Cái tên Trần Quý Thanh không còn lạ lẫm trong ngành đồ uống, nước giải khát nhưng lại khiến giới BĐS tò mò khi mới đây ông tuyên bố trước truyền thông sẽ “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và nhấn mạnh đây là ngành quan trọng trong chiến lược kinh doanh của công ty thời gian tới.
Có quỹ đất đang chuyển đổi
Trước khi có ý định “lấn sân” sang BĐS, dường như ông chủ nước giải khát Trần Qúy Thanh đang thực hiện những “bước đệm” ban đầu. Mới đây nhất, ông Thanh trở thành thành viên trong ban chấp hành câu lạc bộ BĐS Tp.HCM với ý định sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để cùng hỗ trơ các thành viên trong câu lạc bộ khi họ thiếu vốn cho các dự án BĐS.
Trước khi công bố sẽ chính thức lấn sân sang BĐS, ông Trần Qúy Thanh được biết đến là ông chủ tập đoàn nước giải khát lớn tại Việt Nam, có doanh thu không kém cạnh gì Pepsi Việt Nam.
Sở hữu 4 nhà máy tại Bình Dương, Hà Nam, Quảng Nam, Hậu Giang, xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất Việt Nam, chiếm 23% thị trường. Chỉ tính riêng ngành trà đóng chai, doanh nghiệp này đang nắm hơn 50% thị phần. Trong đó, 2 thương hiệu Trà thanh nhiệt Dr Thanh và Trà xanh không độ được ưa chuộng tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang 16 quốc gia trên thế giới.
Mới đây, ông Thanh khiến giới địa ốc tò mò khi tuyên bố sẽ lấn sân sang BĐS trong thời gian tới. Ông úp mở chuyện có quỹ đất lớn đang trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng. Mặc dù không tiết lộ cụ thể quy mô quỹ đất hiện có nhưng theo như lời ông Thanh thì chỉ nói riêng 4 nhà máy đã có khoảng 160ha, cái trong khu công nghiệp, cái ngoài khu công nghiệp. “Tân Hiệp Phát tiếp tục tìm kiếm và khai thác để đất luôn biến thành sản phẩm”, ông Thanh khẳng định.
Ông Thanh gia nhập vào câu lạc bộ BĐS Tp.HCM
Đại gia nước giải khát tiết lộ, thời gian tới sẽ chọn Tp.HCM và Bình Dương là 2 nơi để phát triển các dòng sản phẩm BĐS. Đặc biệt, Tân Hiệp Phát không hạn chế phân khúc sản phẩm và vai trò doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà tất cả là theo nhu cầu và cơ hội của thị trường.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Chủ tịch Tân Hiệp Phát có lẽ khá tự tin với lĩnh vực mà doanh nghiệp chuẩn bị “dấn thân”. Ông khẳng định, nguồn vốn và quỹ đất là 2 lợi thế lớn nhất hiện nay mà Tân Hiệp Phát đang nắm giữ. Còn kinh nghiệm và kiến thức ở lĩnh vực BĐS theo ông Thanh là bản thân đang tích lũy dần, thời cơ chín muồi sẽ “nhảy” sang.
Liệu cuộc lấn sân có thành công?
Dường như chưa có gì rõ ràng trong câu chuyện “lấn sân” sang BĐS của Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Thế nhưng, ai cũng ngầm hiểu rằng: Bên cạnh ngành chủ lực là nước giải khát thì ông Thanh đang có ý định “nhảy vào” lĩnh vực bất động sản – một ngành mà như cách nói của ông là khá hấp dẫn và đóng góp rất nhiều vào GDP.
Thế nhưng, ông chỉ xem BĐS là ngành quan trọng bên cạnh ngành chủ lực là nước giải khát. Nhưng, trong câu chuyện ông dẫn dắt, chúng tôi thấy được tham vọng không hề nhỏ của ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Ở khía cạnh khác, liệu có phải thị trường nước giải khát đang bão hòa, Tân Hiệp Phát muốn có một cú nhảy “mạnh” để mang lại lợi nhuận đột phá cho Tân Hiệp Phát trước bối cảnh ngành chủ lực đang gặp khó khăn?
Giãi bày về những khó khăn khi tiếp cận với lĩnh vực BĐS, ông Thanh khá tự tin: Ngành nào cũng có những rủi ro, thậm chí BĐS là ngành ít rủi ro hơn những ngành khác, miễn sao DN biết cách quản trị rủi ro.
Thực ra, đây không phải là cú lấn sân “mới tinh” của Tân Hiệp Phát. Được biết ở lĩnh vực BĐS, trước đó khoảng 8-9 năm, Tân Hiệp Phát đã “manh nha” một dự án cho người thu nhập thấp tại Bình Dương với quy mô khoảng 12ha, ngoài nhà máy. Nhưng, đơn vị này không công bố dưới bất kỳ hình thức nào.
Phải chăng đây là điểm ông chủ Tân Hiệp Phát mới chú trọng làm bất động sản. Vì thế, ông Thanh mới có những “phát ngôn dè chừng” trước truyền thông cũng như tích cực tham gia các hoạt động BĐS của các tổ chức, câu lạc bộ liên quan.
Dù là khá hay đối với một doanh nghiệp muốn đa dạng ngành nghề trong tương lai nhưng bước “dặm” này của Tân Hiệp Phát cũng khiến thị trường BĐS tỏ ra tò mò và đặt câu hỏi: “Liệu tay chơi mới Tân Hiệp Phát có thành công với cuộc chơi BĐS?” trước bối cảnh thị trường nhiều thế lực, cạnh tranh và rủi ro rình rập, đặc biệt đối với người chưa dày kinh nghiệm BĐS như ông Trần Quý Thanh quả là không hề dễ dàng!.
Theo Trí thức trẻ