QNP – Thảo luận tại Hội trường tại phiên họp sáng 23-5 Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIV về Dự thảo Luật Đơn vị HCKT đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, các đại biểu cơ bản đều nhận định đây là dự án Luật quan trọng. Việc ban hành Luật là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa các chính sách, tạo ra sự phát triển đột phá, vượt trội không chỉ cho 3 đặc khu mà còn cho 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, vùng và cả nước nói chung. Tuy nhiên các đại biểu cũng có nhiều ý kiến bổ sung với mong muốn dự Luật và các cơ chế chính sách đảm bảo hợp lý, khả thi, không nóng vội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng việc giấy đầu tư theo thủ tục rút gọn đối với các đặc khu là cần thiết. Nhưng hiệu quả dự án mới là quan trọng nên việc đánh giá kỹ là cần thiết, không thể chỉ vì tiến độ mà rút gọn việc đánh giá.
Tại khoản 1 điều 22 quy định không cần đánh giá thông tin nhà đầu tư. Tuy nhiên việc không đánh giá nội dung này đã cấp chứng nhận đầu tư là không đầy đủ bởi làm sao biết được năng lực nhà đầu tư, mục tiêu dự án có phù hợp với quy hoạch hay không? Không đánh giá công nghệ sao biết lạc hậu hay tiên tiến? Trong khi nếu đã cấp chứng nhận đầu tư thì nhà đầu tư có quyền trong cấp phép, gây hệ lụy nguy hiểm cho xã hội.
Đại biểu cho rằng cần thiết có cơ chế đặc thù với nhà đầu tư chiến lược, nhưng phải có giới hạn để nhà đầu tư chiến lược sẽ thao túng chính sách. Đại biểu cũng đề nghị đánh giá lại tính cần thiết của việc thu hồi đất theo quy định dự thảo.
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy (Bắc Kan) đề nghị cần tăng thẩm quyền cho tòa án cấp đặc khu được xét xử các vụ án tới 15 năm tù. Với dân sự cơ bản lại không tăng thẩm quyền cho ủy ban nhân dân đặc khu, chỉ ngang quyền cấp huyện. Quy định phải làm rõ thêm nhiều khía cạnh. Ủy ban đặc khu được giao thầm quyền lớn thì tư pháp đặc khu lại không được giải quyết vụ án cùng cấp.
Đại biểu cho rằng có thể ban đầu là ưu đãi về kinh tế nhưng lâu dài là sự vững mạnh về tư pháp chính sách, đủ thẩm quyền giải quyết các tranh chấp là cách giữ chân các nhà đầu tư. Do đó đề nghị giao cho tư pháp đặc khu giải quyết khiếu kiện cùng cấp.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia ý kiến trong phiên thảo luận
Đại biểu Mai Thị Dím (Thanh Hóa): Về quy định giải ngân, đại biểu cho rằng đang gây khó khăn cho nhà đầu tư. Đại biểu cũng thống nhất với thời hạn sử dụng đất trong dự thảo. Về việc giải phóng mặt bằng xây dựng khu vui chơi, casino, chính quyền hỗ trợ mặt thủ tục, tiền nhà đầu tư trả đây là quy định chặt chẽ, đảm bảo tiến độ thu hồi giải phóng mặt bằng.
Để đảm bảo thu hút nhân lực trình độ cao về đặc khu, đại biểu cũng đề xuất về quy định miễn thuế thu nhập cá nhân. Tại điều 45 về miễn tiền thuê đất, mặt nước, đại biểu đề nghị điều chỉnh thành “thuê khu vực biển”.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cảm nhận được sự nỗ lực cố gắng của ba địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang trong việc xây dựng dự thảo Luật, biến ước mơ của bao nhiêu thế hệ thành hiện thực. Theo đại biểu, cần tới số tiền rất lớn để phát triển ba đặc khu. Bài toán đặt ra là phải có phương án tài chính cụ thể và có kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đại biểu cho rằng chính sách thuế cũng cần cân nhắc lại để đảm bảo tính khả thi vì chính sách thuế của Việt Nam theo nhiều nghiên cứu thế giới cho thấy còn chưa phù hợp.
