Tô Lan Hương: Thưa LS Trần Hồng Phúc, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án chạy thận cuối cùng đã kết thúc, với quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của HĐXX. Có rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ trong phiên tòa kéo dài 12 ngày vừa qua, nhưng tôi muốn bắt đầu cuộc trò chuyện này với câu chuyện về những giọt nước mắt của chị.
Tôi tin, rất nhiều độc giả theo dõi thông tin về vụ án này, nhiều người dân Hòa Bình đến xem phiên tòa này sẽ nhớ về một nữ luật sư rất cứng rắn, rất bản lĩnh, rất quyết liệt khi tranh tụng, nhưng lại có lúc mềm yếu đến mức không ngăn nổi những giọt nước mắt. Liệu đã có phiên tòa nào khiến chị rơi nước mắt như phiên tòa vừa qua ở Hòa Bình?
LS Trần Hồng Phúc: Tôi xuất phát là sinh viên Đại học sư phạm ngoại ngữ trước khi học văn bằng hai chính quy tại ĐH Luật Hà Nội. Tính đến thời điểm này, tôi hành nghề luật sư được 11 năm, nhưng quả thật, chỉ có hai lần tôi rơi nước mắt khi đang đứng ở vị trí luật sư bào chữa trong phiên toà.
Lần đầu tiên đã khá lâu rồi, tôi biết thân chủ của mình có dấu hiệu bị đánh đập bởi những tù nhân cùng buồng để buộc họ phải khai nhận tội. Lần này là lần thứ hai. Tôi khóc vì những chứng cứ mà tôi đang có trong tay đi ngược lại với tất cả những gì diễn ra ở phiên toà.
Tôi khóc vì cảm thấy rằng đã có những sự thật đang bị đánh tráo. Tôi khóc cả ở hành lang phiên toà, khi những gia đình nạn nhân sau mỗi buổi chiều đều ôm lấy tôi, cảm ơn tôi đã bảo vệ bác sĩ Lương. Tôi khóc khi chiều qua trước giờ tuyên án, mẹ bị cáo Trần Văn Sơn và vợ bị cáo Bùi Mạnh Quốc ùa đến bên tôi và mong muốn chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bị cáo trong vụ án nếu vụ án chưa có hồi kết công bằng cho tất cả. Đây sẽ là một trong những phiên tòa đáng nhớ nhất với cuộc đời luật sư của tôi.
Tô Lan Hương: Vừa là vợ chồng, vừa làm cùng công ty luật, anh chị đã trở thành luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương như thế nào trong một vụ án được không chỉ ngành Y tế mà dư luận cả nước đều quan tâm?
LS Nguyễn Chiến: Tôi nhớ đó là một buổi tối mưa gió tháng 6 đúng 1 năm về trước, cũng là thời điểm có kỳ họp QH đang diễn ra. Hôm đó chị Thư, vợ BS Hoàng Công Lương cùng người thân đã đứng chờ ở trước cổng nhà tôi rất lâu, xin gặp tôi và tha thiết mong tôi nhận lời làm luật sư bào chữa cho chồng mình. Lúc đó BS Lương đã bị bắt tạm giam.
Sau cuộc trò chuyện kéo dài một tiếng với người vợ của bác sĩ Lương, tôi băn khoăn khi xảy ra sự cố, bác sĩ đang thực hiện trách nhiệm chuyên môn chữa bệnh cứu người và tôi nhận lời để bào chữa. Khi đó, vì không kiềm chế được vui mừng, vợ Lương đã lập tức gọi điện về nhà, thông báo cho toàn thể gia đình.
LS Trần Hồng Phúc: Do đang bận chuẩn bị bữa tối cho cả nhà, dù không cùng chồng mình tiếp Thư mà chỉ loáng thoáng nghe câu chuyện, nhưng ngay từ đầu tôi đã thấy rất xót xa. Thư nhỏ bé, rất hiền lành, đeo đôi kính cận dày cộp, tâm sự với chồng tôi rằng hai vợ chồng cô ấy mới có 2 con nhỏ, bé thứ 2 mới có 7 tháng tuổi lúc bác sĩ Lương bị bắt. Cả hai vợ chồng Lương đều là viên chức nhà nước. Tai họa có lẽ đã đến quá bất ngờ với người vợ trẻ.
