Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn với các thương vụ M&A.
Sau nhiều lần bắt tay với các nhà đầu tư Nhật, mới đây Tập đoàn Nam Long tiếp tục hợp tác với hai nhà đầu tư đến từ đất nước mặt trời mọc là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad để phát triển dự án Akari City có diện tích 8,5ha quận Bình Tân. Theo thỏa thuận, Nam Long sẽ góp 50% trên toàn bộ chi phí đầu tư và phát triển của dự án Akari City. Theo đại diện Nam Long, đây là khu đất mà doanh nghiệp đã mua lại từ Công ty Hoàng Nam từ 3 năm trước.
Trước đó, theo thông tin từ một số đơn vị tư vấn quốc tế, một tập đoàn bất động sản lớn trong nước đã mua lại 97,7% vốn góp Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam từ các đối tác Malaysia với tổng giá phí chuyển nhượng là 11.748 tỷ đồng. Berjaya là đơn vị sở hữu dự án Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) tại Tân Thới Nhì huyện Hóc Môn thuộc quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc TP HCM. Berjaya được UBND TP HCM trao giấy chứng nhận đầu tư dự án từ năm 2008. Tổng vốn đầu tư dự kiến theo chủ đầu tư này công bố lúc đó khoảng 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được triển khai.
Savill Việt Nam nhận định, xu hướng M&A lĩnh vực bất động sản sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong năm nay và nhiều thương vụ đã diễn ra ngay từ đầu năm. Chẳng hạn, trong quý I, Capitaland mua lại một lô đất tại quận Tây Hồ (Hà Nội) với giá 30,2 triệu USD; Tập đoàn Xuân Thành thâu tóm một lô đất tọa lạc ngay trung tâm TP.HCM; Agriseco đã bán lô đất trị giá 12,7 triệu USD tại số 51 Phan Bội Châu; Nomura Real Estate mua 24% cổ phiếu của Sun Wah Tower; Strategic Hospitality Reit thâu tóm 2 dự án Capri by Fraser và BIS Nam Sài Gòn tại Quận 7, TP.HCM…
Trước đó, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã đánh dấu một thương vụ M&A lớn trên thị trường bất động sản Hà Nội, khi Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long đã thay Posco E&C (Hàn Quốc) trở thành cổ đông nắm giữ 50% vốn của Liên doanh An Khánh JVC, chủ đầu tư dự án khu đô thị Splendora có tổng diện tích 264 ha, tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.
Tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL), đơn vị nghiên cứu và tư vấn về bất động sản cho biết, có rất nhiều thương vụ M&A đã diễn ra tại Việt Nam trong quý I vừa qua. Dù giá trị các thương vụ không được công bố chính thức, nhưng JLL ước tính, tổng giá trị các thương vụ M&A bất động sản của 3 tháng đầu năm đạt khoảng 200 triệu USD. Bất động sản đứng thứ ba trong Top 5 lĩnh vực thu hút nguồn vốn FDI mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay, khi 0,49 tỷ USD được rót vào thị trường này. Bên cạnh đó, các quỹ ngoại đang ngày càng thể hiện sự quan tâm tới lĩnh vực bất động sản trong ba năm trở lại đây. CapitaLand từng chia sẻ, Việt Nam là thị trường lớn thứ ba của họ tại khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Malaysia.
“Việc khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng là yếu tố chính thúc đẩy M&A trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục khởi sắc. Trong đó, các phân khúc được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất là đất phát triển căn hộ để bán, bất động sản nghỉ dưỡng và văn phòng cho thuê”, bà Trang Lê, đại diện JLL Việt Nam nhìn nhận.
Cùng quan điểm này, CBRE cho rằng, trước đây các nhà đầu tư Việt Nam chủ yếu hoạt động tích cực trên thị trường Việt Nam với vai trò người bán, trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài lại tìm kiếm các cơ hội để mua. Tuy nhiên, trong năm 2017 nhà đầu tư trong nước chiếm lĩnh thị trường mua, dẫn đến sự cạnh tranh giữa hai khối nhà đầu tư trong khi số lượng các tài sản là hữu hạn, đặc biệt là các tài sản có khả năng sinh lời. Tình trạng này sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2018 khi mà những người mua trong nước có thể tận dụng hiểu biết của mình về thị trường Việt Nam để rút ngắn quá trình hoàn thành giao dịch.
Đơn vị này cũng cho biết thêm rằng, sự thiếu hụt về nguồn cung sẽ khuyến khích các nhà đầu tư bắt tay hợp tác với các tập đoàn trong nước để đầu tư xây dựng dự án. Đồng thời, các quỹ đầu tư bất động sản cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm mua lại cổ phần của các chủ đầu tư lớn trong nước.
B.Chương
Nguồn: baomoi.com