Tô Lan Hương: Cuối cùng thì phiên toà xét xử anh cũng được ấn định vào ngày 7/5/2018. Sau gần một năm sống với tư cách một bị can trong vụ án sự cố chạy thận khiến 8 người chết ở Hoà Bình, anh đón nhận phiên toà ấy như thế nào?
BS Hoàng Công Lương: Tôi nhớ vào ngày 23/4, tôi nhận được tin rằng phiên toà sơ thẩm vụ án của tôi đã ấn định ngày cụ thể. Người báo tin đó cho tôi đầu tiên không phải luật sư của tôi, cũng không phải TAND Tỉnh Hoà Bình mà là bác Nguyễn Thị Thu (mẹ của chị Thu Hằng, một trong tám bệnh nhân đã qua đời trong sự cố chạy thận – PV). Không dám gọi điện trực tiếp cho tôi, bác Thu đã báo tin qua chú ruột tôi, kèm một lời nhắn gửi: “Phải dặn Lương bình tĩnh nhé, đừng căng thẳng, đừng lo lắng, đừng sợ hãi…”.
Có rất nhiều người cũng lo lắng cho tôi, nhưng thú thật, tôi bình thản, thậm chí là mong chờ phiên toà sắp tới. Tôi đã chờ đợi phiên toà này quá lâu, để vụ án của tôi sẽ đi đến hồi kết, để cuối cùng, trắng đen được rõ ràng. Tôi mong chờ công lý sẽ được thực hiện, và mong chờ có được câu trả lời rằng, đứng trước công lý, thì một người bác sĩ như tôi đã phạm tội gì trong vụ án đó?
Tô Lan Hương: Từ một bác sĩ trở thành bị can vụ án, đối diện với nguy cơ tù tội, những ngày tháng qua có lẽ đã chẳng dễ dàng gì với anh?
BS Hoàng Công Lương: Sau khi bị khởi tố, hơn một năm qua, từ một bác sĩ , tôi trở thành một bị can luôn thấp thỏm chờ đợi đến ngày phán xử. Dù may mắn hơn những bị can khác vì được tại ngoại, nhưng tôi vẫn là một bị can đang chịu sự kiểm soát của pháp luật.
Tôi bị mất rất nhiều quyền công dân, bị cấm đi khỏi nơi cư trú và luôn ở trong trạng thái sẵn sàng khi CQĐT triệu tập, VKS thực hiện phúc cung. 1 năm qua tôi tự thấy mình tụt hậu rất nhiều trong nghề nghiệp. Vì một người bác sĩ luôn cần phải học hỏi, cập nhật kiến thức mới mỗi ngày, nhưng tôi thì không có cả thời gian, sức lực và tâm trí cho việc đó. Y Tế
Tôi là con trưởng của cả một dòng họ. Rất nhiều công việc của cả họ tộc, tôi phải có trách nhiệm gánh vác. Nhưng đã một năm rồi tôi hầu như không thể về quê. Bà nội cứ vài ngày lại nhắc cháu đích tôn, hỏi sao mãi mà tôi không về. Nó hoàn toàn khác với cuộc sống yên bình của tôi trước đó.
Nên đó là lý do tôi muốn phiên toà sớm diễn ra. Tôi muốn biết, dưới góc nhìn của pháp luật, thì tôi đúng hay sai, nếu sai thì sai như thế nào, sai đến đâu. Chứ cứ sống mà không thể rạch ròi mình là một công dân, một bác sĩ hay là một bị can đang chờ ngày phán xử là một cảm giác nặng nề khủng khiếp mà tôi không biết diễn tả thế nào để chị có thể hiểu được.
Tô Lan Hương: Trong một chuỗi những biến cố, những thay đổi liên tiếp mà anh vừa kể, điều tồi tệ nhất với anh là gì sau vụ tai biến chạy thận năm ngoái?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Không gì có thể tồi tệ bằng buổi sáng ngày 29/5/2017 đối với tôi và với cả những y bác sĩ khác trong ca trực hôm đó. Chúng tôi không gọi đó là sự cố, là tai biến y khoa nữa.
Chúng tôi gọi đó là thảm hoạ – một thảm hoạ chưa từng có trong ngành Y, mà có lẽ cũng chưa từng xảy ra trên thế giới – một thảm hoạ mà những người bác sĩ như tôi không có cách nào lường trước được và cũng không có cách nào chống đỡ được.