Tôi không hiểu vì sao, nhưng ngay từ đầu, tôi đã có một sự đồng cảm đặc biệt với hoàn cảnh của gia đình Lương. Có một điều gì đó thôi thúc khiến tôi cảm thấy rằng, vợ chồng chúng tôi cần phải tham gia vụ án này để giúp cho Lương. Nên tôi đã rất vui khi chồng tôi nhận lời bào chữa cho bác sĩ Lương.
Tô Lan Hương: Thưa LS Nguyễn Chiến, tôi được biết anh là một luật sư nổi tiếng từng tham gia bào chữa trong nhiều vụ án kinh tế và hình sự lớn, như vụ Vinalines, Vinashin, hay gần đây nhất, tôi biết anh cũng tham gia bào chữa trong phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng. Tôi đoán định rằng, anh sẽ nhận được một mức thù lao xứng đáng trong những vụ án đó. Vậy thì vì lý do gì mà anh quyết định nhận lời bào chữa miễn phí cho bác sĩ Lương, chỉ sau một buổi tối trò chuyện như thế?
LS Nguyễn Chiến: Khi vợ của bác sĩ Hoàng Công Lương đến nhà đề nghị tôi bào chữa, cô ấy nói rằng, nếu tôi nhận lời, thì sẽ có một nhóm bác sĩ đứng lên vận động đồng nghiệp trong cả nước quyên góp tiền để thuê luật sư cho Lương. Nhưng thực ra thời điểm đó, bác sĩ Lương đã bị bắt tạm giam.
Việc để Lương thiếu luật sư ngày nào trong quá trình hỏi cung sẽ là bất lợi cho Lương thêm ngày đó, trong khi tôi hiểu một điều rằng, việc quyên góp rồi mới ký hợp đồng thuê luật sư cho Lương nếu có thực hiện cũng sẽ mất rất nhiều thời gian và cần có sự đồng cảm của đồng nghiệp ngành y. Gia đình bác sĩ Lương kinh tế eo hẹp, cả hai vợ chồng cũng chỉ sống bằng đồng lương viên chức, nên tôi hiểu việc thuê luật sư là nằm ngoài khả năng của họ. Vì vậy ngay lúc nhận lời, tôi đã xác định tư tưởng rằng Công ty Luật Nguyễn Chiến sẽ bào chữa miễn phí cho bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án này.
Còn nói về lý do tại sao tôi nhận lời tham gia vụ án, đó là vì tôi luôn có tình cảm rất lớn đối với những bác sĩ và những người công tác trong ngành Y. Khi tôi nghe về vụ án, điều đầu tiên tôi nghĩ là: một bác sĩ được đào tạo để chữa bệnh cứu người thì đương nhiên sẽ có một yếu tố quan trọng là ý thức chủ quan của họ không có động cơ giết người.
Đặc biệt, vụ án này lại có tới 8 (sau này là 9 – pv) bệnh nhân tử vong, mà quy trình chạy thận thì rất phức tạp, có sự tham gia của nhiều người và có nhiều yếu tố tác động. Điều này làm tôi nghĩ ngay đến có thể nguyên nhân không phải do lỗi của BS mà là do lỗi thiết bị, nguồn nước.
Với tư cách ĐBQH, phương châm hành động của tôi là “chống oan, giảm sai” để tạo nên giá trị của công cuộc cải cách tư pháp, đóng góp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật thông qua các hoạt động bào chữa của mình. Trong hơn 30 năm hoạt động trong nghề, không dưới 10 vụ án tôi đã minh oan cho thân chủ, và cũng không dưới 10 án tử hình qua việc bào chữa của tôi, mà những thân chủ của tôi đã thoát chết.
