Đóng tiền cọc để mua căn hộ tại dự án City Gate 3 tại quận 8, TP.HCM nhưng khi phát hiện tính pháp lý của dự án không rõ ràng, khách hàng đã đòi lại tiền. Nhưng không những không đòi được, khách hàng còn bị “ép” mua dự án tận quận 7.
Đó là trường hợp của anh N.Q.N, khách hàng mua căn hộ tại dự án City Gate 3, quận 8, TP.HCM. Đơn vị phân phối dự án này là Công ty cổ phần dịch vụ Nhịp Cầu Địa Ốc (Công ty NCĐO).
Phản ánh đến Báo điện tử Infonet, anh N. cho hay, sau khi được nhân viên bán hàng của Công ty NCĐO tư vấn, ngày 26/2/2018, anh đặt cọc số tiền 20 triệu đồng để mua căn hộ C12A.18 của dự án City Gate 3. Theo giới thiệu, chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy (Công ty 577).
Theo thoả thuận, 7 ngày sau đó anh N. phải đóng tiếp 180 triệu đồng để ký hợp đồng với chủ đầu tư. Số tiền cọc này sẽ được kết chuyển thanh toán đợt 1 khi anh N. và chủ đầu tư dự án tiến hành ký hợp đồng.
Tuy nhiên, qua trao đổi với nhân viên bán hàng Công ty NCĐO sau đó, anh N. phát hiện thủ tục pháp lý của dự án City Gate 3 không rõ ràng. Cụ thể, dự án mới chỉ có quy hoạch chi tiết 1/500, chưa có giấy phép xây dựng, chưa được cơ quan quản lý chấp thuận đủ điều kiện bán, cho thuê mua…
Ngoài ra, vì chưa chuẩn bị được tiền nên anh N. xin gia hạn thanh toán tiền cọc. Theo hướng dẫn của nhân viên Công ty NCĐO, ngày 19/3, anh N. đã chuyển 20 triệu đồng vào tài khoản của Công ty 577, đồng thời gia hạn đến ngày 5/4/2018 thanh toán hết tiền cọc.
“Tôi chuyển tiền được 2 ngày thì xảy ra vụ cháy tại chung cư Carina Plaza. Văn phòng Công ty NCĐO đặt tại chung cư này. Lúc đó các nhân viên công ty nói đang hỗ trợ giải quyết cho cư dân nên tạm dừng kinh doanh”, anh N. nói.
Khu đất xây dựng dự án City Gate 3 hiện vẫn đang bỏ trống, chưa có dấu hiệu của một dự án chuẩn bị triển khai. |
Đến cuối tháng 4/2018, anh N. liên hệ lại thì nhân viên Công ty NCĐO cho biết, căn hộ anh đặt mua đã bị “xả hàng”, bán cho người khác. Do không mua được căn hộ mình ưng ý nên anh N. muốn nhận lại tiền đặt cọc nhưng không được.
Theo anh N, đến ngày 14/5, nhân viên công ty NCĐO trả lời rằng, nếu không muốn mất tiền cọc anh buộc phải chọn mua căn hộ tại dự án khác mà công ty đang bán. Ngoài ra, không có thương lượng nào khác.
“Vì sự cố cháy chung cư nên họ không làm việc chứ đâu phải tôi không đóng tiền. Nếu họ đã bán căn hộ của tôi cho người khác thì phải trả lại tiền cọc. Đằng này, họ lại ép tôi mua căn hộ tại dự án khác do họ phân phối tận quận 7”, anh N. bức xúc nói.
Trao đổi với PV Infonet chiều 17/5, ông Nguyễn Gia Thạnh, Tổng giám đốc Công ty NCĐO cho hay, do công ty phân phối nhiều dự án nên ông không nắm trường hợp cụ thể nào. Tất cả do nhân viên cấp dưới thực hiện. Công ty sẽ giải quyết trên tinh thần khách không mua thì trả lại tiền cọc.
Về khoản tiền khách hàng N.Q.N chuyển cho Công ty 577, ông Thạnh cho biết, về nguyên tắc phải thực hiện thanh lý mới nhận tiền lại được. Sau khi khách hàng nhận được khoản tiền này thì Công ty NCĐO cũng sẽ chuyển trả lại số tiền cọc 20 triệu đồng ban đầu.
Mặc dù được chào bán rầm rộ nhưng theo tìm hiểu của PV, khu đất xây dựng dự án City Gate 3 hiện nay vẫn đang bỏ trống, cỏ dại mọc um tùm. Bên ngoài chưa có bảng thông tin dự án và cũng chưa có dấu hiệu gì cho thấy dự án chuẩn bị triển khai.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2018, tính đến ngày 31/3, Công ty 577 đã tạm ứng tiền đền bù giải phóng mặt bằng ở dự án City Gate 3 (NBB Garden 3) là 24 tỷ đồng. Dự án này được liệt vào danh mục hàng tồn kho của công ty với giá trị hơn 504 tỷ đồng. Theo hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH BĐS Thành Gia vào năm 2012, Công ty 577 cam kết góp tương ứng 63% vốn chủ đầu tư tham gia vào dự án này.
Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Luật sư Hạnh cho rằng, như vậy, việc huy động vốn dưới dạng “đặt cọc” giữ chỗ từ khách hàng khi chưa đủ điều kiện là không đúng với quy định của pháp luật.
“Việc chủ đầu tư giải thích hay viện cớ đây là quan hệ pháp luật dân sự về đặt cọc là chưa đúng vì rõ ràng chủ đầu tư đang kinh doanh BĐS nên phải chịu sự điều chỉnh của Luật kinh doanh bất động sản. Theo tôi thì đây là hành vi sai luật chứ không phải lách luật”, Luật sư Hạnh nhận định.
Luật sư Trần Mai Hạnh khuyến cáo người mua nhà nên tìm hiểu thật kỹ tính pháp lý của dự án trước khi nộp tiền dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi nếu gặp phải chủ đầu tư không có uy tín, làm ăn theo kiểu chụp giật, lừa dối thì phần thiệt sẽ thuộc về khách hàng.