Luật sư của Bệnh viện tỉnh Hòa Bình cho rằng ông Dương là người đứng đầu bệnh viện để xảy ra sự cố chạy thận, nhưng VKS không nhắc đến vai trò, không kiến nghị xử lý ông này.
Hôm nay (28/5), phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo liên quan vụ chạy thận nhân tạo làm 9 bệnh nhân tử vong, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày thứ 10. Luật sư Nguyễn Danh Huế (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) bắt đầu phần bào chữa tại phiên tòa.
‘Vụ việc cũng có lỗi rất lớn của ông Trương Quý Dương’
Theo luật sư Huế, căn cứ hồ sơ vụ án và nội dung xét hỏi tại tòa cho thấy bệnh viện ký hợp đồng số 315 với Công ty Thiên Sơn để sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Sau đó, phía Thiên Sơn đã “bán” hợp đồng cho Công ty Trâm Anh về lắp đặt, thay thế linh kiện hệ thống này. Trước đó, Công ty Thiên Sơn không hề đưa đối tác Trâm Anh vào danh sách nhà thầu phụ.
Về cơ bản, 2 hợp đồng này giống nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, hành vi của Công ty Thiên Sơn đã bán trái phép hợp đồng cho Trâm Anh để ăn tiền chênh lệch. Bệnh viện không biết việc “bán thầu” này. Do đó, theo quy định, Thiên Sơn đã vi phạm pháp luật dân sự, vi phạm Luật Đấu thầu.
Nhóm luật sư bào chữa tại tòa. Ảnh: Hoàng Lam. |
Luật sư khẳng định, hành vi của Công ty Thiên Sơn là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố y khoa nghiêm trọng. “Chúng tôi đề nghị HĐXX buộc Thiên Sơn có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân”, ông Huế nói và kiến nghị cơ quan chức năng khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) để làm căn cứ răn đe sau vụ việc xảy ra.
Theo luật sư, vụ việc cũng có lỗi rất lớn của ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện). Người bào chữa lý giải, ông Dương là công chức duy nhất tại bệnh viện, được Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm.
Tuy nhiên, các Phó giám đốc và cán bộ dưới quyền đều chỉ là viên chức. Do đó, ông Dương phải chịu trách nhiệm cá nhân với tư cách là người đứng đầu một đơn vị sự nghiệp. Vị luật sư quả quyết, để xảy ra sự cố, ông Dương hoàn toàn phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu theo Luật Công chức.
“Tại sao với hành lang pháp lý rõ ràng như thế này mà VKS lại không đề cập đến vai trò của người đứng đầu, không kiến nghị xử lý trách nhiệm của ông Dương”, luật sư Huế đặt câu hỏi.
‘Chúng tôi tin bác sĩ Lương vô tội’
Tiếp tục bào chữa, luật sư Huế công bố thông tin cho thấy, bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình với mức giá gấp đôi những nơi khác, thậm chí gấp đôi giá ở Bệnh viện Bạch Mai.
“Tại sao Hòa Bình là tỉnh nghèo mà bắt bệnh nhân chịu mức giá cao như thế? Trong khi ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ thu từ 3-4 USD/ca chạy thận”, vị luật sư thắc mắc.
Hoàng Công Lương tại phiên tòa ngày 28/5. Ảnh: Hoàng Lam. |
Ngoài ra, ông Huế cũng nói rằng trong các báo cáo của bệnh viện đều ghi lỗ ở dịch vụ chạy thận. Luật sư cho rằng, trong vụ việc, lợi ích của bệnh viện không có, bệnh nhân phải trả tiền cao trong khi Công ty Thiên Sơn thu tiền. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện.
Luật sư Huế nhận định ông Dương đã làm trái quy định trong công tác chọn nhà thầu, không đôn đốc kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ của nhà thầu. “Căn cứ hành vi của ông Dương, chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét buộc ông Dương phải bồi thường thay cho bệnh viện nếu cơ sở này có lỗi trong vụ án”, ông Huế nêu kiến nghị.
Trước khi kết thúc phần bào chữa kéo dài gần nửa giờ, luật sư của bệnh viện nơi xảy ra sự cố chia sẻ, từ khi xảy ra vụ án cho đến khi diễn ra phiên tòa, vụ án được người dân cả nước, ngành y tế và cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất quan tâm. Ngoài ra, bệnh viện cũng luôn sát cánh cùng bác sĩ Hoàng Công Lương.
