Sáng nay (23/5), Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được thảo luận lần đầu tiên trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV. Sau nhiều tiếp thu ý kiến, sửa đổi, dự thảo Luật đã thay đổi như thế nào, những điều băn khoăn gì vẫn tồn tại? Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các đặc khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Luật đặc khu được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp này vào sáng nay, Quốc hội cũng dự kiến biểu quyết thông qua vào ngày 15/6. Trước giờ G, ông còn điều gì băn khoăn với dự án Luật?
Tôi không còn gì băn khoăn. Dự thảo Luật đã được cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Pháp luật Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiếp thu chỉnh lý theo ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Bộ Chính trị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo Luật sau nhiều lần điều chỉnh lý đã giảm bớt nhiều ưu đãi chưa phù hợp. Đến nay, dự Luật cơ bản cơ bản đảm bảo cân bằng với bối cảnh của Việt Nam nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu vượt trội, có sức cạnh tranh với quốc tế.
Điều tôi quan tâm lúc này là nếu dự thảo Luật được thông qua, công tác triển khai các nhiệm vụ được giao sẽ là như thế nào. Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là một luật rất khó, tổng hợp nhiều chính sách về kinh tế, xã hội, liên quan đến rất nhiều bộ ngành. Khâu thi hành theo tôi là yếu tố sống còn để đặc khu từ lý thuyết phát triển thành công trong hiện thực.
Ví dụ đối với đội ngũ nhân sự ở đặc khu, công tác tuyển chọn người sẽ phải thật kỹ càng, tìm ra được người có tâm, có tầm, có chuyên môn tốt làm việc được trong môi trường quốc tế. Điều này không chỉ đúng với vị trí những người lãnh đạo như Chủ tịch, trưởng đặc khu mà còn ở nhiều cơ quan chuyên môn khác.
Chính phủ hiện đã có kế hoạch triển khai thi hành luật. Theo đó, các bộ, ngành phải tiến hành ngay luật bắt đầu có hiệu lực.
Tại hội thảo mới đây, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng của World Bank đã đưa ra khuyến cáo sẽ phát sinh “cuộc đua xuống đáy” với ba đặc khu. Điều này có cơ sở không, thưa ông?
World Bank đưa ra khuyến cáo chung. Tuy nhiên, tôi cho rằng phải nhìn vào trường hợp cụ thể của Việt Nam. Chúng ta là nước đi sau, do đó phải có những điểm đặc biệt, phải thật hấp dẫn so với các đặc khu trước đó mới mong cạnh tranh được.
Khi so sánh với các quốc gia đã thành công mô hình đặc khu cũng như nhìn vào các đặc khu mới vừa được thành lập, chúng tôi nhận thấy ngoài cơ chế chính sách tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh – tức chính sách phi tài chính, đặc khu vẫn cần rất nhiều ưu đãi.
Ví dụ tại đặc khu Tiền Hải đã ưu đãi thuế sốc cho các nhà đầu tư. Đơn cử như miễn toàn bộ Thuế Thu nhập cá nhân có người là chuyên gia, giảm 50% thuế cho người lao động trong đặc khu, miễn toàn bộ Thuế Xuất nhập khẩu, Thuế Tiêu thụ đặc biệt…
Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là không ưu đãi tràn lan. Trải qua nhiều lần tiếp thu ý kiến, sửa đổi, dự thảo Luật hiện nay đảm bảo có ưu đã về tài chính, phi tài chính một cách hợp lý, vừa cạnh tranh được nhưng không dàn trải. Theo đó, đảm bảo hài hoà lợi ích của quốc gia và nhà đầu tư.
Dù ghi nhận ý kiến của World Bank nhưng chúng tôi vẫn nhấn mạnh đấy là khuyến cáo chung. Việc ưu đãi thuế là cần thiết, dù không phải là quan trọng nhất, và dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được.
Nhắc đến ưu đãi phi tài chính, ông tâm đắc nhất với chính sách gì?
Đó là ưu đãi về thủ tục đầu tư, tạo môi trường kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho đặc khu. Ví dụ số ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam theo luật hiện hành là 243 nghề thì tại đặc khu, chỉ áp dụng với 131 ngành nghề.
Hành lang pháp lý tại đặc khu dần tiệm cận với thông lệ quốc tế khi cho phép nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp đối với những hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế,… có yếu tố nước ngoài. Các nhà đầu tư cũng có quyền chọn lựa các toà án nước ngoài để thụ lý vụ việc khi xảy ra vấn đề. Tất nhiên, dự Luật cũng loại trừ một số lĩnh vực có thẩm quyền đặc biệt như liên quan đến bất động sản hay lợi ích người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư kinh doanh được minh bạch hơn. Theo đó, các nội dung trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư được quy định rõ ràng, nêu đầy đủ các đánh giá, thời gian làm hồ sơ trung bình được giảm hơn một nửa so với hiện hành, từ 20 – 25 ngày còn 7 – 10 ngày.
