Thanh tra Chính phủ đã làm rõ hàng loạt sai phạm trong các hợp đồng BT (Xây dựng – Chuyển giao) liên quan đến hạ tầng giao thông đô thị tại nhiều địa phương. Sai phạm nghiêm trọng nhất là khi công trình chưa được quyết toán hoàn thành, chưa được kiểm toán giá trị thi công thì chủ đầu tư đã được giao quyền sử dụng các khu đất có vị trí đắc địa để kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, hàng ngàn hộ dân đã bị thu hồi nhà đất không đúng pháp luật, trái thẩm quyền để lấy mặt bằng cho các dự án này đã tiếp khiếu, tiếp tố kéo dài.
Thất thoát ngân sách, giảm sút niềm tin
Kết luận của Thanh tra Chính phủ số 158/KL-TTCP ngày 30/1/2011, về xác minh làm rõ nội dung phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến Dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (TSN-BL-VĐN), đã chỉ rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan đến trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, của các sở, ngành về việc chấp hành pháp luật liên quan đến việc đổi 5 khu đất lấy 1 con đường.
Theo Hợp đồng BT được ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký ngày 27/3/2007 với Cty GS E&C, về Dự án đường TSN-BL-VĐN, thì chủ đầu tư công trình đã được hưởng lợi nhuận khổng lồ từ kiểu hợp đồng 2 trong 1. Đó là giá trị khái toán của công trình là 340 triệu USD, với giá trị thi công khoảng 291 triệu USD, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 120 triệu USD. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh thời điểm đó là ông Lê Thanh Hải đã có ý kiến chỉ đạo Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh là dùng giá trị quyền sử dụng hơn 1 triệu m2đất của 5 khu đất tại quận 10, quận 2, quận 9, để thanh toán cho giá trị khái toán này. Điều đáng lưu ý là cả 5 khu đất này đều chưa có quy hoạch tỷ lệ 1/500, nên giá trị quyền sử dụng đất chỉ tạm tính, nguy cơ gây thất thoát lớn cho ngân sách.
Ngay sau đó, Cty GS E&C đã thành lập một pháp nhân mới là Cty TNHH MTV Phát triển GS Sài Gòn để tiến hành các thủ tục triển khai dự án nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản trên quỹ đất vàng mà nhiều doanh nghiệp khác có nằm mơ cũng không bao giờ có. Sau khi được giao đất, Cty TNHH MTV Phát triển GS Sài Gòn đã chuyển nhượng đất cho một số doanh nghiệp bất động sản, còn một số khu đất tại quận 2 thì tiến hành xây dựng nhà cao tầng để bán trong thời điểm cơn sốt nhà đất đạt đỉnh vào năm 2008. Thậm chí, Cty GS E&C cùng UBND TP Hồ Chí Minh còn phát hành hàng loạt văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Cty TNHH MTV Phát triển GS Sài Gòn được chuyển nhượng một số khu đất cho nhà đầu tư thứ cấp để có kinh phí thi công Dự án đường TSN-BL-VĐN.
Chỉ tính riêng khu đất số 90A đường Lý Thường Kiệt, quận 10, qua kiểm tra hồ sơ pháp lý, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện số tiền mà ngân sách thất thoát lên tới 37 triệu USD. Hiện tại, trên phần đất 17.940,5m2 đã mọc lên dự án bất động sản cao cấp có quy mô 29 tầng, có chủ đầu tư thứ cấp là Cty Cổ phần Phú Sơn Thuận thực hiện. Đến nay, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh dường như “bỏ quên” việc còn 37 triệu USD thất thoát tại khu đất này trong quá trình cấp phép xây dựng, ký văn bản cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong khi quá rộng tay cho chủ đầu tư thì các cơ quan chức năng lại tham mưu cho Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh ban hành các quyết định thu hồi nhà đất của người dân, với 3.854 hồ sơ bồi thường, nhiều trường hợp sai trình tự pháp luật, sai thẩm quyền. Điểm đầu của tuyến đường từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến ngã 5 Gõ Vấp đã bị “chẻ đôi” nên mặt đường 60m đã biến thành 2 nhánh đường có chiều rộng mỗi nhánh là 20m. Điều này đã làm nhiều hộ dân có nhà đất ban đầu không nằm trong ranh bị thu hồi để làm đường thì sau đó lại nhận được quyết định thu hồi nhà đất để làm đường từ UBND quận Tân Bình, UBND quận Gò Vấp.
