Tại tòa, nguyên giám đốc bệnh bị tố đã thiếu trách nhiệm, thông thầu trong việc ký hợp đồng sửa chữa dẫn đến cái chết của 9 bệnh nhân. Phó giám đốc bệnh viện cũng được cho rằng đã chỉ đạo ghi thêm biên bản để đổ lỗi, thí tốt.
Như tin đã đưa, TAND TP Hòa Bình vừa quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khiến 9 người chết khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).
Phó giám đốc đổ lỗi, “thí tốt”?
Tòa án cũng kiến nghị khởi tố ông Hoàng Đình Khiếu – Trưởng khoa Hồi sức tích cực kiêm Phó GĐ BV và ông Trần Văn Thắng – nguyên Trưởng phòng vật tư về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Những diễn biến trước đó cho thấy, từ năm 2010, Cty Thiên Sơn đã đặt máy chạy thận tại BV Hòa Bình để hợp tác “kinh doanh” chạy thận. Ngày 20/4/2017, bị cáo Trần Văn Sơn – cán bộ Phòng vật tư lập viên bản cho ông Trần Văn Thắng và bị cáo Hoàng Công Lương – bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo ký xác nhận hệ thống lọc nước RO số 2 bị hư hỏng, cần tẩy rửa, sửa chữa.
Bị cáo Lương ký thừa lệnh Trưởng khoa Hồi sức tích cực là ông Hoàng Đình Khiếu. Ông Khiếu cũng là người duyệt phiếu đề nghị sửa chữa hệ thống RO2. Trên cơ sở đó, ông Trương Quý Dương – nguyên GĐ BV Hòa Bình ký hợp đồng trị giá gần 100 triệu với Cty Thiên Sơn thực hiện sửa chữa RO2.
Tuy nhiên, Cty Thiên Sơn “bán lại” hợp đồng này cho Cty Trâm Anh với chênh lệch gần 30 triệu đồng. Ngày 28/5/2017, bị cáo Bùi Mạnh Quốc – GĐ Cty Trâm Anh đã làm axit lẫn vào nước chạy thận khi sửa chữa hệ thống RO2. Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương không xác minh thông tin đã sửa chữa xong và ra lệnh chạy thận khiến 9 người chết.
Sau sự việc, công an đã thu giữ 1 quyển sổ giao ban có nội dung bị cáo Hoàng Công Lương được ông Khiếu phân công phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Công – Điều dưỡng trưởng và là người ghi sổ giao ban đã thừa nhận tại tòa nội dung này được ghi thêm sau sự cố.
Ông Hoàng Công Tình – Phó khoa Hồi sức tích cực và là chú ruột bị cáo Lương cũng cung cấp cho tòa 1 băng ghi âm cuộc nói chuyện của ông với ông Công. Về nguồn gốc, ông Tình nói: “Ngày 5/7/2017, tôi vào trại đón Lương về tại ngoại. Trên đường về, Lương dù mệt nhưng hỏi tôi nguồn gốc của bản phân công nhiệm vụ trong sổ họp khoa mà Lương được điều tra viên cho xem qua màn hình điện thoại”.
“Vì vậy, về nhà tôi điện thoại hỏi em Đinh Tiến Công và Công thừa nhận cái đấy được bổ sung sau sự cố. Tôi lưu lại cuộc điện thoại đó, mở cho Lương nghe lại để biết nguồn gốc sự phân công trong sổ giao ban đó” – ông Tình tiếp lời.
Các bị cáo tại tòa.
Theo ông Tình, bị cáo Lương chỉ được phân công “bằng miệng” nên sau sự cố, ông Hoàng Đình Khiếu đã yêu cầu ghi thêm việc bị cáo Lương được giao phụ trách đơn nguyên thận vào biên bản họp các năm 2015 và 2016.
Ông Khiếu phủ nhận các lời khai trên nhưng theo các luật sư của bị cáo Hoàng Công Lương, hành vi yêu cầu ghi thêm của ông Hoàng Đình Khiếu có dấu hiệu của việc đổ lỗi, “thí tốt” và ông Khiếu đang mâu thuẫn quyền lợi với bị cáo Lương.
Giám đốc thiếu trách nhiệm
Song song việc trả hồ sơ, tòa án cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Trương Quý Dương – nguyên GĐ BV Hòa Bình và ông Đỗ Anh Tuấn – GĐ Cty Thiên Sơn trong việc ký hợp đồng liên doanh mua bán, sửa chữa, bảo dưỡng vật tư y tế.
Theo ghi nhận tại tòa, bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai khi khảo sát hệ thống RO2 đã đề nghị thay cả 4 màng lọc và như vậy sẽ không phải dùng axi tẩy rửa tức không có ai phải chết.
Tuy nhiên, phía Cty Thiên Sơn và ông Trương Quý Dương chỉ cho phép thay 2 màng nên Quốc phải dùng axit để tẩy rửa 2 màng còn lại. Nếu thay tất cả, giá chỉ tăng từ 10 – 12 triệu đồng.
Ông Trương Quý Dương bị cách chức sau sự cố.
Luật sư Lê Văn Thiệp đặt câu hỏi với đại diện của Cty Thiên Sơn về việc tại sao khi trúng thầu lại ký hợp đồng với Trâm Anh, “ngồi giữa ăn tiền”? Liệu việc này có vi phạm luật đấu thầu? Vị luật sư khẳng định trong vụ án, phòng vật tư, GĐ bệnh viện và Cty Thiên Sơn đã không làm hết trách nhiệm, thông thầu, chọn nhà thầu kém chất lượng…
“Không hiểu họ ký thế nào hợp đồng gần 100 triệu. Theo bị cáo Quốc thì họ chỉ cho thay 2 màng, như vậy hôm nào lại thay 2 màng còn lại, mất 200 triệu đồng và 50 triệu đồng lợi nhuận mỗi lần” – ông Thiệp nói. Từ đó, ông Thiệp đề nghị khởi tố vụ án với các ông Trương Quý Dương và Trần Văn Thắng.
Đáng chú ý, chính luật sư Nguyễn Danh Huế bảo vệ cho BV Hòa Bình cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của ông Trương Quý Dương. Theo ông Huế, ông Dương là công chức duy nhất của BV Hòa Bình, được Chủ tịch tỉnh phê duyệt.
“Ông Dương được điều chỉnh bởi luật công chức, theo đó ông Dương phải chịu trách nhiệm cá nhân, chịu trách nhiệm về kết quả công việc được giao… Ông Dương để xảy ra sự việc, phải chịu trách nhiệm người đứng đầu theo luật công chức. Tại sao VKSND không hề đề cập lỗi của người đứng đầu, không có kiến nghị nào để xử lý?” – ông Huế đặt câu hỏi.
Luật sư Nguyễn Danh Huế đề nghị tòa xem xét việc ông Trương Quý Dương đã sai sót trong việc nhận nhà thầu, không kiểm tra, đánh giá… gây hậu quả 9 người chết.
“Căn cứ hành vi của Trương Quý Dương, chúng tôi kính đề nghị HĐXX xem xét ông Dương phải bồi thường thay cho bệnh viện nếu bệnh viện được xác định có lỗi, bị buộc bồi thường vì đây hoàn toàn là lỗi người đứng đầu” – ông Huế nói.
Tiền Phong