Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận và thông qua Luật Đơn vị HCKT đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Đây được đánh giá là một bước tiến đột phá nhằm tạo ra sân chơi mới với cơ chế vượt trội, thu hút đầu tư, cạnh tranh với nước ngoài trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế với 20 hiệp định thương mại tự do; đồng thời cũng chính là cơ hội đột phá để 3 đặc khu kinh tế phát huy được tiềm năng và lợi thế sẵn có.
Phối cảnh Quy hoạch một góc Khu HCKT đặc biệt Vân Đồn
Là một trong 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển (3.260km), hơn 50 cảng biển, 40 vũng, vịnh và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam đang có 16 khu kinh tế (KKT) ven biển, với 815.000ha tổng diện tích mặt đất và mặt nước, mỗi năm đạt tổng doanh thu khoảng 6 – 8 tỷ USD, đóng góp cho NSNN khoảng 500 – 600 triệu USD và hướng tới mục tiêu đến năm 2020, các KKT ven biển đóng góp từ 53 – 55% GDP quốc gia và 55 – 60% tổng kim ngạch xuất khẩu… Dù đã và đang áp dụng các chính sách ưu đãi, nhưng các KKT này vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, tăng tốc chuyển đổi mô hình và quản lý phát triển vĩ mô, nhất là kinh tế biển.
Xây dựng đặc khu kinh tế được Đảng và Nhà nước quan tâm từ hơn 20 năm trước, tuy nhiên đến Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khoá XI), chủ trương này mới được hiện thực hóa tại Kết luận số 74-KL/TW ngày 17/10/2013 về thí điểm thành lập các khu hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham quan Sân bay quốc tế Vân Đồn vào cuối tháng 4/2018
Tận dụng mọi lợi thế để phát triển đặc khu Vân Đồn
Đối với Vân Đồn (Quảng Ninh), với những lợi thế khác biệt và đặc điểm nổi trội về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, kết cấu hạ tầng, truyền thống lịch sử, nguồn nhân lực, sự đồng thuận và quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh, Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương thành lập đơn vị HCKT đặc biệt Vân Đồn trực thuộc cấp tỉnh, nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua Đề án Thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Luật Đơn vị HCKT đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trong năm 2018. Những đề xuất này được hình thành trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội của Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung và so sánh với một số đặc khu kinh tế trên thế giới và khu vực.
Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên nguồn lực và huy động vốn củadoanh nghiệp đầu tư cho Vân Đồn trên 55.000 tỷ đồng, trong đó, tập trung vào xây dựng cao tốc đến Vân Đồn và sân bay Vân Đồn (dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2018). Theo đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên tắc và mục tiêu phát triển của Đơn vị HCKT đặc biệt Vân Đồn mà Quảng Ninh đã xác định trước hết là phát triển con người, cải thiện dân sinh làm mục đích; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, công nghiệp giải trí làm định hướng; cải cách thể chế, cơ chế, chính sách và mô hình quản lý làm đột phá; phát triển kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm nền tảng; kinh tế tri thức, sáng tạo, công nghệ cao làm động lực; giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh làm nhiệm vụ trọng yếu. Mục tiêu là xây dựng Đơn vị HCKT đặc biệt Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động, phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực Hành lang Kinh tế Trung Quốc – ASEAN; mô hình phát triển theo hướng thân thiện môi trường, bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh ở mức cao nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, dự án có ý nghĩa quan trọng kết nối Vân Đồn với các vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung vào 3 mũi nhọn kinh tế, đó là du lịch – văn hóa cao cấp, dịch vụ hiện đại và công nghệ cao. Cụ thể, du lịch – văn hóa bao gồm dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino; trung tâm giải trí có thưởng quốc tế; du lịch sinh thái, văn hóa; khu nghỉ dưỡng cao cấp; công nghiệp văn hóa. Dịch vụ gồm kinh doanh cảng hàng không và vận tải hàng không; logistics; dịch vụ cảng biển và trung tâm du thuyền quốc tế; dịch vụ tài chính và dịch vụ thương mại quốc tế. Công nghệ cao tập trung vào ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; sản xuất sản phẩm công nghệ cao; các sản phẩm công nghệ sinh học; chế biến dược phẩm, chế phẩm sinh học, dược liệu; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, vật liệu quý hiếm; công nghiệp sáng tạo khởi nghiệp 4.0.
