Giám đốc điều hành Sony – Kenichiro Yoshida đãcông bố kế hoạch kinh doanh của công ty trong 3 năm tiếp theo và về tổng thể: Sony sẽ tập trung kiếm tiền từ mảng game và giải trí. Sự chuyển dịch này vẫn đang diễn ra, thậm chí là từ khá lâu trước đây ngay cả khi Sony không còn bán được nhiều sản phẩm phần cứng như TV, máy ảnh, điện thoại hay máy chơi game PlayStation nữa. Ông cũng không nhắc đến kế hoạch phát triển mảng di động!
Đây là một sự thay đổi mang tính kiến tạo đối với một công ty được xây dựng nên từ năng lực sản xuất. Sony chính là hãng tiên phong giúp những chiếc đài radio trở nên phổ biến, mang đến cho thế giới khái niệm nghe nhạc di động đầu tiên với chiếc Walkman và những chiếc TV của Sony luôn được đánh giá rất cao trong suốt nhiều thập niên. Với sự nổi lên của các nhà sản xuất Trung Quốc, việc sản xuất và bán sản phẩm công nghệ đã trở thành một mảng kinh doanh với biên độ lợi nhuận rất mỏng đối với Sony. Các nhà đầu tư cũng đã rất hoan nghênh sự chuyển dịch của Sony dưới thời CEO Kazuo Hirai (ông nắm giữ vị trí này từ năm 2012 đến tháng 2 năm 2018) với tỉ giá cổ phiếu tăng gấp 5 lần trong bối cảnh công ty đang xoay vòng vốn.
Cựu CEO Sony – Kazuo Hirai (trái) và Kenichiro Yoshida.
Theo David Dai – nhà phân tích thị trường tại Sanford C. Bernstein & Co. Hong Kong: “Yoshida rõ ràng đang gởi đi một tín hiệu cho thấy doanh thu định kỳ từ hoạt động kinh doanh nội dung, phần mềm, dịch vụ và mảng thuê bao các dịch vụ như game rất quan trọng. Đây là những sẽ thúc đẩy tăng trưởng và duy trì tăng trưởng đối với Sony.”
Thế nhưng câu hỏi lớn được đặt ra là liệu Yoshida – người từng nắm giữ vị trí giám đốc tài chính của Sony trước khi được thăng chức, có thể đưa ra một ví dụ rõ ràng và thuyết phục đối với các nhà đầu tư về sự tăng trưởng của các loại hình nội dung số, doanh thu từ hoạt động thuê bao dịch vụ và nhượng quyền sử dụng tài sản trí tuệ. Như đã biết, dòng máy chơi game PlayStation 4 sắp chấm dứt vòng đời trong khi mảng phim ảnh của Sony (Sony Pictures) tại Hollywood vẫn thất bại trong việc cho ra lò những bộ phim bom tấn. Nếu đã theo bước đường phát triển này thì liệu Yoshida có dám mạnh tay chi tiền để mua thêm các nội dung hay sáp nhập các xưởng phim, nhạc vào một đơn vị kinh doanh giải trí duy nhất và PlayStation 5 liệu sẽ thành công?
Theo Bloomberg, Sony cũng cần phải xem xét lại mảng bán dẫn. Công ty vẫn đang cung cấp các loại cảm biến cho điện thoại di động như iPhone nhưng lợi nhuận hoạt động từ mảng này đã giảm 39% trong năm tài chính hiện tại, một phần là do chính sách thanh toán một lần, một phần là do sự sụt giảm về nhu cầu đối với smartphone trên toàn cầu.
Nhà phân tích Ryosuke Katsura tại SMBC Nikko Securities Inc. nói rằng: “Sony đang muốn chứng minh công ty có thể phát triển với viễn cảnh thay đổi mô hình lợi nhuận từ phần cứng sang nội dung. Yếu tố cốt lõi ở đây là liệu Sony có thể cung cấp cho các nhà đầu tư một lịch trình phát triển cụ thể hay không.”
Lợi nhuận từ mảng game của Sony vẫn tăng mặc dù doanh số bán ra của PS4 đã giảm 20% nhờ nguồn tiền từ các dịch vụ trực tuyến của PlayStation. Doanh thu từ người dùng thuê bao nhảy vọt 64% trong vòng 2 năm trở lại đây, đạt 34,2 triệu USD. Mặc dù vậy, Sony sẽ gặp không ít khó khăn khi chuyển đổi định hướng kinh doanh sang nội dung trực tuyến. Điển hình như PlayStation Vue – dịch vụ truyền hình số của Sony, vẫn lỗ nặng. Ngay trong tháng này, PS Vue đã mất quyền truy cập vào các nhà đài như ABC, CBS, Fox và NBC. Trước đó vào năm 2016, PS Vue không đạt được thỏa thuận với Viacom Inc khiến khách hàng thuê bao không được xem những kênh giải trí lớn như Comedy Central hay MTV.
Ngoài mảng game và bán dẫn – 2 mảng mang lại hơn một nửa lợi nhuận cho Sony năm ngoái thì Yoshida khả năng sẽ thảo luận với các nhà đầu tư về tầm quan trọng của hoạt động cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ và sáng chế. Hôm thứ 2 vừa qua, Sony đã chi 185 triệu USD để mua 39% cổ phần của Peanuts Holdings – hãng sở hữu thương hiệu chú chó Snoopy nổi tiếng.
Sự chuyển dịch mô hình kinh doanh của Sony đúng như những gì mà cực CEO Nobuyuki Idei dự đoán từ thời công ty còn tập trung vào sản xuất phần cứng rằng năm 1999 – thời đại Internet bắt đầu và “mảng kinh doanh phần cứng sẽ bé lại như hạt đậu.”