng thu hút các nhà đầu tư có tính đầu cơ.
Việc duy trì thời hạn giao đất 70 năm như hiện nay không chỉ tăng ủng hộ của nhân dân mà còn khuyến khích các dự án ứng dụng kỹ thuật có tiến bộ nhanh và mang lại hiệu quả sớm.
Trước đó, nhiều đại biểu quốc hội cũng cho rằng, việc giao đất với thời hạn tới 99 năm là quá dài so với chu kỳ thu hồi vốn của hoạt động sản xuất, kinh doanh và có thể bất lợi cho Nhà nước do nền kinh tế thế giới đang có sự biến động mạnh mẽ, có thể dẫn đến những thay đổi khó dự báo về vai trò, vị trí của một số ngành, nghề được ưu tiên trong nền kinh tế.
Theo ban soạn thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, quy định này gây nhiều khó khăn trong thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng trong trường hợp cần thu hồi đất để sử dụng vào mục đích khác. Đồng thời, tạo sự khan hiếm quỹ đất để phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại các đặc khu trong dài hạn.
Bên cạnh đó, quy định này có thể sẽ gây ra phản ứng tiêu cực của người dân, doanh nghiệp, xã hội ngoài đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trong trường hợp dự án được phép cho thuê đất 99 năm triển khai chậm tiến độ, không thành công, không mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế hoặc các nhà đầu tư thực hiện chuyển nhượng lại dự án cho nhà đầu tư khác.
Cần có một luật chung cho các đặc khu
Theo ông Khương, Việt Nam cần có một luật chung cho các đặc khu kinh tế, có thể triển khai ở bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào để nếu chỗ này làm chưa tốt thì sẽ rút ra bài học kinh nghiệm, hoàn thiện khi áp dụng ở nơi khác với các cơ chế linh hoạt.
Trên cơ sở luật chung này, nghị định áp dụng luật đặc khu kinh tế cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là bước đi khởi đầu.
Ông Khương nhấn mạnh, việc phát triển các đặc khu kinh tế tại Việt Nam là hết sức cần thiết và phải làm. Bởi lẽ làm đặc khu là tạo nên một thiết chế đặc biệt để Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa với sự giám sát của toàn dân thông qua các phương tiện truyền thông.
“Một thể chế ưu tú trong các đặc khu kinh tế với sự giám sát của toàn dân là cần thiết để xử lý và đào thải các nhà lãnh đạo yếu kém. Thực tế hiện nay ai cũng thích làm đặc khu vì được hưởng lợi lớn nhưng thực ra nếu làm tốt cơ chế sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều, chẳng khác nào cưỡi lên lưng hổ”, ông Khương nói.
Đồng thời, các đặc khu kinh tế phải là điểm hút về công nghệ, nhân tài và là nơi để khẳng định đẳng cấp với thế giới.