Xây dựng hạ tầng giao thông
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn các đơn vị tư vấn nước ngoài là Tập đoàn PricewaterhouseCoopers (PwC) và Tập đoàn Arcadis & Callison RTKL để lập quy hoạchchung xây dựng và quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Vân Đồn theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hiện đại, thông minh và sinh thái. Tỉnh cũng thành lập Tổ công tác chuyên trách của tỉnh để cùng làm với đơn vị tư vấn.
Hiện tại, các đơn vị tư vấn đã hoàn thành khảo sát thực địa, thống nhất tư liệu, số liệu với các đơn vị liên quan. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về Đồ án quy hoạch. Dự kiến, Quảng Ninh sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ngay sau khi Luật đặc khu được thông qua.
Song song với đó, Quảng Ninh đã triển khai một loạt dự án hạ tầng. Trong giai đoạn 2012-2017, tỉnh đã huy động và thu hút trên 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển Vân Đồn.
Một số dự án, công trình giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai như dự án tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng tổng mức đầu tư trên 13.600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý 2/2018; dự án cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương, tổng mức đầu tư 13.988 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào quý 2/2018; dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, tổng mức đầu tư 12.650 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý 3/2018, hoàn thành vào năm 2020; dự án tuyến đường trục chính từ cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, tổng mức đầu tư 1.429 tỷ đồng, dự kiến thông tuyến trong quý 2/2018…
Theo đúng lộ tình, đến hết năm 2018, Quảng Ninh sẽ hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc nối Hải Phòng qua TP Hạ Long và đến Vân Đồn, rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Vân Đồn chỉ còn 2 tiếng thay vì 5 tiếng như hiện nay.
Một loạt các dự án quan trọng cũng được triển khai như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành khai thác cuối năm 2018; Cảng nước sâu Hòn Nét – Con Ong đang được các nhà đầu tư nghiên cứu chuẩn bị đầu tư từ năm 2018; hoàn thành hệ thống cấp điện ra các xã đảo của Vân Đồn; hệ thống cấp nước sạch; các công trình viễn thông,…
Vân Đồn đã sẵn sàng trở thành đặc khu kinh tế. Ảnh: Zing.vn
Siết chặt quản lý đất đai
Quảng Ninh đã có chỉ đạo tỉnh sẽ tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạm dừng giao đất cho các tổ chức, dự án; tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn huyện Vân Đồn, trường hợp đặc biệt phải báo cáo tỉnh xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các dự án lớn và các dự án có dấu hiệu đầu cơ, trục lợi. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Vân Đồn phải quản lý chặt chẽ cán bộ cấp xã, cấp thôn trong thực hiện công tác chứng thực; rà soát lại việc lấn chiếm trái phép, chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất phải xử lý tận gốc nếu thấy vi phạm; rà soát những dự án cũ, nếu có vi phạm phải điều chỉnh ngay và với những dự án để lâu không đầu tư cũng phải kiên quyết thu hồi.
Kết quả, Quảng Ninh đã thu hồi 10 dự án với tổng diện tích đất thu hồi trên 350ha chậm tiến độ, vi phạm pháp, thu hồi chủ trương đầu tư 13 dự án chưa được giao đất.
Ngoài ra, tại Vân Đồn cũng đã triển khai các giải pháp tinh giản bộ máy gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, chuẩn bị nhân sự đồng bộ. Tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị với Trung ương về phương án tổ chức bộ máy; bố trí, sắp xếp, thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động khi thành lập tổ chức bộ máy theo mô hình mới để khi Luật đặc khu được thông qua là có thể triển khai được ngay.