Ngược lại, hàng trăm hộ dân lấn chiếm, mua bán trái phép nhà đất được quy hoạch cho lộ giới đường 60m lại không bị thu hồi nhà đất vì đường to đã thành hai đường nhỏ. Đây là nguyên nhân chính làm phát sinh hiện tượng khiếu nại, tố cáo kéo dài của nhiều cán bộ quân đội hưu trí tại phường 2, quận Tân Bình, cũng như sự việc tập thể 49 hộ dân phường 3, quận Gò Vấp nhiều lần tiếp tố, tiếp khiếu vượt cấp đến Thủ tướng Chính phủ, đến Thanh tra Chính phủ, vì không còn tin tưởng vào sự khách quan, công tâm của các cơ quan chức năng địa phương.
Sai phạm được đóng dấu “MẬT”
Nhiều Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chỉ đạo của Chính phủ đã yêu cầu phải công khai, minh bạch trong các dự án có liên quan đến đất đai theo tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhưng các hợp đồng BT đổi đất lấy hạ tầng đều được các địa phương xem là tài liệu mật, không công khai, nên hàng loạt điều khoản bất lợi cho ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân chỉ được làm rõ khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, sau đó công khai kết luận thanh tra theo quy định. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, mà theo nhiều chuyên gia kinh tế là tham nhũng trong chính sách đổi đất lấy hạ tầng là vô cùng lớn nhưng rất khó ngăn chặn từ giai đoạn đầu, mà chỉ đến khi hậu quả phát sinh thì đã quá muộn.
Ngay cả hợp đồng BT của Dự án đường TSN-BL-VĐN dù không đóng dấu mật nhưng trong các văn bản giải trình của Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh thì đây là tài liệu không công khai. Sau khi báo chí liên tục phản ánh sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì một số cơ quan chức năng thuộc UBND TP Hồ Chí Minh đã phải điều chỉnh lại chính sách bồi thường, giải tỏa cho người dân vì một lý do tế nhị là bản sao của hợp đồng BT đã được đại diện 49 hộ dân phường 3, quận Gò Vấp gửi theo đơn tố cáo hành vi sai phạm trong việc làm lợi cho chủ đầu tư hàng chục triệu USD. Tuy nhiên toàn bộ quá trình điều chỉnh mức giá bồi thường từ 15 triệu đồng/m2 nhà đất tại đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, lên đến mức hơn 77 triệu đồng/m2 đã được ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND quận Gò Vấp, Hội đồng thẩm định bồi thường thực hiện một cách bí mật đến bất ngờ.
Dù cố tình giữ bí mật nhưng các hộ dân là cán bộ quân đội hưu trí tại phường 2, quận Tân Bình đã có được một bản sao hồ sơ bồi thường với mức giá 77 triệu đồng/m2 nên đã có đơn kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh áp dụng chính sách bồi thường công bằng vì chỉ một đoạn đường 1,5km thì không thể chấp nhận 3 mức giá bồi thường chênh lệch nhau hàng chục triệu đồng. Để giải quyết bài toán công bằng, minh bạch về mức giá bồi thường, hỗ trợ của các hộ dân quận Tân Bình, nhiều cuộc họp đã được tổ chức, thậm chí ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vào ngày 15/3/2017 đã xin lỗi các công dân về sự chậm trễ trong việc giải quyết kiến nghị này. Điều đáng ngại là sau buổi xin lỗi thì việc thực hiện đúng pháp luật về chính sách bồi thường giải tỏa lại tiếp tục là các văn bản xin ý kiến chỉ đạo nội bộ nên công dân vẫn tiếp khiếu đến Thủ tướng Chính phủ.
Khi chuyện cũ chưa có hồi kết thì bỏ qua hàng loạt kiến nghị của công dân, tháng 11/2013, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh lại ký tắt với Cty Cổ phần địa ốc Đại Quang Minh. Theo thông tin được công khai sau đó thì tổng mức đầu tư 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là 12.182 tỷ đồng, đổi lại, Cty Cổ phần địa ốc Đại Quang Minh được nhận quyền sử dụng 78,9ha đất để thực hiện các dự án kinh doanh bất động sản tại quận 2. Một sự kiện khác vào ngày 20/4/2016, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh lại ký một hợp đồng BT có giá trị 2.641 tỷ đồng cho Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Lần này, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là CII), là chủ đầu tư sẽ được nhận lại hơn 9,6ha đất để xây dựng nhà ở, xây dựng văn phòng cho thuê.
Điều đáng nói là, toàn bộ nội dung các hợp đồng này đều không được công khai cho dư luận, mà cụ thể ở đây là những người dân quận 2 đã bị thu hồi nhà đất cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sự việc chỉ được bắt đầu lộ sáng khi công dân đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tiến hành giám sát quá trình thực hiện đổi đất lấy hạ tầng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sau đó công khai minh bạch để không còn tình trạng lạm dụng dấu mật đối với các dự án BT nhằm che dấu hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm.
Ngọc Giang – Chu Tuấn
Nguồn: thanhtra.com.vn