Nên nếu Lương có tội, chúng tôi sẽ tìm những bằng chứng để giảm nhẹ tội cho Lương. Nếu Lương bị oan, chúng tôi phải có trách nhiệm chứng minh cậu ấy vô tội.
Sau khi nhận lời xong, ngay đêm hôm đó, tôi tâm sự với bà xã về vụ việc này và đề nghị vợ tôi cùng tham gia trong nhóm luật sư bào chữa. Rất mừng là vợ tôi nhận lời ngay. Chúng tôi cùng đồng quan điểm rằng, BS Lương cần thiết được nhận sự bảo vệ và chúng tôi có trách nhiệm làm việc đó.
LS Trần Hồng Phúc: Tôi muốn bổ sung thêm một điều cho câu trả lời của chồng tôi. Với chúng tôi, nghề luật sư đúng là một nghề mưu sinh, tuy nhiên, chúng tôi luôn nhìn nhận mỗi một vụ án với những góc tiếp cận khác nhau. Vì bối cảnh mỗi vụ án là khác nhau, thân phận con người trong những vụ án đó cũng khác nhau, nên không phải lúc nào tiền thù lao cũng là mục đích duy nhất và quan trọng nhất của người hành nghề luật sư.
Khi làm nghề, chúng tôi luôn luôn nghĩ đến khía cạnh giữ gìn đạo đức xã hội là điều lớn lao hơn, thứ nữa là phải giữ được chuẩn mực pháp lý, đó là 2 điều mấu chốt nhất mà chúng tôi quyết định nhận vụ án của Lương.
Tô Lan Hương: Liệu có là khiếm nhã nếu tôi hỏi về những thiệt hại về kinh tế mà anh chị đã phải chịu khi nhận lời bào chữa miễn phí cho bác sĩ Hoàng Công Lương? Đó không chỉ là thù lao mà anh chị đáng ra sẽ nhận cho một vụ án. Đó còn là công sức, thời gian và tiền bạc để tìm ra được những chứng cứ gây chấn động trong phiên toà. Đó còn là chi phí thiệt hại khi vì vụ án này, anh chị sẽ không thể dành thời gian cho nhiều vụ án khác. Vì tôi biết nhiều bị cáo đã phải trả những khoản tiền không nhỏ nếu muốn được LS Nguyễn Chiến và LS Trần Hồng Phúc bào chữa…
LS Nguyễn Chiến: Trong suốt cả hành trình đi tìm công lý cho BS Lương, chưa một lúc nào chúng tôi tính toán, đong đếm rằng chúng tôi đã tiêu tốn bao nhiêu tiền. Mỗi khi phải chi tiêu cái gì đó chúng tôi chỉ nghĩ đó như là việc của chính mình, mình tự rút ví mình làm, chi vì cảm thấy nó là cần thiết, tuyệt nhiên không có cảm giác tiếc tiền.
Thú thật cho đến lúc chị đặt câu hỏi này, tôi chưa hề có bất cứ suy nghĩ nào về vấn đề so bì thiệt hơn, chỉ đau đáu một ý nghĩ là làm sao, điều mình làm có giúp ích được cho Lương cho đến ngày tòa tuyên Lương vô tội hay không.
LS Trần Hồng Phúc: Tôi thì vẫn cứ nói đùa với ông xã là, nếu như đây là chi phí để tìm công lý cho Lương thì có nghĩa là đồng tiền đấy bỏ ra là cực kỳ xứng đáng.
Luật sư Nguyễn Chiến: Đúng như bà xã tôi nói, nếu đây là chi phí để tìm được công lý, thì chúng tôi luôn sẵn sàng với cái giá mà chúng tôi phải trả. Nhưng nếu như đến cuối cùng BS Lương vẫn bị tuyên là có tội, thì tôi sẽ coi đây là thiệt hại nặng nề. Chúng tôi đã bỏ vào đây rất nhiều công sức, nhiều trí tuệ, chứ không chỉ là vật chất đơn thuần. Chúng tôi đang làm hết sức để giúp cho người dân tin vào cải cách tư pháp của Nhà nước là đúng đắn, ở đó quan trọng hơn cả là giúp bảo vệ pháp luật, nâng cao bảo đảm quyền con người.
