Một số doanh nghiệp cho biết, việc kiểm tra, thử nghiệm cho từng lô hàng nhập khẩu tốn thời gian, tốn kém chi phí và không công bằng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp.
Bộ Giao thông Vận tải mới có báo cáo kết quả Đoàn công tác liên ngành hỗ trợ Doanh nghiệp thực hiện Nghị định 116 ghi nhận những đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến những quy định được đưa ra tại Nghị định này.
Theo ghi nhận của Đoàn công tác, một số doanh nghiệp kiến nghị khi ban hành chính sách mới không nên hồi tố đối với các yêu cầu đã đáp ứng các quy định trước ngày có hiệu lực của Nghị định 116 và chính sách khi ban hành cần có lộ trình đủ dài để doanh nghiệp đáp ứng.
Liên quan đến nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) từ nước ngoài, Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Công ty TNHH ô tô Isuzu Việt Nam… cho biết đối với xe nhập từ Thái Lan, Indonesia, doanh nghiệp có thể được cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA), nhưng với các xe nhập khẩu từ Nhật Bản, doanh nghiệp không thể có được do Chính phủ Nhật Bản không cấp cho xe xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp đề xuất cho phép sử dụng báo cáo thử nghiệm của cơ sở sản xuất.
Theo đoàn công tác, doanh nghiệp có thể lấy VTA của bên thứ ba được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thừa nhận hoặc thuê bên thứ 3 chứng nhận.
Đối với xe nhập từ châu Âu có VTA nhưng xe nhập khẩu về Việt Nam thường có sự điều chỉnh so với VTA, do liên quan đến tiêu chuẩn khí thải và nhiên liệu tại Việt Nam yêu cầu túi khí bảo vệ người đi bộ tại châu Âu quy định khí gas điều hoà khác Việt Nam, hiển thị số trên bảng điều khiển đối với xe số sàn. Do đó, doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng xem xét chấp nhận VTA này để làm thủ tục đối với xe khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Về kiến nghị đối với kiểm tra, thử nghiệm cho từng lô hàng nhập khẩu theo một số doanh nghiệp việc này tốn thời gian, tốn kém chi phí và không công bằng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất lắp ráp do đó doanh nghiệp kiến nghị xem xét mở rộng khái niệm lô hàng để giảm số lượng mẫu phải kiểm tra thử nghiệm, cho phép sử dụng kết quả thử nghiệm khí thải trong thời gian 6 tháng thay vì từng lô như hiện nay…
Ý kiến của đoàn công tác cho biết, khái niệm lô hàng, việc thử nghiệm đối với từng lô hàng nhập khẩu đã được quy định rõ trong Nghị định, doanh nghiệp cần tuân thủ.
Liên quan đến chứng nhận linh kiện điện tử, doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục thừa nhận giấy chứng nhận linh kiện đã cấp theo quy định ECE và kết quả đánh giá COP theo quy định đang áp dụng hiện nay, không cần phải thử nghiệm, chứng nhận tại Việt Nam như yêu cầu trong Nghị định 116.
Về quy định đường thử, doanh nghiệp cho rằng việc đầu tư đường thử theo quy định mới tốn nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Hiện nay tất cả các nhà sản xuất đã đầu tư đường thử đáp ứng quy định trước Nghị định 116 nên đề xuất không hồi tố quy định này.
Các loại xe khác nhau (ô tô con, khách, tải) quy định đường thử cũng khác nhau, không nên quy định chung tất cả như trong nghị định. Hiện nay các hãng cơ bản đều có quy định về đường thử vì vậy nên để doanh nghiệp thực hiện theo quy định của hãng.
Một số doanh nghiệp không có đủ quỹ đất để xây dựng đường thử theo quy định mới, đặc biệt quy định về đường thẳng dài 400m…
Từ những đề xuất của doanh nghiệp Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn việc thực hiện quy định về đường thử gửi các doanh nghiệp để thống nhất cách hiểu, thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp đang triển khai đầu tư xây dựng đường thử nhưng không kịp hoàn thành trước 17/4/2019 theo thời hạn của Nghị định 116. Kiến nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn việc thực hiện quy định về đường thử các doanh nghiệp thống nhất cách hiểu, thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thống nhất thực hiện hướng dẫn doanh nghiệp việc chấp nhận một số thay đổi của kiểu loại xe thực tế nhập khẩu so với VTA nếu sự thay đổi này không ảnh hưởng an toàn và bảo vệ môi trường theo quy chuẩn hiện hành của Việt Nam.
BizLive