Ngoài ra để thu hút nguồn nhân lực cho đặc khu thì cần có nhiều chính sách hấp dẫn, trong đó cần miễn thuế thu nhập 5 năm đầu, giảm 50% các năm sau. Nên hướng tới giảm 50% với các nhà quản lý, nhà hóa học, chuyên gia… Đối tượng miễn giảm nhà quản lý, khoa học, chuyên gia có trình độ cao thuộc xác định của Ủy ban đặc khu…
Cũng theo bà Mai, dự thảo Luật quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân có quyền thu hồi đất nhưng thời gian qua việc khiếu kiện do thu hồi đất diễn ra rất phức tạp, nên cần làm rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn. Liên quan tới công tác đầu tư công, đại biểu cho rằng nếu chỉ tập trung quyền lực ở một cá nhân sẽ không đảm bảo tính khách quan.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) thảo luận tại Hội trường
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định sự đồng tình với việc thông qua Luật Đơn vị HCKT đặc biệt vì đây là mô hình mang tính đột phá, mở đường cho sự phát triển của ba khu vực sẽ trở thành đặc khu tương lai là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Đại biểu cũng đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của các địa phương về mọi điều kiện để sẵn sàng triển khai ngay khi ban hành Luật, đặc biệt là đối với tỉnh Quảng Ninh. Việc thông qua Luật này sẽ góp phần tạo nên bước đột phá của nền kinh tế Việt Nam, khắc phục trạng tình trạng tăng trưởng thấp, sức cạnh tranh thấp, thu ngân sách chưa bền vững. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện, tiếp thu làm rõ loại hình kinh doanh nào đủ sức cạnh tranh, tạo sự khác biệt rõ nét cho các đặc khu. Đồng thời cho rằng nhiều thủ tục do Chủ tịch UBND đặc khu trực tiếp ký, làm quá nhiều việc lại dễ vi phạm khuyết điểm.
Đại biểu cũng đề nghị luật tiếp tục tiếp thu đánh giá làm rõ những khác biệt khu kinh tế này với khu kinh tế khác. Cùng với đó cần có cơ chế giám sát vì quyền lực càng cao cần có đánh giá giám sát không để mất niềm tin xã hội, đặc biệt là đảm bảo an ninh quốc gia. Bởi ở đây nếu có sai phạm rất khó điều chỉnh do liên quan nhiều tới doanh nghiệp quốc tế.
Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) đề nghị cần trao cho Chủ tịch đặc khu được quyết định một số vấn đề mà thường giao cho tập thể quyết định chung. Đối với khoản 2 Điều 14 dự thảo, đại biểu đề nghị quy định lại cho phù hợp, đơn giản hóa việc điều chỉnh quy hoạch, tránh việc gì cũng phải giao cho Chủ tịch tỉnh dẫn tới việc có thể làm ảnh hưởng tới tiến độ.
Điều hành phiên thảo luận, đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh dự án Luật Đơn vị HCKT đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là dự án Luật quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý để triển khai mô hình đơn vị HCKT đặc biệt, khai thác tốt nhất tiềm năng của một số khu vực có lợi thế vượt trội nhằm thu hút mạnh đầu tư, hình thành khu vực tăng trưởng cao và phương thức quản lý mới; tạo thêm nguồn lực và động lực góp phần thúc đẩy nhanh, phát triển tái cơ cấu kinh tế cho các tỉnh, vùng và cả nước. Tuy nhiên đây cũng là dự án Luật khó với nhiều chính sách, quy định mới, do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự án Luật và trình Quốc hội thông qua./.
Linh Thanh
Nguồn: quangninh.gov.vn