Tô Lan Hương: Khi theo dõi phiên tòa này, tôi đã thực sự sửng sốt với những tài liệu, những chứng cứ công phu mà nhóm luật sư của anh chị đã tìm được và biến nó thành bằng chứng có lợi cho bác sĩ Hoàng Công Lương. Từ những bằng chứng trong đó, HĐXX đã phải cho phiên tòa quay lại phần xét hỏi, còn người dân theo dõi vụ án trong hội trường tòa án Tp Hòa Bình liên tục vỗ tay tán thưởng. Họ nán lại mỗi ngày sau phiên toà, chỉ để cảm ơn anh chị về những bằng chứng đó. Bây giờ, khi phiên tòa sơ thẩm đã kết thúc, anh chị có thể giải thích cho tôi bằng cách nào mà anh chị có được những bằng chứng quý giá ấy hay không?
LS Trần Hồng Phúc: Thật ra, rất may mắn cho chúng tôi là chúng tôi đã được gia đình Lương mời tham gia bào chữa ngay từ giai đoạn điều tra, cho nên chúng tôi đã sớm nhận định được tội danh “vi phạm quy định về khám chữa bệnh” theo quy định điều 242 BLHS 99 (tội danh ban đầu mà cơ quan tố tụng áp dụng cho bác sĩ Lương – pv) chắc chắn sẽ được đình chỉ vì nghiên cứu kết luận của hội đồng chuyên môn đánh giá sự cố cũng như kết quả hỏi cung mỗi lần. Chỉ có điều , chúng tôi không nghĩ cơ quan tiến hành tố tụng có thể “chọn” ra tội nào để cáo buộc đối với Lương. Sau này, khi thay đổi sang tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng đã nằm trong dự đoán của chúng tôi.
Thực ra, chúng tôi cũng không cần phải quan tâm nhiều đến kết luận điều tra và cáo trạng nữa bởi đã biết cơ quan điều tra sẽ kết luận những gì và biết được cáo trạng sẽ truy tố ra sao. Khi nhận trên tay bản kết luận điều tra hay Cáo trạng của vụ án thì những điều này chúng tôi dự đoán gần như chính xác tuyệt đối.
LS Nguyễn Chiến: Khi chúng tôi xác minh, thu thập chứng cứ, thì mọi quyết định bổ nhiệm, phân công nhiệm vụ bằng văn bản hoàn toàn không có. Cũng không có tiền lương hay chế độ phụ cấp trách nhiệm nào dành cho Lương, nên hoàn toàn không có chứng cứ nào để chứng minh Lương được giao công vụ đó cả. Vì với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhất định phải có yếu tố chủ thể. Bác sĩ Lương không thể là chủ thể của tội danh này.
Tôi biết đặc thù của ngành Y sẽ có hàng loạt cuộc họp giao ban, phân công chuyên môn trong điều trị, nên chúng tôi cũng nghĩ ngay có thể cơ quan tố tụng sẽ xem xét, căn cứ vào Biên bản họp hay nội dung nào đó tại sổ giao ban để làm căn cứ buộc tội.
Sau khi nghiên cứu về cuốn sổ này, chúng tôi nhận thấy có những bất thường, dấu hiệu khác nhau, đó là nét chữ, màu chữ khác nhau, độ đậm của nét bút cũng khác nhau. Chúng tôi thấy rằng đây là điều bất thường.
