Kiên Giang cảnh báo về kẻ xấu dụ dỗ mua bán đất trái phép; Cuộc chạy đua của những “ông lớn” ở các đặc khu; Ngăn chặn nạn lợi dụng tách thửa, phá nát quy hoạch… là những thông tin nóng trong tuần qua.
Hình minh họa
Cuộc chạy đua của những “ông lớn” ở các đặc khu
Trước khả năng Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế, một số “ông lớn” đã nhanh chân nhảy vào đầu tư nhằm đón đầu xu hướng và hưởng nhiều ưu đãi.
Đặc khu Vân Đồn ưu tiên phát triển những ngành nghề như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, dịch vụ du lịch, dịch vụ hậu cần… Thế nên nơi đây chú trọng việc phát triển hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư. Trong số những dự án hạ tầng đang được đẩy mạnh đầu tư có tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương. Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần BOT Biên Cương làm chủ đầu tư.
Ai đang đón đầu đặc khu Phú Quốc?
Với lợi thế tự nhiên sẵn có cùng những chính sách ưu đãi khi được quy hoạch là một trong ba đặc khu kinh tế của đất nước, đảo ngọc Phú Quốc đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Phú Quốc có diện tích khoảng 600km2, gồm 27 hòn đảo lớn nhỏ với nhiều danh lam thắng cảnh. Những bãi biển đẹp, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn tạo cho hòn đảo ngọc này nét hấp dẫn không chỉ đối với du khách trong và ngoài nước mà còn đối với các nhà đầu tư bất động sản. Đây là khu vực được các chuyên gia kinh tế đánh giá là vị trí vàng để thu hút đầu tư.
Cận cảnh 5.000m2 đất vàng giữa Sài Gòn trị giá 2.000 tỷ bị bán chỉ hơn 700 tỷ
Khu đất vàng rộng 5.000m2 tại số 8 – 12 Lê Duẩn (quận 1) nếu được bán đấu giá sẽ thu về ngân sách trên 2.000 tỷ đồng. Trước đó, thành phố đã giao khu đất này cho nhà đầu tư chỉ với giá hơn 700 tỷ đồng.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ tại báo cáo kết luận số 138 năm 2016, UBND TP.HCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu trên.
Từ chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về xử lý vi phạm trong quản lý đất đai ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã cho ngừng chuyển đổi mục đích đất ở đây.
Tại huyện đảo cũng còn việc người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, san lấp, xây dựng trái phép diễn ra phổ biến. Ngoài ra, tình trạng đầu cơ gây sốt đất tăng giá đột biến để trục lợi diễn biến khó lường, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Khách hàng bức xúc với Golden King
Nếu thực hiện đúng tiến độ, đến thời điểm này chủ đầu tư dự án Golden King (quận 7, TPHCM) đã phải bàn giao nhà cho người mua. Thế nhưng, điều đó đã không diễn ra. Điều khiến khách hàng bức xúc là sự né tránh của chủ đầu tư mặc dù đã nhiều lần làm việc.
Chị T cho biết, vào tháng 4/2017, chị ký hợp đồng mua 2 sản phẩm, gồm 1 lô officetel (34,40 m2) và 1 lô thương mại retail (54,6 m2) tại dự án Golden King. Theo cam kết trong hợp đồng, thời gian bàn giao nhà dự kiến vào quý 3/2017. Việc bàn giao có thể sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian bàn giao dự kiến tối đa là 6 tháng. Chị T càng bức xúc hơn khi không hề nhận được một thông báo nào từ phía chủ đầu tư trong việc chậm bàn giao bất động sản cũng như việc trả tiền phạt chậm giao nhà như cam kết trong hợp đồng.
Giá tăng chóng mặt, vẫn có người mua
Giá bất động sản đang thực hay ảo là câu hỏi được nhiều người đặt ra, song những người trong ngành cho rằng ở góc độ thị trường, việc chỉ ra đâu là giá cao nhất là rất khó vì cơ bản giá là do thị trường xác lập.Ông Hiền cho rằng thị trường căn hộ vẫn là giá thực, phục vụ cho nhu cầu ở thực. Hiện nay, nhà đầu tư bỏ tiền vào căn hộ là rất ít vì khó mua đi bán lại kiếm lời, có chăng chỉ là những dự án cách trung tâm trong bán kính khoảng 10km, nhà đầu tư mua để cho thuê lâu dài.
Nhưng nếu đầu tư vào đất thì lại là một câu chuyện khác, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua ngay. Đó là lý do vì sao có những khu đất ở khu vực xa của quận 9 hay của Nhà Bè hiện không có tiện ích, không có người ở nhưng giá vẫn tăng lên. Điều này là do có bàn tay của giới đầu tư lướt sóng, ông Hiền lý giải.
Ngăn chặn nạn lợi dụng tách thửa, phá nát quy hoạch
Nhằm ngăn chặn tình trạng lách luật, lợi dụng tách thửa để phân lô bán nền, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 60/2017/QĐ-UBND để thay thế Quyết định 33/2014/QĐ-UBND (quy định diện tích tối thiểu tách thửa), với những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn, kèm theo 10 văn bản hướng dẫn của các sở ngành liên quan. Tuy vậy, việc thực thi Quyết định 60 vẫn chưa suôn sẻ.
Các đối tượng này đã lợi dụng văn bản quy định chưa chặt, lách luật để tách thửa, cấu kết với các cán bộ địa phương không trung thực, thiếu ý thức trách nhiệm. Khi cán bộ bắt tay với “cò đất” thì dù văn bản quy định tách thửa có nhiều và chặt chẽ cũng khó ngăn chặn việc lạm dụng tách thửa để trục lợi, phá nát quy hoạch.