Tôi bùi tai, nhận lời. Nhưng sau đó, tôi chán nản vì cứ gõ bài đóng góp kiểu forum thế này bao giờ mới có người đọc, và thế là tôi bỏ sớm. Còn Vinh cặm cụi tiếp tục xây dựng, đóng góp cho forum ấy. Cũng phải nói thêm, cậu lúc đó đã là thành viên có đóng góp rất rất nhiều cho forum Samsung, dưới tên cái tên kenji.
Cũng tại căn phòng riêng bé nhỏ ấy, cậu chàng thường xuyên mò sang, hai đứa nói chuyện trên trời dưới biển về công nghệ, về những game mà cả hai đam mê từ tấm bé, về những tinh chỉnh mới nhất trên những con iPod, iPhone đang thuộc hàng xa xỉ phẩm thời bấy giờ.
Tôi cũng tò mò nghịch thử, chỉnh sửa từng cái icon nhỏ nhỏ hiện lên trên màn hình máy. Tôi cũng sớm chán, không hứng thú với việc vọc vạch này lắm. Còn ông Vinh cặm cụi một tuần 3 ngày sang nhà tôi ngồi nghịch, tùy biến từng thứ nhỏ nhặt một. “Máy bị ông anh chiếm mất rồi“. Rồi hai thằng lại vô tư bàn luận về những thứ công nghệ đang trên đà phát triển, những game mới ra lò mà máy móc thì cùi chả chơi nổi cái gì.
Đó là thời kì đầu, thời điểm đang đi lên của các thiết bị công nghệ.
Thực hiện một cú nhảy thời gian dài 10 năm: Đến ngày hôm nay, cậu đang ngồi phía bên kia cái bàn, với cương vị là một trong những vlogger, nhân vật nổi tiếng nhất làng công nghệ của Việt Nam. Kênh YouTube của Vinh vừa đạt mốc 1 triệu subscriber, đồng nghĩa với 1 triệu người đăng ký theo dõi anh chàng này, 1 triệu người lắng nghe những gì Vinh muốn nói, sức ảnh hưởng của cậu tới được 1 triệu cá nhân.
Biết là không được tròn con số 1 triệu đâu, nhưng mà tôi nghĩ cứ nói thế cho Vinh oai. Ai cũng hiểu mà!
Hiện tại, không còn căn phòng chật hẹp với cái máy tính nữa, mà thay vào đó là một phòng gặp mặt riêng, nơi tôi có thể hỏi cậu những câu hỏi cụ thể hơn về chặng đường mà cậu đã trải qua, trước khi đến được ngày hôm nay.
Với đôi mắt long lanh của người cận thị lâu năm, Vinh kể lại câu chuyện của thời kì lập nghiệp. Cái thời kì ấy còn khó khăn nhiều, lắm người chưa biết tới tên tuổi của thanh niên Vinh mặt mụn này. Nhưng tiếng lành có đồn xa, đủ để tới tai những ông lớn trong ngành công nghệ. Vinh đã nhận được rất nhiều lời mời về cộng tác nhưng cậu đều từ chối: “Mình muốn tự làm hết, không muốn cộng tác với bên nào cả. Bởi lẽ lúc đó vừa đi học vừa đi làm, nỗi sợ áp lực từ công ty lớn có lẽ sẽ đánh gục chính mình“.
Và cũng như mọi thanh niên có ý muốn tự làm mọi thứ khác: mới tập tễnh bước vào thị trường cạnh tranh đầy cam go khốc liệt, đã có những hợp đồng làm ăn không có kết cục tốt lành. Thương trường vốn đã cam go, kiếm sống bằng mạng Internet vất vả hơn người ta tưởng khiến cậu Vinh vật vờ sống qua ngày. Thời điểm đầu, không ít người chê bai chàng trai Vật Vờ có chất giọng quá “quê”, không thể tự đứng ra mà nói về sản phẩm được. Nhưng chính cái hồn, cái thần thái của con người dễ mến đã kéo lại cho cậu một lượng người ủng hộ đáng kể.