Để chứng minh được đó là nội dung ghi thêm, chúng tôi phải nghĩ đến người làm thư ký cuộc họp và cần phải gặp để xác minh. Tuy nhiên, may mắn là ngay sau khi rời cửa trại tạm giam và được tại ngoại, Lương đã thắc mắc rất nhiều về việc các biên bản họp có phần phân công nhiệm vụ cho Lương phụ trách chuyên môn và các hoạt động khác của Đơn nguyên thận nhân tạo, nên bác sĩ Hoàng Công Tình cũng đã băn khoăn quyết định gọi hỏi anh Đinh Tiến Công và thận trọng đã ghi âm cuộc trò chuyện về nội dung được Công xác nhận có người chỉ đạo ghi thêm nội dung phân công trách nhiệm cho bac sĩ Lương để hợp thức hoá sau sự cố.
Thật may cho bác sĩ Lương và cho cả luật sư chúng tôi, là điều dưỡng Công đã rất dũng cảm thừa nhận về nội dung ghi thêm này tại phiên tòa và có lẽ cũng không thể khác bởi đó là sự thật khách quan.
Sau đó như chị biết, bằng chứng đó đã được công bố trước tòa, là một bằng chứng quan trọng khiến phiên tòa phải quay lại phần xét hỏi và sau này cũng là một trong các lý do để Tòa án quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Bằng chứng đó đã chứng minh một điều: rõ ràng đã có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ, cố tình đặt bác sĩ Hoàng Công Lương trở thành người phụ trách Đơn nguyên TNT, trong khi trên thực tế, đó lại là người khác.
Nhưng đó chỉ là một trong nhiều nỗ lực suốt cả năm qua của nhóm luật sư chúng tôi.
Có thể nói, 7000 bút lục của vụ án cũng được chúng tôi đọc kĩ từng chữ, để tìm ra những chi tiết có vấn đề, trong đó có những sai sót về tố tụng, cũng như những lỗi nghiêm trọng như hai công văn nhầm lẫn nghiêm trọng của Bộ Y tế trả lời CQĐT đã được kiểm sát viên chất vấn tại phiên tòa và cho rằng cơ quan điều tra, truy tố cũng có sự “hiểu nhầm” ảnh hướng đến việc xác định trách nhiệm hình sự của các bị cáo nói chung. Sai sót này cũng đã được HĐXX thẩm vấn đại diện Bộ Y tế tại phiên tòa và cũng là một trong các nội dung yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung của cơ quan xét xử.
Chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều chuyên gia về hệ thống RO để đi đến tận cùng sự đúng sai của các yếu tố chuyên môn trong vụ án này.
Vợ chồng tôi đã cùng nhau thức trắng nhiều đêm để trao đổi, phản biện và tìm ra những hướng đi có thể làm dày thêm chứng cứ của mình. Đã tham khảo cả những nguồn tài liệu trong và ngoài nước…
Chúng tôi vẫn đùa với nhau, sau vụ án này, chúng tôi thực sự đã trở thành những chuyên gia về hệ thống lọc nước RO, nên dù HĐXX đã từ chối mời các chuyên gia xuất hiện, chúng tôi vẫn có thể tự tin phản bác lại những nhận định sai lầm liên quan đến yếu tố chuyên môn được dùng buộc tội bác sĩ Lương.
Tô Lan Hương: Tôi vẫn nhớ về buổi chiều mà điều dưỡng Đinh Tiến Công bất ngờ xuất hiện ở tòa và thay đổi lời khai, lần đầu tiên thừa nhận cuốn sổ giao ban – bằng chứng rất quan trọng để buộc tội bác sĩ Hoàng Công Lương – là có chi tiết được tạo dựng sau vụ án, khiến người theo dõi phiên tòa vỡ òa vỗ tay. Nếu anh chị đã có đoạn ghi âm ghi lời thú nhận của điều dưỡng Đinh Tiến Công trong tay, liệu tôi có quyền đặt nghi vấn về việc anh chị đã có những tác động trước phiên toà, khiến điều dưỡng này có hành động thay đổi lời khai bất ngờ như vậy?
LS Trần Hồng Phúc: Chúng tôi chưa từng một lần nào tiếp xúc với điều dưỡng Đinh Tiến Công! Nhưng tôi rất chú ý đến thái độ của điều dưỡng Đinh Tiến Công trong suốt phiên toà.