Cuối cùng là những đổi mới tại trung tâm hành chính công. Đây là nơi tiếp nhận, giải quyết và trả các kết quả liên quan đến nhà đầu tư như xây dựng, thủ tục hải quan… Tất cả thủ tục đều được thực hiện một cửa, tại chỗ, đồng thời tiến tới hình thức online. Điều này thể hiện sự đổi mới, đột phá so với hiện hành.
Dư luận hiện đang quan tâm là đất tại Vân Đồn – Phú Quốc – Bắc Vân Phong dù Luật chưa được thông qua nhưng đã “phát sốt”. Việc này liệu có gây cản trở cho phát triển đặc khu?
Trong quá trình nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi phát hiện các quốc gia khi phát triển đặc khu đều phải đối mặt với “bong bóng bất động sản”. Theo đó, các cơ quan chính quyền đều phải có biện pháp để giải quyết.
Chúng ta cũng đã thực hiện rồi. Hồi tháng 4, Thủ tướng đã họp và ban hành các chỉ đạo đối với đất đặc khu, giao các địa phương có biện pháp tránh đất bị đầu cơ, thổi giá. Đặc biệt xử lý nghiêm những sai phạm đất đai như chia nhỏ thửa, không đúng với quy hoạch.
Các tỉnh đã triển khai và có kết quả. Nhiều hành vi sai phạm đã bị điều chỉnh. Điều này có thể thấy đất chỉ sốt nóng trong tháng trước còn nay đã đi vào ổn định. Ba địa phương vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp quyết liệt.
Theo đó, chính quyền đề nghị không giải quyết việc tách thửa, chuyển nhượng trong ranh giới đặc khu cho đến khi thành lập đặc khu. Đất phải được giao đúng quy hoạch. Bước đầu chúng ta đã giải quyết được nên cơn sốt đất không phải vấn đề đáng lo ngại.
Nghĩa là người đầu cơ sẽ không được hưởng lợi như kỳ vọng?
Tôi cho rằng phải xem xét thật kỹ. Nói đầu cơ đất là nói chung. Nếu người ta mua bán đất đúng quy hoạch thì họ đang đầu tư đúng pháp luật. Việc xử lý là đối với những người tách thửa đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy hoạch như ở Phú Quốc có trường hợp lấp cả suối.
Đối với người mua đất đúng quy hoạch thì họ tự chịu trách nhiệm về lỗ lãi theo thị trường.
Một vấn đề khác được dư luận đặc biệt quan tâm là con số hơn 1,4 triệu tỷ đồng đầu tư cho ba đặc khu. Đầu tư một số tiền lớn như vậy, tóm lại người dân sẽ được hưởng lợi gì?
Trước hết chúng ta phải làm rõ con số 1,4 triệu tỷ này. 1,4 triệu tỷ đồng thực chất là cộng toàn bộ đầu tư toàn xã hội, luỹ kế trong 10 năm của ba đặc khu. Đầu tư toàn xã hội bao gồm vốn tư nhân, vốn người dân và ngân sách.
Và tôi cũng khẳng định con số đầu tư này là mong muốn của các địa phương lúc xây dựng đề án chứ không nằm trong dự thảo Luật. Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ sẽ thẩm định, có những trao đổi đánh giá phù hợp với thực tế.
Tôi hiểu dư luận quan tâm trước hết là bởi phần bỏ vào của ngân sách. Tuy nhiên, phần này thực ra không lớn. Ví dụ đối với Vân Đồn, ngân sách Nhà nước, đia phương chỉ là 10%. Tôi tính ra khoảng 5.000 tỷ, số tiền không lớn đối với việc đầu tư đặc khu.
Tóm lại, thông điệp tôi muốn nói là con số 1,4 triệu tỷ là tính chung của rất nhiều phần đầu tư, trong đó có nhà nước, tư nhân,… cộng luỹ kế của 10 năm của ba đặc khu. Bên cạnh đó, tôi khẳng định đây không phải là con số cuối cùng mà chỉ là đề xuất của địa phương, Chính phủ sẽ thẩm định lại. Như vậy mọi người đang hiểu nhầm về tiền đầu tư cho đặc khu.
Vế thứ hai của câu hỏi là lợi ích cuả người dân. Bộ Kế hoạch Đầu tư đã tính toán kỹ khi xây dựng chính sách phải đảm bảo lợi ích theo các phương án đánh giá khác nhau, thể hiện ở các mặt như tăng thu ngân sách cho đặc khu, tạo thêm việc việc làm, tăng GRDP đóng góp cho địa phương. Tất cả những điều này đều đã được đánh giá, kiểm tra bởi các đơn vị tư vấn độc lập như The Boston Consulting Grông!(BCG), PriceWaterHouseCoppers (PwC)…
Cám ơn ông!
Phương Ánh – Hoàng Anh
theo Trí thức trẻ