Chưa hết, từng bước tập tễnh tự làm video, tự tải lên kênh YouTube của mình, chàng trai “gà mờ” này còn quên mất cả bật chức năng kiếm tiền cơ! Chính cậu đã thổ lộ với tôi như vậy, để cho tôi biết mà cùng tiếc một khoản tiền kha khá đáng lẽ ra đã kiếm được với những video tâm huyết do chính tay Vinh làm ra.
Các bạn cũng biết, một reviewer về công nghệ thì phải có sản phẩm trên tay để mà nói, chứ không có thì chẳng lẽ review “trên chân” dép tổ ong à? Đó cũng là một cái khó khăn nữa trong thời kì đầu lập nghiệp của cậu Vinh.
“Tên tuổi chưa có, hãng người ta có biết mình là thằng quái nào đâu mà gửi sản phẩm cho?“. Vinh kể lại cho tôi một kỉ niệm khó quên như thế này: Vinh có liên hệ với một hãng để mượn máy, sau khi lấy được số điện thoại hãng để gọi xin thì hiển nhiên là người ta lắc đầu với lý do như trên. Nhưng may mắn thay, có một ông anh của Vinh mua tặng người yêu chính chiếc điện thoại mà Vinh muốn mượn. Khi cô người yêu kia lắc đầu không thích chiếc điện thoại, người anh của Vinh đã gửi máy từ trong TP. Hồ Chí Minh ra để cậu có thể tác nghiệp.
Trong cái rủi có cái may, và trong cái khó khăn, sẽ có những câu chuyện may mắn cho ta một động lực để mà bước tiếp.
Những va chạm của bước đầu khởi nghiệp còn bao gồm cả việc vấp phải những mánh khóe lừa đảo nữa. Tự mang đôi vai mình ra gánh vác và chẳng có một đội ngũ chuyên nghiệp nào đứng sau hậu thuẫn, Vinh chẳng rõ được giá trị thực của mình đến đâu. Chính điều đó đã khiến cậu bị lừa trong những bản hợp đồng đầu tiên.
Trong thị trường bon chen và đặt lợi nhuận lên hàng đầu, Vinh đã không ít lần chạm mặt vấn đề liên quan tới tiền bạc. Có thể người thuê cậu biết được giá trị cái tên Vinh Vật Vờ trên thị trường, nhưng họ vẫn cố tình lơ đi, trả cho cậu những khoản không xứng đáng.
“Về sau mình có biết được một vài lần như thế, cảm thấy hơi thất vọng bởi đa số việc là dựa trên anh em quen biết giới thiệu nhau. Làm việc với nhiều bên một lúc đâm ra có nhiều mặt phức tạp lắm“.
Cái thời Vinh bắt đầu làm YouTube, cậu phải chọn cho mình một network để làm việc chung và chia lợi nhuận. Khi có được chút tiếng tăm, đã có một nhân vật làm việc cho network nước ngoài nhưng là người Việt đã liên hệ với Vinh, mong muốn hai bên có thể hợp tác.
Làm được một thời gian, Vinh để ý thấy việc trả tiền chậm diễn ra thường xuyên hơn, anh em làm video “đói” mất mấy tháng không lương. Chẳng thể tiếp tục làm ăn không minh bạch như vậy, những YouTuber có mặt trong network còn tiến hành kiện tụng. Sau này, ban quản lý cũng phải trả lại thỏa đáng số tiền đã thiếu. “Đây chính là bài học cho những bạn muốn lập nghiệp bằng YouTube, phải cẩn thận với những network mình sẽ lựa chọn“, Vinh chân thành nói.
Nhưng bài học Vinh đưa ra cho các bạn trẻ ôm giấc mơ reviewer/YouTuber khác không dừng lại ở đó: còn một bài học xương máu khác mà Vinh khắc cốt ghi tâm. Khi làm việc với hãng lớn, sẽ có lúc các bạn chịu áp lực khổng lồ, lớn như chính cái hãng ấy vậy. Vinh đã nhất quyết giữ vững lập trường của mình, không chịu chiều theo ý hãng và vì thế, cho tới giờ, Vinh và hãng giấu tên nói trên vẫn chưa quay lại hợp tác.
“Các bạn phải hiểu rằng người xem bây giờ thông minh lắm, không thể đổi trắng thay đen để chiều theo ý hãng được“, Vinh khuyên nhủ. “Các bạn review nên đặt người xem lên hàng đầu, phải vững tâm làm việc và đừng đặt nặng những yêu cầu từ hãng. Chính vì mình xác định đi theo con đường ấy, nên cho tới giờ, mình vẫn có thể tồn tại“.