Trước buổi chiều mà Đinh Tiến Công thay đổi lời khai, nói ra sự thật, tôi có chứng kiến hai vợ chồng Công vừa rơm rớm nước mắt vừa chạy theo xe của BS Hoàng Công Lương, có lẽ là định nói một điều gì đó phân bua cho việc tại sao mình lại làm như thế. Không nhiều người được chứng kiến khoảnh khắc đó! Báo chí cũng không biết chuyện đó! Nhưng đó chắc chắn là thời khắc mà Đinh Tiến Công đã phải trải qua sự đấu tranh nội tâm rất dữ dội.
Cùng làm trong nghề y và là đồng nghiệp sát cánh kề vai trong Đơn nguyên Thận Nhân tạo với BS Lương, cho nên tôi nghĩ rằng, con người ấy đến một lúc nào đó cũng sẽ thức tỉnh lương tâm nên tôi đã luôn chờ đợi thời khắc điều dưỡng viên này nói ra sự thật.
Và như chị thấy, những diễn biến sau đó đã chứng minh trực giác và niềm tin của tôi là đúng.
Tô Lan Hương: Vậy có nghĩa là, không phải vì biết sự tồn tại của đoạn ghi âm bất lợi kia mà điều dưỡng Đinh Tiến Công thay đổi lời khai?
LS Nguyễn Chiến: Những bằng chứng đó chúng tôi chưa từng công bố, cũng không hề tiết lộ cho ai biết trước khi điều dưỡng Đinh Tiến Công thay đổi lời khai trước toà.
Đến khi công bố vi bằng ghi âm cuộc điện thoại giữa BS Hoàng Công Tình và điều dưỡng Đinh Tiến Công, tôi nghĩ rằng có thể Công cũng rất bất ngờ. Việc công bố chỉ để chứng minh cho HĐXX sự thật khác quan bằng việc tối đa nguồn chứng cứ.
Tô Lan Hương: Và đó là bước ngoặt của vụ án, thay đổi cục diện phiên toà, mang lại lợi thế rất lớn cho các luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công lương, phải không thưa Ls Trần Hồng Phúc?
LS Trần Hồng Phúc: Thật ra lời khai này không giúp ích nhiều cho LS ở góc độ bào chữa, vì chúng tôi đã có chứng cứ được chuẩn bị để chọn tung ra vào thời điểm phù hợp.
Tuy nhiên, sự thay đổi lời khai của điều dưỡng Đinh Tiến Công là cơ sở, điều kiện để rút ngắn thời gian HĐXX hỏi truy xét buộc tội bác sĩ Hoàng Công Lương. Sau khi Công thay đổi lời khai, cách hỏi của HĐXX cũng chuyển sang một góc nhìn mới. Và rõ ràng sau lời khai đó, dư luận quan tâm đến vụ án hơn hẳn, vì ai cũng muốn được tiếp cận với chân tướng thật sự của câu chuyện.
Tô Lan Hương: Trong phiên tòa này, việc các bác sĩ – điều dưỡng thay đổi lời khai ở phiên tòa cũng đồng nghĩa với việc họ tạo ra bất lợi cho chính bản thân mình. Điều dưỡng Đinh Tiến Công từng tâm sự với tôi rằng anh ấy rất lo lắng cho an nguy của gia đình mình sau phiên toà. Có lẽ đó là tâm trạng của tất cả các bác sĩ , điều dưỡng đã thay đổi lời khai tại phiên toà. Sức mạnh nào khiến họ làm những việc biết đâu có thể nguy hại cho bản thân mình?
LS Nguyễn Chiến: Đó là sức mạnh của công lý, của tình đồng nghiệp, là đạo đức của những người thầy thuốc và cũng là trách nhiệm của công dân trước pháp luật!
Nên tôi luôn đánh giá cao tình cảm và sự trung thực của các bác sĩ và điều dưỡng ấy dành cho đồng nghiệp của mình, dù có thể việc đó sẽ khiến bản thân họ phải chịu không ít thiệt thòi.
