Bóng đá Việt Nam đang rơi vào tình trạng nhiều người muốn cống hiến cũng không thể chen chân vào VPF, VFF khi đang xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, hay một người ngồi quá nhiều mâm.
Bằng đỏ còn dở hơn bằng đại học
Sau những tranh cãi tranh cãi về tiêu chí bằng cử nhân , Tiểu Ban nhân sự Đại hội đã quyết định gia hạn thời gian đề cử bổ sung lần thứ 3 khi gạt bỏ tiêu chí này. Và ngày hôm qua (22/5) là thời hạn cuối cùng để đề cử và ứng cử các ứng viên Đại hội VFF khóa VIII. Điều ấy đồng nghĩa Đại hội khó diễn ra trong tháng 6 tới và chưa ấn định ngày tổ chức.
Sở dĩ, Đại hội VFF khóa VIII liên tục bị hoãn là xuất phát từ việc bầu Đức không thể tham gia ứng cử dù có đơn vị đề cử, bởi ông chủ CLB HAGL bị làm khó vì tiêu chí bằng cử nhân. Ngày đó, bầu Đức cho rằng: “Người ta phũ phàng gạt tôi ra. Ai cũng biết chuyện đó, VFF có dám nhắc không? Có phải là chuyện cướp công không?”
Bầu Đức từng huỵch toẹt về VFF và chuyện bằng cử nhân: “Đây là câu chuyện sai luật vì trong điều lệ không có. Không ai quy định hết. Làm ngược là sai rồi. VFF không thể tự nghĩ ra được. Như vậy là loại một số đối tượng và những anh em cộng sự làm rất được việc cho mình ra ngoài sớm. Tôi là người sử dụng bằng đại học hơi bị đông. Nhân viên tôi có 10.000 người có bằng đại học nhưng nhiều người có bằng đỏ làm còn dở hơn nhiều người không có bằng đại học.
Bầu Đức đã không tranh cử VFF nhiệm kỳ VIII.
Tại sao xưa nay không có ai quy định mà giờ này lại đưa ra? Tổng cục TDTT ở đâu? VFF phải hoạt động theo điều lệ được Bộ nội vụ phê duyệt. Nay tiểu ban nhân sự lại sáng tác ra điều kiện đó là sai rồi. Lố bịch nữa là đưa ra lấy ý kiến thành viên ban chấp hành bằng thư điện tử. Có người đọc, có người không. Ví dụ những người lớn tuổi như anh Hồng Thanh của SLNA có dùng thư điện tử đâu, trong khi quy định 2 ngày không trả lời là đồng ý.
Vừa rồi tại hội nghị ban chấp hành, Giáo sư Lê Quý Phượng phát biểu nên làm đúng quy trình. Không nên đưa bằng cấp vào điều lệ. Tôi lên tiếng vì 13 CLB còn lại không dám nói đâu vì sợ bị trù chết. Họp ban chấp hành toàn thấy đại diện CLB khen rằng bản viết quá đầy đủ, còn thiếu một số thành tích. Khen tiểu ban nhân sự làm việc quá nhiệt tình, chu đáo.
Tôi nói thẳng trách nhiệm của tiểu ban nhân sự là tổng hợp danh sách các thành viên đề cử và phải có trách nhiệm hiệp thương. Nhưng họ đã làm tốt chưa? Có hiệp thương không? Nếu có đâu có xảy ra chuyện như Quảng Nam đề cử đến 2 người là chủ tịch Lê Nguyên Hồng và GĐĐH Nguyễn Húp. Nhiều đơn vị khác cũng thế…
Tôi không ngờ cuối nhiệm kỳ lại phức tạp cỡ đó. Nhiều tiểu xảo không hiểu được. Nhưng tôi không bao giờ hối hận những gì đã nói. Tôi chỉ làm vì bóng đá và không hại ai cả. Nhưng họ muốn cướp công tôi và muốn dựa vào tuyên bố trước đây muốn rút khỏi bóng đá của tôi để loại tôi ra. Họ sợ nếu danh sách vẫn còn tên tôi thì nhiều đại biểu sẽ bầu cho tôi và anh Tú sẽ mất ghế nên chơi trò bẩn”.
