Liên tiếp những ngày qua, các cơn mưa đổ xuống dù lượng nước không nhiều nhưng cũng đã khiến không ít tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh chìm trong biển nước, mặc dù trước đó TP Hồ Chí Minh đã chi hàng trăm ngàn tỷ đồng cho công tác chống ngập.
Hễ mưa là… ngập
Vừa bước vào tháng 6, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu liên tiếp xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài. Với người dân thành phố, mỗi lần mưa lớn là bị… ám ảnh bởi đường ngập. Mới đây nhất, cơn mưa lớn kéo dài từ 20 giờ ngày 1/6 đến gần sáng ngày 2/6 đã gây ngập nặng ở nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.
Cơn mưa tối 1/6 đã khiến nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh bị ngập, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. |
Trận mưa lớn này đã khiến các tuyến đường ở các quận Bình Thạnh, quận 3, quận 10, quận 9, quận Thủ Đức, quận 1… chìm sâu trong nước. Theo đó, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn gần với đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) nước ngập cao khiến nhiều người không thể di chuyển qua đoạn này. Các tuyến đường khác như Nơ Trang Long, Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), Lê Văn Sĩ (quận 3), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình)… cũng rơi vào tình cảnh ngập nước tương tự. Nhiều khu vực nước ngập sâu tràn cả vào nhà khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Bà Ngô Mỹ Kha, nhà trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), cho biết: “Ngập do triều cường dâng cao là do quy luật tự nhiên, tuy nhiên hễ mưa không biết to hay nhỏ thì nhà nào ở đây cũng phải bì bõm lội nước. Mưa nhỏ thì sẽ phải tát nước vài giờ, còn mưa nặng hạt thì cứ xác định cả nhà thức trắng đêm mà tát nước. Không biết khi nào người dân ở khu vực này mới thoát khỏi cảnh bì bõm, tát nước này”.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xuất hiện 22 trận mưa với lưu lượng cao nhất 119 mm (ngày 19/5). Trong đó, 4 trận mưa gây ngập từ 1 đến 32 tuyến đường. Theo đó, trận mưa chiều tối 19/5 trên địa bàn thành phố đã xảy ra ngập tại 32 tuyến đường, trong đó có 10 tuyến đường ngập sâu từ 0,10-0,25m, diện tích ngập từ 640- 3.500m2, thời gian rút nước trung bình từ 30 phút đến 3 giờ ở các tuyến đường Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Phan Huy ích, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Quốc Hương (quận 2)… Đặc biệt, các tuyến đường như Huỳnh Tấn Phát (quận 7), An Dương Vương (quận 6)… thời gian nước rút khoảng 5 giờ sau khi kết thúc mưa. Được biết, 32 tuyến đường này là những tuyến đường nằm trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo theo chương trình chống ngập của thành phố.
Ngoài ra, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn có 22 tuyến đường khác bị ngập nước nhưng nước rút hết sau khi hết mưa từ 10 phút đến 20 phút, như: Mai Thị Lựu, Tô Hiến Thành, Trường Sơn, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng, Cao Văn Lầu, Lê Quang Sung, Phan Văn Hớn…
Kết hợp nhiều giải pháp
Theo thống kê, những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để nạo vét, cải tạo, nâng cấp gần 2.600 km cống thoát nước, 60 km kênh rạch, củng cố đê bao, bờ bao, xây dựng cống kiểm soát ngăn triều, triển khai xây dựng một số nhà máy xử lý nước thải, hồ điều hòa… đã góp phần giảm 64 điểm úng ngập (từ 96 điểm nay còn 32 điểm ngập).
Dù lượng mưa không nhiều nhưng do hệ thống cống thoát nước xuống cấp và bị rác ngăn nước nên các tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh vẫn bị ngập. |
Theo Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân ngập nước trong thời gian qua là do địa hình TP Hồ Chí Minh tương đối thấp, cộng với triều cường ngày càng cao, hệ thống cống thoát nước được xây dựng đã lâu nên xuống cấp và thường xuyên xuất hiện tình trạng hư hỏng như: lún, sụp… làm hạn chế khả năng thoát nước… Ngoài ra, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo các hệ thống cống thoát nước nhưng tình trạng người dân thiếu ý thức vẫn xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu, hầm ga, kênh rạch) còn phổ biến gây nghẹt, tắc cống khi mưa xuống. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các dự án thoát nước triển khai còn chậm, đặc biệt là công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện…
Để kéo giảm các điểm ngập trên khi TP Hồ Chí Minh đang bước vào mùa mưa, Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị các quận, huyện cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để các chủ đầu tư thi công dự án chống ngập như: rạch Bàu Trâu (quận 6, Tân Phú) giải quyết ngập đường An Dương Vương, Phan Anh; dự án bờ tả sông Sài Gòn (quận 2, Thủ Đức) giải quyết ngập đường Quốc Hương, Thảo Điền, Nguyễn Văn Hưởng; dự án xây dựng hệ thống thoát nước Nguyễn Xí – Ung Văn Khiêm – Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh)… Trước mắt, đơn vị sẽ tận dụng và đưa vào vận hành hạng mục cống trước nhằm phát huy hiệu quả thoát nước khi mưa xuống.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, việc chống ngập của TP Hồ Chí Minh cần phải có thời gian, cần kết hợp nhiều giải pháp và phải đồng bộ. Trước mắt, Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh cần có báo cáo tổng hợp thông tin một cách khái quát đầy đủ, thể hiện làm sao để người dân thấy được bức tranh toàn diện về ngập và công tác chống ngập của thành phố. Nội dung báo cáo đánh giá phải khoa học và đầy đủ, trong đó phải nói sao cho người dân hiểu chứ không chỉ dùng những từ chuyên môn như “tụ nước” như vừa qua để gây bức xúc trong xã hội.
“Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh cũng cần cung cấp thông tin đầy đủ để báo chí thông tin cho người dân biết. Nội dung thông tin phải chính xác và minh bạch để người dân giám sát và hiến kế cùng thành phố xử lý các điểm ngập. Trong đó, bám sát giải thích nguyên nhân thực tế gây ngập, không né tránh nói từ chuyên môn, thuật ngữ khó hiểu, nếu khu vực nào ngập gây ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân thì cần huy động nhiều đơn vị cùng tham gia xử lý triệt để”, ông Tuyến cho biết thêm.
H.Tuyết – M.Linh/Báo Tin tức