LS Trần Hồng Phúc: Cũng chính vì hành động dũng cảm đó của những nhân viên y tế ở Hòa Bình, chúng tôi coi rằng họ là những người thực sự cần được bảo vệ.
Trong buổi tuyên án ngày mùng 5/6/2018, trong những nội dung trả hồ sơ điều tra bổ sung, việc HĐXX bất ngờ đề nghị xem xét trách nhiệm của các bác sĩ, điều dưỡng đã thay đổi lời khai trong phiên tòa này là điều khiến tôi rất ngỡ ngàng. Tôi cho đó là một quyết định cực kỳ khó hiểu. Nó có thể khiến cho những bác sĩ, điều dưỡng ấy cảm thấy bị “sức ép đe dọa” vô hình và không còn dám tiếp tục đưa ra khẳng định lời khai trong phiên toà sắp tới. Họ không có hành vi gây ra cái chết cho các nạn nhân, đó là điều mấu chốt. Nên tôi không đồng ý điều tra bổ sung nội dung này.
Tô Lan Hương: Thưa Ls Nguyễn Chiến và Ls Trần Hồng Phúc, làm thế nào để một đôi vợ chồng có thể cũng đồng hành trong công việc, cùng sát cánh trong các phiên tòa mà không bất đồng, không mâu thuẫn, khi anh chị đều là những luật sư có cá tính rất quyết liệt?
LS Nguyễn Chiến: Với những vụ án lớn và quan trọng, vợ chồng tôi sẽ song hành cùng nhau.
Điểm đặc biệt của bà xã cùng tham gia một vụ án đó là tính chịu khó khi nghiên cứu, sao chụp hồ sơ, tỉ mỉ, chi tiết từng bút lục, không có ngày nào nghỉ trước 12h đêm. Thậm chí, nhiều hôm bà xã tôi còn làm cả đêm. Tôi rất bận rộn với công việc của ĐBQH nên cảm thấy rất yên tâm khi có sự đồng hành của bà xã trong cùng 1 vụ án, đặc biệt là vụ án quan trọng như này, nên tôi không thấy có gì khó khăn cả.
LS TRần Hồng Phúc: Tôi từng là học trò của anh Chiến và rất nể phục kinh nghiệm của anh ấy. Nếu như tôi tỉ mỉ, chi tiết, thì anh ấy sẽ là người vạch ra chiến lược, định hướng cho việc “phá án, giải oan”, kiếm tìm chứng cứ bào chữa.
Đôi khi chúng tôi cũng có bất đồng, nhưng chúng tôi luôn hướng về suy nghĩ, mục tiêu chung là bào chữa để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích cho khách hàng của mình.
Tô Lan Hương: Thường thì các LS sẽ chỉ ưu tiên bào chữa cho thân chủ của mình, nhưng trong phiên tòa xét xử bác sĩ Lương, Ls Phúc đã dành nhiều thời gian để bào chữa cho cả bị cáo Quốc và bị cáo Sơn. Hôm nay, vợ bị cáo Quốc cũng đã cảm ơn những lời bào chữa của chị. Đó hình như cũng là một khoảnh khắc nhân văn hiếm có của những người làm nghề luật sư…
LS Trần Hồng Phúc: Đúng là mục đích ban đầu là để chứng minh bác sĩ Lương – thân chủ của chúng tôi vô tội. Nhưng khi tiếp cận với vụ án này, chúng tôi nhận thấy rằng, tự nhiên cái mục tiêu bào chữa cho Lương lại trở thành thứ yếu, và có những mục tiêu quan trọng hơn được đặt ra.
Bởi chúng tôi có niềm tin rằng Lương vô tội và chứng cứ bảo vệ Lương cũng rất rõ ràng. Nhưng càng dấn sâu vào vụ án, tôi càng hiểu rằng dù là Hoàng Công Lương, hay Trần Văn Sơn hay Bùi Mạnh Quốc thì cũng đều có thể là nạn nhân của một hệ thống lỏng lẻo với quá nhiều lỗ hổng, mà rất có thể các nhóm lợi ích đã lợi dụng ở BVĐK Hòa Bình. Tôi rất bất bình vì trong vụ án này, dường như họ đã biến thành con tốt thí của những người có quyền lực đâu đó.