Từ phát biểu của bầu Đức có thể nói, ông xác định rời VFF từ trước nhưng vẫn bị rơi vào cảnh bị “bỏ bóng đá người” vì chuyện tranh quyền, tranh ghế của một số người ở VFF.
Nghịch lý của bóng đá Việt Nam
Có một câu chuyện mà rất nhiều người nhìn thấy nhưng… lơ một cách khó hiểu là nhiều người tài giỏi muốn vào VFF hay VPF cống hiến là gần như không thể. Không tính đến chuyện đi quan hệ để xin phiếu bầu này nọ, chỉ đơn giản có quá nhiều người đang ngồi theo kiểu vừa thổi còi vừa đá bóng.
Ví dụ, ông Nguyễn Văn Mùi từng làm phó Ban tổ chức giải hồi năm 2016 kiêm Trưởng ban trọng tài, hay mới nhất là ông Dương Văn Hiền vừa làm giám sát vừa làm phó ban trọng tài. Chỉ đến sau vòng 7 V.League 2018, ông Hiền mới bị VPF thôi mời làm giám sát vì bầu Tú cho rằng làm như thế là vừa đá bóng vừa thổi còi.
Bầu Tú nhìn nhận thực sự rất đúng đắn về ông Hiền nên thôi mời làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, chính điều ấy góp phần tạo ra tranh cãi và sự không phục từ ban trọng tài, đơn giản chính bầu Tú cũng đang rơi vào tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Bầu Tú đang là thường trực VFF nhưng sang VPF ngồi một lúc đến 3 ghế bự là Chủ tịch, Tổng giám đốc và Trưởng giải. Ngoài ra, nếu không có bầu Đức phản biện thì bầu Tú còn tham gia ứng cử phó chủ tịch VFF.
Ngoài ra, ông Trần Mạnh Hùng trước khi dính vào vụ băng ghi âm văng tục là chủ tịch CLB Hải Phòng nhưng làm phó chủ tịch VPF và tham gia ứng cử phó chủ tịch tài chính VFF. Đây cũng là tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, khi ông Hùng là sếp CLB nhưng làm chức to ở công ty điều hành giải đấu và tranh cử chức quan ở VFF.
Nhiều người đang ngồi hai mâm, ngồi nhiều ghế ở VFF, VPF.
Ngoài ra, những thành viên HĐQT VPF như ông Nguyễn Hồng Thanh (Chủ tịch CLB SLNA), Lê Hoài Anh (Tổng thư ký VFF), Đinh Thị Thu Trang, Lê Nguyên Hồng (Chủ tịch CLB Quảng Nam), Bùi Xuân Hòa (Chủ tịch CLB Đà Nẵng) cũng đang rơi vào tình trạng ngồi hai mâm ở VPF và VFF. Riêng những vị đang làm chủ tịch CLB thì ngồi đến 3 mâm, có thể xếp vào tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi.
Chuyện có những người vừa làm chủ tịch CLB lại tham gia vào HĐQT VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) và VFF là tình trạng hết sức nghịch lý nhưng vẫn tồn tại ở bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua. Vì là người của CLB thì tại sao còn ngồi ở công ty điều hành giải đấu và Liên đoàn bóng đá?
Tất cả tạo ra nghịch lý là nhiều người tài không có đất diễn ở VPF, VFF, vì chỗ đâu cho họ ngồi khi một người ôm đến 3 ghế, thậm chí là 7 – 8 ghế. Điều này cũng tạo ra hệ lụy là những người trẻ không có cơ hội vào VPF, VFF khi nói vui thì các chú, các bác cứ mãi ngồi ở đó.
Ngược lại, những người khát vọng cống hiến, có cơ hội giành ghế thì bị ràng buộc bởi những điều lệ theo kiểu “đá người” như tiêu chí bằng cử nhân, ví dụ trước lúc gỡ bỏ thì bầu Đức có muốn ngồi lại VFF cũng không được, do ông không có bằng đại học.
SaoStar