Luật phải đủ sức cạnh tranh quốc tế và phù hợp với thế mạnh của từng đặc khu
Thực tiễn thế giới đã và đang cho thấy, mức độ thành công của một đặc khu kinh tế tùy thuộc vào địa điểm được lựa chọn xây dựng, ngoài yêu cầu về bảo đảm an ninh, quốc phòng, cần bảo đảm phát huy lợi thế riêng, thuận lợi cho quá trình giao thương, hợp tác kinh tế, du lịch và dịch vụ quốc tế, nằm gần những đô thị chính, các trung tâm kinh tế, dịch vụ và văn hoá, có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có hệ thống giao thông phát triển và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như điện, nước sạch, thoát nước, thông tin liên lạc,… tạo lợi thế địa kinh tế cho sự hội tụ, liên kết và lan toả cao nhất hiệu ứng tích cực cho khu vực và toàn quốc. Song quan trọng hơn, đặc khu cần có những thể chế kinh tế và hành chính hiện đại, mang tính mở, tự do, minh bạch, linh hoạt và tự chủ cao, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược từ bên ngoài; phát triển cơ cấu ngành nghề đa dạng, cả về chế tạo và dịch vụ, trong đó ưu tiên các ngành dịch vụ trung gian và dịch vụ hậu cần hỗ trợ kinh doanh; tiếp cận thị trường đa dạng, cả bên trong lẫn bên ngoài đặc khu, ưu tiên hướng về xuất khẩu. Để đảm bảo những điều kiện đó, việc xây dựng Luật Đơn vị HCKT đặc biệt áp dụng cho 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là rất cần thiết, thể hiện một bước tiến mới trong việc thực thi thể chế mang tính đột phá của Nhà nước kiến tạo phát triển trong tình hình mới; đồng thời phù hợp với xu thế phát triển của các nước trên thế giới.
Tiếp tục chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ngày 15-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự án Luật Đơn vị HCKT đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Các vấn đề như thu hồi đất, quyền hạn của Chủ tịch UBND đặc khu; HĐND đặc khu… được các đại biểu cho ý kiến và tranh luận sôi nổi.
Sân bay quốc tế Vân Đồn dự kiến sẽ hoàn thiện vào tháng 7/2018
Khẳng định đặc khu là “lò thí nghiệm thể chế”, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương khẳng định việc xây dựng Luật đơn vị HCKT đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc nhằm tạo ra sân chơi mới với cơ chế vượt trội, thu hút đầu tư, cạnh tranh với nước ngoài trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế với 20 hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, đồng chí cũng khẳng định đây là một dự án luật khó, điều chỉnh lĩnh vực mới, phức tạp, nhiều chính sách mới mang tính thử nghiệm, khác với pháp luật hiện hành, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục chủ động cùng các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ và hành động quyết liệt, quyết tâm cao hơn nữa trình Quốc hội thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 5 tới đây. Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: “Quảng Ninh phải thống nhất nhận thức, lấy mô hình kinh tế đối ngoại làm mục tiêu phát triển. Bên cạnh việc điều chỉnh chính sách về đất đai, nhà ở, lao động, các ngành nghề ưu tiên phải phù hợp với xu thế hiện đại của thế giới như tài chính ngân hàng; logistics; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp sạch thân thiện với môi trường; công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí… Chính sách thì phải đưa vào Luật, những chính sách ưu tiên phải đủ sức cạnh tranh quốc tế và phù hợp với tiềm năng thế mạnh của từng đặc khu”.
Tại Hội thảo, đồng chí Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng khẳng định: Dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung. Tuy nhiên, nhiều quy định của Dự thảo luật vẫn cơ bản theo các quy định hiện hành, chưa có sự vượt trội, tính đặc biệt; một số quy định của dự thảo luật chưa thật phù hợp, còn có ý kiến khác nhau cần tiếp tục lấy ý kiến tham gia hoàn chỉnh. Tỉnh Quảng Ninh đã trải qua quá trình nghiên cứu xây dựng Đề án, tham gia xây dựng Luật, trong đó có tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới và thực tế tại địa phương, qua việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia và đại biểu, đồng chí khẳng định Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham gia ý kiến đề hoàn thiện hơn dự án Luật đơn vị HCKT đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đặc biệt là về một số nội dung như: Ngành nghề ưu tiên phát triển tại Đặc khu Vân Đồn; cơ chế đầu tư kinh doanh; về thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về đối tượng, điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại đặc khu; về mức hỗ trợ ngân sách trung ương cho Đặc khu; chế độ công vụ, công chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh… để thực sự tạo cơ chế, động lực phát triển đặc khu như đúng mục tiêu đã được xác định./.
Lê Diệu Linh
Nguồn: quangninh.gov.vn