“Smartphone hiện được xem là nền tảng trung tâm về kết nối. Do đó, các công ty thành công trong lĩnh vực này không chỉ làm duy nhất smartphone mà còn làm tất cả các thiết bị IOT, tạo thành hệ sinh thái”, ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Đông Dương nói với Trí Thức Trẻ.
Hai hôm trước, (12/6), Vingroup (VIC) đã chính thức công bố triển khai kế hoạch sản xuất các thiết bị điện tử. Khởi điểm của kế hoạch này là sản xuất điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. Cùng với ô tô VinFast, điện thoại Vsmart mang tham vọng thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam.
Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Thiều Phương Nam, Giám đốc của Qualcomm Đông Dương về vấn đề này.
Ông nhận xét gì về tiềm năng phát triển của thị trường smartphone Việt Nam?
Thị trường điện thoại thông minh Việt Nam chứa đựng tiềm năng phát triển rất lớn với hai lý do.
Thứ nhất, hạ tầng viễn thông tại Việt Nam đã phát triển sâu và rộng. Nhờ vào sự đầu tư lớn của các nhà mạng, hệ thống 4G đã được phủ khắp quốc gia. Trải nghiệm dùng 4G rất khác với 3G trước đây tại động lực khiến cho người dùng chuyển chuyển lên những chiếc smartphone đời mới hơn để có thể sử dụng các tính năng hàng đầu trên 4G. Đây là động lực phát triển đầu tiên.
Thứ hai, ở Việt Nam còn nhiều người chưa sử dụng điện thoại thông minh. Với những chiếc điện thoại kiểu cũ, không ứng dụng được data, chắc chắn sẽ khiến những người này sớm muộn chuyển sang smartphone.
Hai động lực này kết hợp lại khiến cá nhân tôi cho rằng thị trường smartphone Việt Nam có tiềm năng rất lớn và sẽ phát triển hơn nữa.
Vingroup vừa tuyên bố sẽ nhảy vào lĩnh vực sản xuất các thiết bị điện tử, khởi điểm là điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. Đánh giá của ông về việc này như thế nào?
Tôi cũng mới nghe thông báo này. Đây là một tin vui, rất tốt cho ngành sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam, bởi Vingroup là một tập đoàn với tiềm lực rất lớn. Hiện tại, tôi chưa có nhiều thông tin về kế hoạch sản xuất của họ. Do vậy, trong thời gian tới hy vọng Qualcomm sẽ có cơ hội để làm việc cụ thể hơn với Vingroup.
Còn cá nhân tôi thì rất hào hứng với câu chuyện này.
Qualcomm đã làm việc với hầu hết các doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh. Theo ông, có điểm chung nào giữa các doanh nghiệp sản xuất thành công trong lĩnh vực này?
Theo tôi, có mấy điểm như sau. Thứ nhất, doanh nghiệp phải có sự khác biệt khi quyết định tham gia vào lĩnh vực smartphone cũng như có những công nghệ phù hợp với người dùng tại thị trường họ tham gia.
Thứ hai, smartphone hiện được xem là nền tảng trung tâm về kết nối. Do đó, các công ty thành công trong lĩnh vực này không chỉ làm duy nhất smartphone mà còn làm tất cả các thiết bị IOT, tạo thành hệ sinh thái. Ví dụ như giải pháp cho ngôi nhà thông minh – smarthome, tham gia vào lĩnh vực smartcity, ô tô kết nối thông minh…
Nghĩa là smartphone sẽ là nền tảng để phát triển rộng ra cho hệ sinh thái xung quanh. Về mặt công nghệ, smartphone là phức tạp nhất rồi. Làm chủ được công nghệ smartphone có nghĩa là làm chủ mọi thứ.
Như ông phân tích thì Vingroup đang đi đúng hướng?
Đúng vậy!
Qualcomm có kế hoạch gì trong việc tham gia phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao ở Việt nam?
Việt Nam đang được xem là trung tâm thiết kế, sản xuất điện thoại thông minh của thế giới với nhiều công ty quốc tế đầu tư vào đây. Việt Nam cũng đang có môi trường đầu tư thuận lợi, chính sách hỗ trợ công nghiệp, xuất nhập khẩu tốt, lực lượng kỹ sư giỏi nhiều… Có thể nói các điều kiện quan trọng cho sản xuât thiết bị công nghệ cao trong nước đã chín muồi.
Để tiếp tục đẩy mạnh theo hướng này tại Việt Nam, Qualcomm đang và sẽ làm 3 công việc. Thứ nhất, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các nhà sản xuất thiết bị. Thứ hai, Qualcomm đào tạo, huấn luyện, chuyển giao công nghệ.
Hiện chúng tôi đã làm việc với các công ty tại Việt Nam như Viettel, VNPT Technology, BKAV… Qualcom đang và sẽ huấn luyện các kỹ năng Việt Nam thiếu như thiết kế các thiết bị không dây cho 3G, 4G và sắp tới là 5G.
Thứ ba, Qualcomm làm việc với Chính phủ để có lộ trình phát triển hạ tầng công nghệ viễn thông không dây trong những năm tới tại Việt Nam. Hiện chúng ta mới làm xong 4G, do đó, còn rất nhiều việc để tối ưu hoá hạ tầng 4G cũng như phát triển nó, đồng thời, chuẩn bị cho 5G.
Những việc này rất quan trọng vì nó tạo ra hạ tầng, nền tảng để ngành công nghiệp thiết kế sản xuất công nghệ cao ở Việt Nam phát triển được.
Đấy là những công việc chúng tôi đã, đang và sẽ làm.
Cảm ơn ông!
Theo Trí thức trẻ