Trong phần xét hỏi, theo lời khai trước tòa của bà Nguyễn Thị Đinh Hương – luật sư đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn (Công ty sở hữu máy chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình theo hình thức xã hội hóa và trực tiếp ký Hợp đồng 315 với BVĐK tỉnh Hòa Bình về việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2), Công ty Thiên Sơn là đơn vị lắp đặt thiết bị RO số 2 cho đơn nguyên Thận nhân tạo. Toàn bộ vật tư, thiết bị được công ty Thiên Sơn mua lại từ nhà sản xuất là Công ty Anh Quân.
Chạy thận nhân tạo. (Ảnh minh họa)
Trong phần bào chữa chiều nay (25/5), luật sư Trần Hồng Phúc cho biết, Công ty Anh Quân có trụ sở tại xóm 6, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội và đã giải thể từ năm 2016, trước khi xảy ra sự cố y khoa làm 9 người chết khoảng 1 năm.
Theo lời khai của ông Quân, Giám đốc Công ty Anh Quân, ông chỉ là lao động tự do và được người khác thuê đứng tên làm Giám đốc.
“Chúng tôi không hiểu trình độ của ông Quân như thế nào mà đứng tên là Giám đốc một công ty sản xuất thiết bị lọc thận nhân tạo. Thật là khủng khiếp, kinh khủng!”, luật sư Trần Hồng Phúc thốt lên tại phiên tòa.
Theo hồ sơ vụ án được công bố bởi luật sư Phúc, hệ thống nước RO được trang bị tại BVĐK tỉnh Hòa Bình từ năm 2010 do Công ty Anh Quân sản xuất (và bán cho Công ty Thiên Sơn). Hệ thống này được trang bị bằng nguồn trái phiếu Chính phủ.
Tại biên bản lời khai, ông Quân khai hệ thống lọc nước RO lắp đặt tại BVĐK tỉnh Hòa Bình được lắp ghép từ nhiều hãng khác nhau, không đồng bộ. Ông Quân là người trực tiếp giám sát việc lắp đặt, khi đó phía BVĐK tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo lắp đặt vào đường ống cũ. Điều này cho thấy trước đó đơn nguyên Thận nhân tạo cũng đã có một đường ống RO được lắp đặt.
Luật sư Trần Hồng Phúc bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương chiều 25/5.
Khi ông Quân bói chính ông là người làm hợp đồng mua bán thiết bị với ông Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Thiên Sơn, luật sư Phúc đã đặt câu hỏi: Vì sao trong hồ sơ vụ án không có hợp đồng giữa Công ty Anh Quân và Công ty Thiên Sơn?
Từ những sơ hở nêu trên, luật sư Phúc hỏi tiếp: “Nhà sản xuất không đổ lỗi mà cứ đổ lỗi cho các bị cáo. Phải chăng chỉ có người dân chết là không đúng quy trình, còn tất cả chúng ta đều đúng quy trình?”
Sau đó, luật sư Phúc cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Y tế khi cơ quan này đã buông lỏng quản lý trang thiết bị y tế. Theo luật sư Trần Hồng Phúc, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm lớn vì hệ thống lọc RO là sản phẩm duy trì sự sống của con người. Với thực tế diễn ra ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, hệ thống RO đang hoạt động “chui”, hoạt động “bất hợp pháp”.
“Bộ Y tế trả lời sao đây với sinh mạng của 9 con người?”, luật sư Trần Hồng Phúc chất vấn.
Sau những quan điểm bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, luật sư Phúc bày tỏ quan điểm cho rằng việc đổ lỗi cho nhà sản xuất thì “nặng nề quá” vì tiêu chuẩn Việt Nam số 9856 phải đến năm 2013 mới ra đời, nên không thể hồi tố sau 3 năm quay về áp dụng cho nhà sản xuất trước đó; do đó, luật sư mong muốn HĐXX xem xét rõ trách nhiệm của những người liên quan, trong đó có lãnh đạo BVĐK tỉnh Hòa Bình và Bộ Y tế.
PV
Nguồn: baomoi.com