Các bác sĩ và bệnh nhân chạy thận có một sự gắn bó mật thiết hơn rất nhiều mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân bình thường. Bệnh nhân chạy thận một tuần có mặt ở bệnh viện 3 ngày, đều đặn năm này qua năm khác. Thời gian họ ở viện còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Nên chúng tôi gần như coi nhau là bạn bè thân thiết, là người thân.
Chúng tôi biết từng gia cảnh bệnh nhân. Chúng tôi thường xuyên đến nhà nhau ăn cơm. Chúng tôi còn rủ nhau đi picnic. Kể cả chữa bệnh cho họ hay cấp cứu cho họ, chúng tôi đều tâm niệm mình đang cứu chữa cho người nhà mình.
Suốt một ngày xảy ra thảm hoạ, tôi và các đồng nghiệp đã làm mọi cách. Trong 24 tiếng đồng hồ sau thảm hoạ, tôi chỉ nuốt được 2 thìa cơm và chợp mắt được 30 phút. Nhưng không có cách nào để cứu tất cả những bệnh nhân gặp tai biến ngày hôm đó. Chúng tôi đã để mất đi 8 bệnh nhân, 8 người thân thiết của mình. Chẳng thể có điều gì kinh khủng hơn thế.
Tô Lan Hương: Sau khi thảm hoạ chạy thận diễn ra khiến 8 người chết, anh có đến thăm những gia đình nạn nhân?
BS Hoàng Công Lương: Gia đình tôi đã đến thắp hương, thăm hỏi họ từ những ngày đầu tiên. Nhưng tôi thì đến bây giờ vẫn chưa thể đến. Là bị can trong vụ án, tôi nghĩ mình không có quyền tiếp xúc với người nhà nạn nhân.
Điều khiến tôi xúc động nhất là, dù tôi không thể đến thăm hỏi từng gia đình những bệnh nhân trong ca trực ngày hôm đó, nhưng chính họ lại là người đến với tôi.
Tôi đã rất xúc động khi bác Nguyễn Thị Thu (mẹ của bệnh nhân Thu Hằng) đến tận nhà tôi giữa trời mưa bão, gửi tặng tôi một cái tràng hạt mua về từ Campuchia, kèm theo lời dặn: “Bác sĩ Lương, cháu phải cố gắng lên, phải kiên cường, phải nghị lực, phải tự chăm sóc mình. Buổi tối trước khi đi ngủ, cháu phải nghĩ rằng mỗi ngày cháu đã sống và làm những việc có ích cho xã hội. Cháu không có tội thì không có gì phải sợ. Buổi sáng thức dậy, cháu phải nghĩ rằng ngày hôm nay sẽ là một ngày tốt lành. Cháu không làm gì để gia đình và vợ con phải xấu hổ cả. Bác tin cháu vô tội và tin rằng pháp luật cũng sẽ công bằng với cháu như thế”.
Tô Lan Hương: Rất hiếm có những sự cố y khoa mà bác sĩ nhận được sự thông cảm, thậm chí sự ủng hộ, chia sẻ từ gia đình nạn nhân. Anh nghĩ vì sao anh lại có được những tình cảm quý báu ấy?
BS Hoàng Công Lương: Vì như tôi nói lúc nãy, chúng tôi coi nhau như người nhà suốt nhiều năm qua. Và họ đều có mặt ở bệnh viện trong những giờ phút đó, hợp lực cùng chúng tôi cấp cứu cho những người bệnh đang nguy kịch. Kể cả khi người thân của họ chết, họ vẫn đến gặp bác sĩ để động viên chúng tôi cố gắng cứu chữa cho những người còn lại. Tôi nghĩ Đơn nguyên Thận nhân tạo (trong đó có tôi) đã rất may mắn vì gặp những gia đình nạn nhân thực sự văn minh, nhân ái. Nhưng tôi tin họ cũng hiểu rằng, với lương tâm và nhiệm vụ của một người thầy thuốc, tôi và đồng nghiệp của mình tại Đơn nguyên đã không hề mắc sai lầm. Nếu tôi sai, tôi sẽ không có được sự yêu thương đó!
Tô Lan Hương: Lúc xảy ra vụ việc, anh có nghĩ rằng anh sẽ bị bắt và sẽ trở thành bị can – là một trong 3 người phải chịu trách nhiệm pháp lý trực tiếp cho 8 cái chết đó?