Tôi cũng thấy mình không thể không nói về những lỗ hổng quy trình quản lý trang thiết bị y tế, cũng như kiểm soát chất lượng sau sửa chữa, bảo dưỡng của ngành y. Đã có ít nhất 9 nạn nhân phải trả giá cả tính mạng cho những lỗ hổng nghiêm trọng này. Những lỗ hổng khủng khiếp đến mức tôi đã hơn một lần rùng mình vì kinh hoàng khi đọc hồ sơ vụ án.
(PV: để hiểu thêm một phần về những lỗ hổng của y tế, quý độc giả có thể đọc TẠI ĐÂY).
Bộ Y tế có thể sẽ không vui khi chúng tôi đề cập những thông tin này tại phiên toà, nhưng tôi cho rằng Bộ Y tế cần phải có trách nhiệm và cần phải có cả sự dũng cảm để đối mặt thực sự với những vấn đề của mình, vì chúng ta đều không muốn phải có thêm những cái chết thương tâm và oan ức như ở Hòa Bình. Chúng ta cũng không muốn có thêm những bác sĩ phải trở thành bị cáo hay những tù nhân dự bị.
Đó là mục tiêu cao nhất của các luật sư chúng tôi!
Tô Lan Hương: Sau một phiên tòa sơ thẩm kéo dài 12 ngày, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án, điều tra về những vi phạm tố tụng trong vụ án, điều tra làm rõ trách nhiệm của bác sĩ Lương, đồng thời khởi tố và xem xét trách nhiệm của những cá nhân khác. Nhiều luật sư nhận định đây là thành công bước đầu của phiên toà…
Vợ chồng Ls Nguyễn Chiến – Trần Hồng Phúc: Chúng tôi thì không hề thấy lạc quan. Vì nếu như đúng ra, với những chứng cứ mà luật sư chúng tôi đã cung cấp, đã chứng minh trước tòa, được xác nhận từ nhiều nhân chứng và người liên quan, thì không còn căn cứ nào để buộc tội bác sĩ Lương được nữa. Việc xem xét trách nhiệm của những người khác là cần thiết, nhưng việc trả lại công bằng cho người vô tội cũng phải đặt lên hàng đầu.
Điều chúng tôi chờ đợi là bác sĩ Lương được tuyên vô tội ngay tại tòa, và VKS sẽ phải thừa nhận những sai lầm về tố tụng, đồng thời đưa ra lời xin lỗi cho thân chủ của chúng tôi.
Chặng đường phía trước còn rất dài và mệt mỏi, nhưng chúng tôi sẽ đi đến cùng, cho đến khi chứng minh được rằng bác sĩ Lương vô tội. Chúng tôi tin yêu và rất cảm ơn các vào gia đình nạn nhân, người bị hại lúc nào cũng cho rằng bac sĩ Lương vô tội. Tuy nhiên, hành nghề luật, chúng tôi không thể làm việc theo cảm tính, chúng tôi rất tự tin việc bác sĩ Lương vô tội bởi trong quá trình thu thập tài liệu chứng cứ, nhóm luật sư bào chữa chúng tôi vẫn còn cất trữ những chứng cứ đặc biệt quan trọng để đưa ra nếu như vụ án đi theo chiều hướng xấu đối với bác sĩ Lương cũng như với bất kỳ bác sĩ, điều dưỡng viên nào trong đơn nguyên thận nhân tạo bởi vì họ không có hành vi nào gây ra hậu quả tử vong. Chúng tôi tự tin đó là những chứng cứ đủ sức nặng để công lý phải được thực thi!
Cảm ơn Luật sư Nguyễn Chiến và Luật sư Trần Hồng Phúc về cuộc trò chuyện này!
Theo Trí Thức Trẻ06/06/2018