Tại Đại hội trù bị của CLB BĐS Tp.HCM, các nhà tư vấn đã đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư (NĐT) không nên đầu tư đất nền khi dòng tiền chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng.
Tại Đại hội trù bị của câu lạc bộ BĐS Tp.HCM lần I, các nhà tư vấn BĐS đã chỉ ra sự nóng sốt kèm theo giá ảo là thực tế đang diễn ra trên thị trường BĐS. Các ngân hàng cũng nhận thấy những nguy cơ nếu sốt đất nên thời gian gần đây đã có tín hiệu siết chặt việc vay vốn BĐS.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc công ty phân phối bất động sản Eximrs nhấn mạnh: nhìn nhận vào tình hình cung – cầu của thị trường thì giá đất nền không hề ảo. Tuy nhiên, trước bối cảnh đất tăng giá cao cục bộ ở một số khu vực như hiện nay thì NĐT cần hết sức thận trọng, chỉ nên nhảy vào thị trường khi bản thân đã có hơn 50% vốn, không nên dùng vốn vay ngân hàng để đầu tư đất.
Bà Tú chỉ ra, nếu NĐT vay ngân hàng quá 50% số vốn để lướt sóng đất nền thì rất dễ gặp rủi ro. Ở những trường hợp NĐT ôm một lúc nhiều nền nhưng không dễ ra hàng nhanh chóng, buộc phải vay ngân hàng để “tiếp” vào. Điều này rất dễ đến tình trạng “mắc cạn” dòng vốn, trả lãi ngân hàng.
Bà Tú lấy ví dụ, một khách hàng có 10 tỉ đồng, thay vì chỉ nên mua từ 3-4 nền đầu tư nhưng lại rải vốn đặt cọc một lúc 10 nền. Vì nghĩ chỉ cần lướt sóng là hưởng chênh ngay nhưng thực tế thì không phải lúc nào sản phẩm cũng ra hàng nhanh. Vốn NĐT bị chôn lại đó, buộc phải sử dụng vốn vay ngân hàng để mua đứt sản phẩm… như vậy, rủi ro là khôn lường.
Theo các chuyên gia, nhận thấy thị trường có dấu hiệu nóng sốt cục bộ, ngân hàng đã có động thái siết chặt cho vay BĐS. Cụ thể, tỉ lệ cho vay BĐS ở một số ngân hàng giảm từ 60% xuống còn 40%. Việc siết chặt này nhằm ổn định thị trường BĐS trong thời gian trung và dài hạn.
Tại hội thảo diễn ra mới đây, ông Bùi Quang Tín, Tổng giám đốc trường Doanh nhân Bizlingt nhấn mạnh: Việc siết chặt vốn vay, thậm chí tăng lãi suất cho vay mua BĐS ở một số ngân hàng là tín hiệu tích cực. Vì nếu cứ “thả cửa” cho vay mua BĐS thì nguồn vốn sẽ bị rủi ro ở những NĐT tham gia đầu tư lướt sóng. Theo ông Tín, đây cũng là biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng nóng sống đang lan rộng ở các tỉnh thành trên cả nước, hạn chế rủi ro dòng tiền vào BĐS nhằm ổn định thị trường.
Ông Tín cũng cho rằng, NĐT không nên nhảy vào thị trường khi dòng vốn tự có thấp hơn 40% vì rất dễ gây rủi ro cho cả NĐT lẫn phía cho vay mua. Thị trường tài chính luôn đi song song với thị trường BĐS, do vậy nếu rủi ro xảy ra thì thiệt hại đến nền kinh tế nói chung là rất dễ xảy ra.
Theo Nhịp sống kinh tế