Nhiều người dân tỉnh Hòa Bình đều đặn đến tòa theo dõi phiên xử. Ảnh: Hoàng Lam. |
Căn cứ diễn biến phiên tòa, vị luật sư cho rằng các căn cứ VKS cáo buộc bị cáo Lương còn khiên cưỡng, vi phạm luật tố tụng. Do đó, ông tỏ mong muốn HĐXX xét xử công minh, không gây oan sai, không bỏ lọt tội phạm
“Chúng tôi tin tưởng bác sĩ Lương vô tội”, luật sư Huế khẳng định. Sau câu nói của người bào chữa, cả hội trường phòng xử án đồng loạt vỗ tay.
Trước đó, trình bày trước tòa, ông Đỗ Đình Vận (Phó giám đốc bệnh viện) chia sẻ sau sự cố, đơn vị này nhận thấy còn nhiều yếu kém về quản lý, tổ chức và chuyên môn. “Chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa. Chúng tôi vẫn thường xuyên yêu cầu cán bộ rèn luyện thêm về chuyên môn và giao tiếp, tìm hiểu thêm về pháp luật sau khi sự cố xảy ra”, ông Vận cho biết.
Phó giám đốc bệnh viện cũng bày tỏ, qua phiên tòa, cơ sở y tế này kiến nghị các cơ quan liên quan hỗ trợ để bệnh viện có những đề xuất với các cấp hoàn thiện quy trình, quy định pháp lý về mọi mặt để đội ngũ cán bộ y bác sĩ hoàn thiện nhân cách, kỹ năng, chuyên môn nhằm giảm bớt áp lực khi làm việc.
“Chúng tôi mong tòa xét xử công minh, nhân văn, đúng người đúng tội”, ông Đỗ Đình Vận nói.
Luật sư ‘tố’ Bộ Y tế sửa câu hỏi của cơ quan điều tra
Sáng cùng ngày, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho Hoàng Công Lương) đề cập đến công văn phúc đáp của Bộ Y tế gửi Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Hòa Bình, trả lời 6 câu hỏi liên quan sự cố chạy thận.
Trong số đó, CQĐT đề nghị Bộ Y tế trả lời về quy trình sau khi sửa chữa xong hệ thống lọc nước chạy thận RO, bệnh viện có cần phải xét nghiệm mẫu nước trước khi sử dụng cho máy lọc thận nhân tạo hay không? Theo luật sư, trong văn bản phản hồi công an, Bộ Y tế đã thêm thuật ngữ “AAMI” (tiêu chuẩn sinh hóa về nước chạy máy lọc thận) vào câu hỏi gốc của CQĐT rồi mới gửi kèm nội dung giải đáp.
Nữ luật sư nhận định nội dung thừa có thể do “lỗi đánh máy”. Tuy nhiên, AAMI lại khiến cơ quan tố tụng sử dụng thuật ngữ tiêu chuẩn này làm căn cứ buộc tội các bị cáo thiếu trách nhiệm và vô ý làm chết 9 bệnh nhân.
Hôm 22/5, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) trả lời tại tòa, cho rằng tiêu chuẩn dành cho hệ thống nước RO phục vụ chạy lọc thận phải đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ và của nhà sản xuất thiết bị. Ngoài ra, Phó giám đốc bệnh viện Đỗ Đình Vận và bác sĩ khoa Hồi sức Hoàng Công Tình đều nói không cần thiết phải xét nghiệm AAMI vì quá trình này mất hơn chục ngày. Sau khi sửa xong máy, chỉ cần dùng que thử để xét nghiệm mức tồn dư hóa chất tại chỗ.
Cáo trạng nêu, ngày 28/5/2017, Bùi Mạnh Quốc được thuê sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng để chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng để tồn tại axit trong hệ thống. Bị cáo Trần Văn Sơn không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.
Ngày 29/5/2017, bị cáo Hoàng Công Lương – bác sĩ được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo – đã không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên, đồng thời ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 8 người trong số này đã tử vong do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.
VKSND TP Hòa Bình đề nghị HĐXX tuyên Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù treo tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Trần Văn Sơn 4-5 năm tù. Riêng Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị mức án 5-6 năm tù tội Vô ý làm chết người.
Hoàng Lam
Nguồn: News.zing.vn