Một reviewer có một lập trường vững chắc, một tiếng nói có người nghe trong cộng đồng. Đó chính là một hình mẫu những bạn trẻ khởi nghiệp cần hướng tới và cũng chính là lý do nhiều reviewer khác thất bại, trong khi cậu Vật Vờ của chúng ta đây lại bứt phá phi thường.
Cậu cũng chia sẻ thêm một khó khăn này của thời điểm đầu lập nên Studio Vật Vờ, đó chính là việc cân bằng thời gian. Lúc ấy, cậu vẫn đang còn vừa đi học vừa đi làm. 6 giờ tối bước về nhà là lại ôm lấy cái máy tính, làm video đến 9-10 giờ tối mới xong. Lúc đấy thì sức tàn lực kiệt rồi, thời gian đâu mà dành cho bạn bè?
Tôi có thể làm chứng cho những gì Vinh nói: để hẹn hò được với “Vinh Vật Vờ nổi tiếng của làng công nghệ khó lắm, phải đặt lịch gặp cậu với thư kí và đặt phòng nhà nghỉ riêng may ra mới được”. Thời điểm đó, quả thật cậu đã vùi đầu vào công việc, bỏ qua một phần cuộc sống cá nhân của mình để đuổi theo đam mê.
Nhưng cuộc sống cá nhân ấy không cô đơn! Vinh may mắn đã có cô bạn gái phụ giúp công việc ngay từ khi cậu mới bắt đầu chặng đường gian nan này. Giờ đây, cô gái ấy đã là một phần không thể thiếu của Studio Vật Vờ: lần nào ghé qua quán café Kone, trụ sở của Studio, tôi cũng lễ phép chào chị một tiếng. Tôi cũng có hỏi hai anh chị nhà này chút về “việc riêng tư ai cũng biết là cái gì”, nhưng sau khi bị cô ấy lườm nhẹ một cái, tôi đã đánh trống lảng sang chuyện khác.
Tôi hẹn hai anh chị nhà này đi chơi, vì bây giờ việc anh em gặp mặt cũng không quá khó khăn như cái ngày đầu kia nữa rồi! Khi những người bạn gặp lại Vinh, ai cũng vui vẻ cười nói vì nhận thấy là cậu vẫn chẳng khác trước. Vẫn cái phong cách tấu hài “nhảm nhí” ấy, vẫn những trò đùa “bựa” của xưa kia! Chẳng bất ngờ lắm, vì đó chính là thương hiệu nơi cậu, Vinh Vật Vờ. Những khán giả hay xem video review của cậu đều biết tới điều đó và yêu thích cái phong cách đặc trưng này.
Đó mới chỉ là một phần những gì khán giả thích thú nơi Vinh Vật Vờ. Hiển nhiên mọi người tìm tới cậu là vì hiểu biết về công nghệ chứ! Có một điểm đặc biệt khiến cho Vinh nổi bật hẳn hơn so với những reviewer khác: cách nói chuyện thân thiện, đặt chính bản thân reviewer vào vai của một người đang đi tìm hiểu về một sản phẩm, xem có đáng mua hay không.
Dù là người xem chẳng biết chút nào về công nghệ, họ vẫn có thể xem video review của Vinh, đánh giá sản phẩm có phù hợp với mình không, và đưa ra quyết định cuối cùng. Chính thế, Vinh Vật Vờ đã có được những góc nhìn rất riêng, rất gần gũi về một sản phẩm, dù công nghệ của sản phẩm ấy cao siêu đến đâu.
“Ngày xưa thì mình cũng là người đi xem review thôi chứ, và luôn muốn chốt lại là sản phẩm này có đáng bỏ tiền ra rước về không, ưu nhược điểm là gì“, Vinh nói về phong cách review nay đã là thương hiệu của cậu.
“Từng đó cái lựa chọn trong cuộc sống đã định hình nên bản thân mình này hôm nay đó“, Vinh Vật Vờ kết luận.