BS Hoàng Công Lương: Thật ra ngay khi sự việc xảy ra, những giờ phút đầu tôi rất hoang mang, cứ tự hỏi mình có lỗi không, có sai sót gì đó về chuyên môn khiến cho 8 người thiệt mạng và bao nhiêu người nguy kịch không? Vì nếu đó là sai sót của mình, điều tồi tệ nhất không phải là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà là sự day dứt lương tâm của một người bác sĩ.
Nhưng rất nhanh sau đó, Hội đồng chuyên môn đã họp và nhận định phần nào nguyên nhân xảy ra thảm hoạ được nghĩ nhiều là do nguồn nước RO trong hệ thống lọc nước có vấn đề chứ không phải do chuyên môn của bác sĩ. Sau này có kết luận giám định thì sự việc đã rõ ràng và giải thoát cho tôi về tâm lý.
Nên hơn hai mươi ngày sau, tôi rất bất ngờ khi mình bị bắt. Tôi trở thành người đầu tiên trong dòng họ của mình dính líu đến pháp luật. Cả gia đình tôi, từ bố mẹ hai bên đến họ hàng ở quê đều ngỡ ngàng trước việc đó. Mà con gái tôi khi ấy mới 7 tháng tuổi.
13 ngày tạm giam là 13 ngày rất khủng khiếp nhưng cũng rất đáng nhớ với tôi. Trại giam là một nơi khác rất xa so với những trải nghiệm mà tôi có trước đó. Tôi bị giam trong căn phòng có 6 phạm nhân, trong đó có 2 tử tù đang chờ đến ngày hành quyết.
Buồng giam không có điện, không có quạt, không có cả cửa sổ. Mỗi ngày chúng tôi chỉ được ra ngoài 1 tiếng để tắm và vệ sinh cá nhân. Chúng tôi cũng phải hỗ trợ hai tử tù giải quyết những nhu câù vệ sinh cá nhân, rồi sau đó đi đổ bô chất thải cho họ nếu không muốn phòng ngập trong mùi xú uế. Đó là những kinh nghiệm tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày trải qua.
Nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn, vì sau 13 ngày thì tôi được tại ngoại và được tiếp tục công việc của một người bác sĩ cho đến tận ngày phiên toà diễn ra.
Tô Lan Hương: Mỗi khi có cơ hội quan sát anh, tôi luôn thấy ngạc nhiên một điều: kể cả trong những ngày tháng khó khăn vừa qua, anh vẫn giữ được gương mặt rất bình thản. Sau khi được tại ngoại, anh trở lại làm bác sĩ, cặm cụi làm việc, điềm tĩnh xử lý các ca bệnh khó. Tôi biết áp lực dành cho anh không nhỏ, nhưng tôi không thể bắt gặp được những khoảnh khắc anh bộc lộ cảm xúc…
BS Hoàng Công Lương: Tôi cố gắng rạch ròi hai phần cuộc sống đó trong suốt một năm qua: một phần là bị can, một phần là bác sĩ. Những lúc bị CQĐT gọi lên lấy lời khai, tôi chỉ tập trung vào việc khai báo tất cả những gì tôi biết.
Ra khỏi đó, tôi quay trở lại là một người bác sĩ, chỉ nghĩ về chuyên môn, chỉ chuyên tâm chữa bệnh cho bệnh nhân, gạt đi hết tất cả những nỗi lo ám ảnh về bản án mà tôi có thể phải đối diện sắp tới. Vì tôi sẽ không thể tha thứ cho mình nếu như vì sự mất tập trung của tôi, mà có thể một sự cố nào đó sẽ xảy ra với bệnh nhân…
Bác sĩ chúng tôi, từ lúc còn học trong trường Đại học đã phải rèn luyện cho mình một thần kinh thép để chịu đựng những áp lực, để phải đối mặt với những diễn biến khó lường trong quá trình làm nghề.
Đó là những ca cấp cứu mà tính mạng bệnh nhân ngàn cân treo sợi tóc, là những ca mổ mà chỉ sai lệch một ly thôi cũng phải trả giá bằng sinh mệnh con người. Thần kinh thép không phải để khiến chúng tôi vô cảm với bệnh nhân. Thần kinh thép để trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng phải giữ được sự bản lĩnh, tỉnh táo và sáng suốt. Đó là lý do vì sao chị thấy tôi hiếm khi bộc lộ cảm xúc.
Nhưng không có nghĩa là lòng tôi bình thản!
