Mới đây tỉnh Khánh Hòa đã có chỉ đạo, và có giải pháp ngăn chặn cơn sốt đất, tạm dừng giao dịch đất đặc khu Bắc Vân Phong. Điều này khiến dân đầu cơ lướt sóng đang “mắc cạn”, ôm “quả bom” đất vì mua phải giá cao.
Giá đất tại Bắc Vân Phong thời gian qua sốt ảo do cò đất thổi giá, nâng giá trục lợi. Nhiều lô đất trước đây chỉ có giá hơn 100 triệu đồng, nay đã được đẩy lên cả tỷ đồng. Nhiều cò đất từ các tỉnh, thành khác đến Vạn Ninh để tạo “bong bóng” nhà đất, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo quyết liệt, khống chế vấn đề này nhưng mọi chuyện vẫn diễn ra “bí mật” hơn.
Theo Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 100 sàn môi giới BĐS, với số lượng môi giới lên đến hàng nghìn người. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30 sàn với khoảng vài trăm môi giới sinh hoạt trong hội.
Do sức nóng của thị trường BĐS trong vài năm nay khiến nhiều sàn, nhiều môi giới vì lợi nhuận trước mắt mà có những tư vấn không chính xác, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Hội đã nhiều lần báo cáo Sở Xây dựng để có hướng xử lý.
Chẳng hạn, tại khu vực Bắc Vân Phong, qua tìm hiểu được biết tính đến tháng 2/2018 chỉ có 2 sàn giao dịch có đăng ky hoạt động, nhưng đến nay con số này đã tăng đến gần 50 sàn. Thời gian qua, nhiều sàn gần như “bất động”, chỉ thuê một căn nhà, trưng biển. Ban ngày thì xua quân đi các nơi tìm kiếm đất đai, buổi tối thi thoảng mới có người ở văn phòng. Vậy nên, khi địa phương đến đốc thúc đăng ký tạm trú tạm vắng thì hầu như phải đi vào buổi tối, còn ban ngày thì các văn phòng luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.
Các cò đất quảng cáo thông tin mơ hồ về đặc khu, hứa chạy dự án du lịch cho đối tác để làm dự án du lịch… khiến tình hình mua bán đất trở nên phức tạp.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đình Bảo, một người dân Hải Phòng đã vào Bắc Vân Phong 3 tháng nay. Ông được xem là người đã “ăn nằm” tại vùng đất sắp thành đặc khu này từ trước tết đã bỏ túi được hơn 20 tỷ đồng nhờ sang tay được 3 lô đất.
“Trong tay tôi hiện còn một lô đất rộng gần 3.000m2, mua lại từ một “cò” với giá 4,7 tỷ đồng từ sau tết. Hồi tháng 4 vừa qua có nhiều người đến trả giá 5,5 tỷ đồng nhưng tôi không bán vì chờ giá sẽ tăng cao. Ai dè tỉnh ra lệnh siết chặt, cò không làm thủ tục hợp thức hóa được, gần một tháng nay chả có ai hỏi mua. Sau khi tìm hiểu được biết lô đất này có khả năng nằm trong vùng quy hoạch đặc khu, như vậy tôi có thể mất trắng hàng tỷ đồng”, ông nói.
Một môi giới tại xã Vạn Thạnh (tâm chấn của cơn sốt đất đặc khu) cũng cho biết, tình trạng hủy cọc rồi gài nhau đang ngày càng phổ biến trước và sau thời điểm có các quyết định tạm ngưng chuyển nhượng đất của chính quyền địa phương.
Nguyên nhân xác định bởi những cơn sốt đất theo đợt cứ rần rần từ sau Tết đến nay. Giá một lô đất nhảy theo ngày. Những chủ đất nhận đặt cọc hôm qua nhưng sáng nay thấy giá lên cao thì sẵn sàng hủy cọc để bán với giá khác. Chính vì vậy, một số cò đất “cay cú”, tìm cách trả đũa kiện nhau ra tòa rất nhiều.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều cò đất vì lợi nhuận cao đã bất chấp đạo đức làm nghề. Chẳng hạn, nhiều cò đất rao bán những lô đất ở vị trí nằm trong quy họach khu dân cư, quy hoạch khu đô thị… Có những lô đất nằm ngay dưới đường dây điện 500kv vẫn được rao bán và hứa xây nhà thoải mái, khách hàng cứ yên tâm chỉ trong vòng 30 ngày sẽ cầm được sổ đỏ.
“Tôi vừa mua lại một căn nhà ngay trung tâm xã (Đầm Môn) có diện tích 570m2 với giá hơn 2 tỷ đồng. Các cò đất hứa hẹn sẽ sớm bàn giao giấy chứng nhận chủ quyền, nhưng từ tết đến nay vẫn không thấy đâu. Khi chúng tôi đến UBND xã hỏi thông tin thì được biết là đất đang nằm trong diện quy hoạch, không thể thực hiện thủ tục sang tên. Điều này đồng nghĩa với việc nằm chờ nhận tiền đền bù theo giá nhà nước, có bán lại cũng chẳng ai mua”, khách hàng tên Hạ Vy ở TP.HCM ngậm ngùi kể.
Ông Xuân Vũ, cũng là dân Hải Phòng vào sinh sống tại huyện Vạn Ninh gần hai năm nay cho biết đúng là giao dịch và chuyển nhượng đất đai ở đây đang bị siết chặt nhưng không phải là không làm được vì nhóm của ông đều có quan hệ và đường dây “chạy” thủ tục.