Và chẳng mấy bất ngờ, là giờ đây cậu đã tự xây được cả một “quân đoàn công nghệ” cho mình. Cậu đang “cầm đầu” một đám nhóc có đam mê công nghệ từ tấm bé. Vinh sẽ đóng vai người anh đi trước dẫn dắt những người em cách tạo nên một bài review hay, từng bước đưa các em thành những thần tượng công nghệ mới, chẳng khác gì chính Vinh Vật Vờ đang ngồi trước mặt tôi đây.
Cậu sẽ phát triển bốn kênh, bốn hướng đi với bốn bạn trẻ hoàn toàn mới. Nội dung của kênh sẽ do bốn tài năng mới này xây dựng, dưới sự chỉ đạo của chính Vật Vờ và “đồng bọn”.
Đầu tiên, sẽ là một bạn nữ am hiểu về công nghệ, một người được cậu là mô tả là thuộc “số ít nữ giới hiểu biết sâu về khía cạnh lũ con trai mới yêu thích”.
Thứ hai, sẽ là một bạn trẻ sinh năm 1999, với khả năng review những sản phẩm hỗ trợ gaming.
Thứ ba, cậu sẽ xây dựng một kênh có thể unbox mọi thứ sản phẩm mà bạn có thể mua được trên mạng. Màn ăn-bóc này quả thực rất cần thiết, nhất là trong thời điểm thương mại điện tử đang trên đà phát triển cực mạnh. Người dùng ít có cơ hội trải nghiệm, hiểu hơn về một sản phẩm trước khi thực sự được đặt tay lên sản phẩm ấy.
Kênh ăn-bóc này của cậu sẽ giải quyết êm thấm vấn đề kia.
Và một kênh thứ tư nữa, mà cậu vẫn phân vân xem nên tập trung vào vấn đề chính gì. Trước mắt, có lẽ là tập trung review những ứng dụng di động, game di động: đó đang là cái mỏ vàng cho các nhà quảng cáo khai thác.
Bốn kênh khác nhau với bốn phòng quay khác nhau, bốn màu sắc chủ đạo khác nhau sẽ cho người xem những nội dung dù không mới, nhưng sẽ chuyên sâu hơn để theo dõi. Đây không còn là bước “lên ý tưởng” nữa rồi, mọi thứ đã rất gần ngày ra mắt.
“Mình dự định giữa tháng Năm là bắt đầu chạy. Hiện đã có nhân lực, có phòng quay rồi, sắp tới chỉ còn tập trung vào nội dung nữa là xong“, cậu hồ hởi thổ lộ. “Sắp tới sẽ còn cần thêm nhiều đồ và một đống tiền nữa“. Tôi nhanh chóng cất đi cái ví và cái điện thoại vỡ màn hình đang để trên bàn, chẳng vì lý do gì cụ thể cả.
Thời gian trôi như Vinh và tôi chạy ngoài đồng. Số ngón tay trên hai bàn đã không còn đủ để đếm số năm chúng tôi biết mặt nhau. Tôi không nhớ lắm cái ngày đầu tiên gặp cậu, nhưng tôi biết rõ lần này, tôi đang ngồi đối diện với một trong những cái tên dễ mến nhất làng công nghệ Việt Nam.
Tôi tự tin nói rằng tôi đã quen biết cậu từ cái ngày ước mơ nơi cậu còn chớm nở cho tới thời khắc cậu nổi tiếng. Tôi cảm nhận được từng bước phát triển nơi người bạn của mình, tôi thực sự mừng vì cậu đã làm được điều mình muốn. Có phải giấc mơ của ai cũng thành hiện thực đâu? Với đa số chúng ta, ước mơ đã ngả màu đâu đó dọc con đường mưu sinh cá nhân.
Nhưng với thanh niên Trần Xuân Vinh, hay với cái tên làng công nghệ thường gọi cậu là Vật Vờ (cái tên được cậu tự đặt cho mình nhiều phần vì nó rất vần), thì thành công của cậu chứng minh cho ta thấy rằng ta có thể tự vươn tới ước mơ của mình, nếu như ta có đủ kiên nhẫn, đủ năng lực và một lòng kiên định hướng lên đỉnh cao, cao nhất mà mình có thể với tới.
Cái tên “Vật Vờ” sẽ còn bay xa Vinh ạ, mình tin vào điều đó.
Theo Trí Thức Trẻ