Tôi cũng có những đêm mất ngủ, chỉ nhìn chăm chăm lên trần nhà và nghĩ về những kịch bản sẽ xảy ra với cuộc đời mình. Nếu kịch bản tốt đẹp thì may quá, không sao. Nhưng giả dụ như kịch bản xấu nhất xảy ra – ví dụ như tôi sẽ đi phải đi tù và khôngđược làm bác sĩ nữa – tôi buộc mình phải nghĩ đến việc tôi sẽ phải đối mặt thế nào với những tình huống đó.
Nhưng tôi luôn nhớ về hai người bạn tù của mình – 2 tử tù đã bị biệt giam suốt 5 năm. Mỗi buổi sáng thức dậy, họ đều phải chuẩn bị cho cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, không có một ngày nào là yên ổn. Nhưng họ đã luôn động viên tôi trong suốt 13 ngày tạm giam, luôn dặn tôi đừng bao giờ nao núng, đừng bao giờ mất tinh thần.
Vì thế, thay vì bi quan, tuyệt vọng, phần lớn thời gian trong 1 năm qua, tôi chọn cách sống luôn hy vọng. Nếu ngày nào cũng chỉ nghĩ đến những điều tồi tệ, tôi chắc không còn đủ tinh thần, không còn đủ sự tha thiết với cuộc sống này nữa.
Tô Lan Hương: Có người nói với tôi rằng, trước khi vụ án này xảy ra, anh là một trong những hạt giống của Khoa Hồi sức tích cực và hoàn toàn có triển vọng lên Phó khoa trong nay mai. Vụ án xảy ra có thể đã và sẽ là rào cản cho những thăng tiến trong sự nghiệp của anh, cản trở những hoài bão của anh? Anh có tiếc nuối vì việc đó?
BS Hoàng Công Lương: Dĩ nhiên là đàn ông, tôi cũng có những giấc mơ, những hoài bão của mình. Tôi vừa muốn là một bác sĩ giỏi để khẳng định bản thân với đời, vừa muốn thành công về sự nghiệp để bố mẹ nở mày nở mặt, vừa muốn thành đạt về công danh để vợ con được tự hào về người chồng, người cha. Nên tôi đã luôn cần mẫn rèn luyện và phấn đấu về năng lực và nhân cách, cho đến khi sự việc diễn ra.
Nhưng tôi cũng phải chấp nhận một thực tế rằng, trong hoàn cảnh này, tôi sẽ phải từ bỏ nhiều thứ, sẽ phải chứng kiến nhiều cơ hội qua đi, phải bằng lòng với những gì mình đang có. Tôi tin, đến ngày toà tuyên tôi vô tội, thì lúc đó có bắt đầu phấn đấu lại từ đầu cũng chưa muộn.
Lúc này, tôi chỉ có nhiệm vụ quan trọng nhất: chứng minh mình vô tội để tiếp tục được làm bác sĩ.
Tô Lan Hương: Tôi đã đọc bản cáo trạng của anh. Theo như bản cáo trạng đó, anh bị truy tố với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” . Anh nghĩ gì về tội danh đó?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Tôi không đồng ý với cáo trạng đó!
Tôi bị quy tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vì cáo trạng cho rằng, với vai trò của một người bác sĩ, tôi đã không nhận được các bàn giao về chất lượng nguồn nước trước khi tiến hành chạy thận.
Nhưng tôi là một bác sĩ điều trị. Trách nhiệm của tôi là thăm khám, điều trị và ra y lệnh cho bệnh nhân. Trong quá trình thăm khám điều trị, nếu như tôi ra y lệnh sai, dẫn đến những chuyển biến xấu về sức khoẻ người bệnh, thì đó đương nhiên là trách nhiệm của tôi, là lỗi về chuyên môn của tôi. Còn chất lượng của thiết bị y tế sẽ do Phòng vật tư chịu trách nhiệm.
Biên bản bàn giao thiết bị máy móc giữa phòng vật tư và Đơn nguyên Thận nhân tạo thực chất chỉ là biên bản bàn giao thiết bị để đưa vào sử dụng, chứ đó không phải một biên bản bàn giao về chất lượng. Bởi vì, khi phòng vật tư bàn giao thiết bị cho chúng tôi, thì thiết bị đó đương nhiên đã được phòng vật tư đảm bảo về chất lượng.
Và ngày trước khi diễn ra vụ chạy thận (tức là ngày 28/5), nữ điều dưỡng trực ca hôm đó đã ký nhận bàn giao từ Phòng Vật tư. Đến bây giờ Đơn nguyên Thận nhân tạo của chúng tôi vẫn giữ đầy đủ biên bản bàn giao đó. Còn nếu là biên bản bàn giao giữa phòng Vật tư và công ty sục rửa thiết bị, thì đó không nằm trong phần việc của bác sĩ.
