Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, nhưng không sử dụng tên “trạm thu giá”.
Ngày 2-6, Thủ tướng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2018 – Ảnh: Quang Hiếu
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UNBD các tỉnh quyết liệt vào việc, sâu sát thực tế, nói đi đôi với làm, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực.
Nhấn mạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 không quá 4%, Thủ tướng định hướng điều hành đối với một số mặt hàng cụ thể.
Thủ tướng nhấn mạnh không tăng giá điện trong năm 2018; cân nhắc kỹ thời điểm, mức độ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục. Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp; sử dụng tổng thể các công cụ để kiểm soát lạm phát. “Đây là cuộc thử thách của chúng ta trong năm nay, là bài toán, dấu hỏi lớn cùng với bài toán tăng trưởng”- Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu đổi tên trạm thu giá
Trong lĩnh vực vận tải, cần tiếp tục rà soát các dự án, hoàn tất đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng để điều chỉnh giảm phí BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm phí hơn giảm thời gian hoàn vốn.
Về vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là tên gọi trạm BOT, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết phí giao thông BOT cũng tương tự như học phí và viện phí . Trong đó, viện phí dù đã được điều chỉnh để tiếp cận giá trị trường nhưng vẫn có tên gọi như vậy nên không việc gì phải đổi tên để tạo tâm lý không tốt trong người dân. Quan điểm của Bộ Công an cũng là nên giữ tên gọi là “trạm thu phí BOT”.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, nhưng không sử dụng tên trạm thu giá “.
Người lao động