Ông Vũ được nhiều sàn môi giới gọi là một trong những “trùm” cò đất khét tiếng nhất trong vùng, bởi trong tay ông đang sở hữu hàng chục khu đất diện tích khá lớn ven biển. Được biết, trước tết khi đất Bắc Vân Phong vào đợt sốt cao nhất, ông Vũ đã kiếm lợi hàng trăm tỷ đồng nhờ bán được nhiều lô đất cho khách hàng từ Hà Nội vào.
“Chỉ những khách hàng mua đất đai không rõ nguồn gốc nên giờ không “thoát” được, chứ đa phần gần 20.000m2 đất của tôi đều được mua từ trước năm 2016 và đều đã có giấy tờ chứng nhận hẳn hỏi. Cái khó giờ là không được chẻ nhỏ ra để làm sổ cho khách hàng nhưng sau khi đặc khu đã định hình thì chắc chắn rất dễ”, ông Vũ nói thêm.
Cũng theo ông Vũ, thời điểm giữa năm 2016 đã chứng kiến một làn sóng nhà đầu tư từ các tỉnh phía Bắc “tràn” vào gom đất Bắc Vân Phong. Lúc đất, nhiều người dân vẫn chưa nắm thông tin nơi này sẽ thành đặc khu kinh tế nên bán khá rẻ, chỉ vài ba trăm triệu 1.000m2, nhưng chỉ vài ngày các nhà đầu tư bơm thổi thông tin thị trường và bán ra được vài tỷ đồng/lô.
“Các nhà đầu tư chạy không kịp là những người cố tình ôm đất chờ làm giá, nhưng không ngờ mọi việc đến quá nhanh nên giờ chỉ biết…than trời. Đang có hiện tượng giảm giá để “thoát xác” nhưng cũng không dễ kiếm được người mua”, ông Vũ cho biết.
Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản tỉnh Khánh Hòa cho biết đất ở Vạn Ninh đang bị làm giá và nhiều khả năng bị vỡ bong bóng trong thời gian tới. Cơn sốt là do giới buôn bán đất ở các tỉnh khác về, cấu kết với hệ thống “cò mồi” để cùng nhau ôm đất rồi thổi giá ảo để bán kiếm lời.
Do đó, nếu không quản lý chặt và có những cảnh báo mạnh mẽ thì khi Đặc khu Bắc Vân Phong hình thành sẽ khó khăn trong công tác đền bù giải tỏa, thu hút nhà đầu tư chiến lược. Các cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp như: hạn chế chuyển mục đích sử dụng, ngăn chặn tình trạng đứng tên hộ, đầu cơ bằng cách mua cùng lúc nhiều lô đất…
Theo đó, từ tháng 6/2017 đến nay, huyện Vạn Ninh của tỉnh này đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo chính quyền cấp xã tăng cường quản lý đất đai. Trong các văn bản và những cuộc họp của huyện đều nêu rõ: địa phương nào để xảy ra sai phạm về đất đai thì lãnh đạo đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước huyện và pháp luật.
Bên cạnh đó, huyện còn giao trách nhiệm quản lý cụ thể cho từng phòng, ban chuyên môn; hàng tuần lãnh đạo huyện xuống các địa phương kiểm tra đột xuất. Chính đây là nguyên nhân đã “dập tắt” ngay tức thì những cuộc giao dịch, trả giá đất nhanh như chớp hàng ngày tại các vùng giáp ranh với Bắc Vân Phong – nơi đang kỳ vọng sẽ trở thành đặc khu kinh tế.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, chính quyền các xã, thị trấn của Vạn Ninh cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để quản lý đất đai. Ông Nguyễn Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết để tránh tình trạng đầu cơ, gom đất, xã đã không giao phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực đất đai thực hiện xét duyệt hồ sơ mà tất cả hồ sơ đó đều phải được chủ tịch xã kiểm tra kỹ lưỡng và do chủ tịch xã trực tiếp ký duyệt.
“Đồng thời, những hộ trong xã có nhu cầu bán đất, chúng tôi đều tiến hành kiểm tra, xác minh rõ người mua, sau khi bán đất thì ở đâu nhằm tránh tình trạng sau khi bán đất lại đi lấn chiếm”, ông Nam thông tin.
Được biết, vừa qua, Thanh tra Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với huyện Vạn Ninh đã trực tiếp đi thanh, kiểm tra 25 sàn giao dịch BĐS trên địa bàn thị trấn Vạn Giã. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện những sai phạm và xử phạt 3 cơ sở kinh doanh BĐS, mỗi văn phòng bị xử phạt 35 triệu đồng với hành vi sử dụng nhân viên môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề theo quy định; một số sàn bị nhắc nhở. Đoàn cũng yêu cầu các sàn nhanh chóng chấn chỉnh các hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Lâm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Vạn Ninh cho biết, việc mua bán đất đai ở đây tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì quy hoạch sử dụng đất của huyện Vạn Ninh hiện tại sẽ phải bỏ để thay thế bằng quy hoạch Đặc khu Bắc Vân Phong mà UBND tỉnh đang thuê tư vấn nước ngoài hoàn thiện. Giá đền bù và hỗ trợ đất lâm nghiệp rất thấp, khoảng 14.000 – 20.000 đồng/m2.
Theo Trí thức trẻ