Một bác sĩ như tôi không có quyền hạn, trách nhiệm và cũng không có cả năng lực chuyên môn để kiểm định chất lượng thiết bị hay chất lượng nguồn nước. Chúng tôi không có cách nào kiểm tra thiết bị đưa xuống có bảo đảm hay không và càng không thể nào chịu trách nhiệm cho việc Bệnh viện cung cấp cho khoa những thiết bị không bảo đảm. Cũng giống như toàn bộ thuốc, vật tư y tế bệnh viện đấu thầu, chúng tôi chỉ biết sử dụng nguồn thuốc và các vật tư đó, và bệnh viện phải có trách nhiệm bảo đảm chất lượng thuốc. Nếu như trong đó có thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng, chẳng nhẽ tội lỗi cũng đổ hết lên đầu bác sĩ?
Tô Lan Hương: Nếu bản cáo trạng không làm anh hài lòng, nếu anh thấy mình oan ức, thì tại sao trong bức tâm thư gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi thấy anh chỉ mong vụ án được đưa ra xét xử đúng người đúng tội, chứ không kêu oan, không xin giảm tội cho mình?
Bác sĩ Hoàng Công Lương: Vì tôi tin rằng tôi không có tội để phải xin giảm tội. Nên trong bức tâm thư gửi các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi chỉ mong vụ án được xem xét đúng bản chất, đưa ra xét xử đúng người, đúng pháp luật, tránh oan sai và tránh bỏ lọt tội phạm, đảm bảo sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
Nếu phiên toà xét xử công minh, công khai, minh bạch, rõ ràng, khách quan, đúng người đúng tội, thì tôi tự tin 100% tôi không có tội: vì tôi không làm gì sai với lương tâm và chuyên môn của một người bác sĩ; cũng không làm gì thiết sót so với nhiệm vụ được giao; không bỏ qua những quy trình bắt buộc về nghề nghiệp, nếu đó là thứ nằm trong nhiệm vụ của tôi.
Việc này Sở Y tế cũng công bố kết quả, đã kết luận về chuyên môn, cán bộ y bác sĩ trong ca làm việc hôm đó đã làm đúng chuyên môn, làm đầy đủ trách nhiệm, đúng quy trình của Bộ y tế.
Tô Lan Hương: Tôi nhớ có một bác sĩ đầu ngành đã nói rằng, nếu anh bị kết tội trong vụ án này, thì đây sẽ là vụ án xét xử cả ngành y tế; tất cả các bác sĩ sẽ thành “tù nhân dự bị”, và sẽ không ai còn dám chữa bệnh cho bệnh nhân, vì không có cách nào đáp ứng được đầy đủ các quy tắc hành chính như trong vụ án này? Anh nghĩ sao về nhận định đó?
BS Hoàng Công Lương: Trong suốt một năm qua, tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các đồng nghiệp trong khắp cả nước, trong đó có không ít người là những bác sĩ đầu ngành có tên tuổi, là những bậc tiền bối mà tôi vô cùng kính trọng. Tôi vừa cảm động, vừa bất ngờ về sự gắn bó, đoàn kết của tập thể y bác sĩ trong ngành y.
Nhưng tôi cũng hiểu rằng, việc đòi công bằng cho tôi cũng là đòi công bằng cho các bác sĩ khác sau này. Vì nếu tôi bị kết tội trong phiên toà này với lý do thiếu thủ tục hành chính như cáo trạng đã nêu, thì đó có lẽ sẽ là một tiền lệ vô cùng đáng sợ với các nhân viên y tế.
Máy móc thiết bị y tế không thuộc lãnh vực chúng tôi có thể nắm, nhưng nếu có sai sót về thiết bị, bác sĩ là người đi tù.
Hay ví dụ như bệnh nhân nguy kịch nhập viện yêu cầu phải được mổ gấp, nhưng người nhà bệnh nhân thì không thể có mặt kịp thời. Về nguyên tắc, bác sĩ phải chờ người nhà bệnh nhân đến để giải thích tình hình bệnh nhân và yêu cầu ký vào đơn cam kết. Vì nếu có biến chứng xảy ra, bệnh nhân tử vong, gia đình bệnh nhân có thể sẽ kiện ngược bác sĩ. Nhưng chờ được người nhà bệnh nhân đến thì có thể bệnh nhân đó qua đời rồi. Mà chuyện cứu người là chuyện phải ưu tiên hàng đầu, bác sĩ không thể lựa chọn khác.
Nếu những nguyên tắc hành chính bị áp dụng một cách cứng nhắc mà áp vào trường hợp đó, thì bất cứ bác sĩ nào cũng có thể bị bắt đi tù.
Nhưng khi chúng tôi cứng nhắc trong việc tuân thủ nguyên tắc hành chính, thì người nhà bệnh nhân sẽ mắng chúng tôi vô cảm, lạnh lùng.
Nguyên tắc thì bị chê là cứng nhắc, không nguyên tắc thì bị đi tù. Cuối cùng, bác sĩ chúng tôi cần phải làm thế nào cho đúng? Chúng tôi phải làm gì vừa có được sự thông cảm và thấu hiểu của xã hội, nhưng cũng đảm bảo an toàn cho mình khi hành nghề?
Nên sau vụ án này, không chỉ tôi và nhiều bác sĩ đều có một mong muốn rằng phải có một hành lang pháp lý để bảo vệ cho bác sĩ. Ví dụ chúng tôi cần biết chắc chắn rằng cái nào chúng tôi nhất định phải tuân theo các thủ tục hành chính, tuyệt đối không được bỏ qua, cái nào chúng tôi có thể bỏ qua một phần nguyên tắc để ưu tiên cứu mạng sống người bệnh.
Còn nếu buộc phải áp dụng một cách cứng nhắc các thủ tục hành chính, nếu các bác sĩ khăng khăng chỉ chữa bệnh cho bệnh nhân khi có đầy đủ các giấy tờ thủ tục, thì sẽ có rất nhiều người phải chết dù họ không đáng bị chết. Đó sẽ là thảm hoạ của ngành Y, là bi kịch của xã hội.
Tô Lan Hương: Tôi ghét phải đưa ra những giả thiết, nhưng tôi vẫn phải hỏi anh điều này. Cả tôi và anh đều hiểu có thể sẽ có những kịch bản khác nhau cho phiên toà sơ thẩm sắp tới , và đương nhiên cũng sẽ có những “kịch bản” rất khác nhau cho cuộc đời anh. Nếu trong phiên toà ngày mai, anh được tuyên vô tội, anh sẽ…
BS Hoàng Công Lương: Đầu tiên, tôi sẽ phải gửi lời cảm ơn đến những đồng nghiệp, những anh chị, bạn bè mà tôi chưa từng biết mặt, những người đã ủng hộ tôi suốt một năm qua, đã không mệt mỏi đấu tranh trên truyền thông, trên mạng xã hội để đòi công lý cho tôi.
Tôi cảm ơn những luật sư đã bào chữa cho tôi miễn phí, vì với điều kiện của tôi, tôi thực sự không có khả năng thuê họ.
Nếu được tuyên vô tội, tôi sẽ xin nghỉ phép vài ngày, để về quê thăm bà nội, bà ngoại và những người thân của tôi, làm tròn nghĩa vụ của một trưởng nam của dòng họ, điều mà cả năm qua tôi không có điều kiện làm. Tôi cũng muốn dành một hai ngày nghỉ cho vợ con tôi, muốn cùng vợ con tôi đi đâu đó, ăn với nhau một bữa cơm thật ngon, ôm nhau ngủ một giấc thật yên bình. Chúng tôi đã quá mệt mỏi suốt một năm trời….
Sau đó tôi sẽ quay trở lại làm bác sĩ, như bao năm qua tôi đã từng.
Tô Lan Hương : Nhưng nếu trong phiên toà ngày mai, anh bị tuyên có tội?
BS Hoàng Công Lương: Tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất đó và cũng đã dặn dò vợ mình phải kiên cường. Dù thế nào, tôi cũng chỉ có một lựa chọn như đã nói với chị vừa nãy: tôi sẽ tiếp tục kháng cáo. Dù có phải đi tù thì khi vào tù, tôi cũng sẽ viết đơn kêu oan mỗi ngày. Kể cả khi ra tù, tôi cũng sẽ tiếp tục kêu oan…cho đến chừng nào tôi chứng minh rằng tôi vô tội thì thôi!
Chúc anh mọi điều bình an trong phiên toà sắp tới. Tôi thực lòng mong anh sẽ không phải chờ công lý cho mình trước bức tường trại giam!
Theo Trí Thức Trẻ07/05/2018