Mắc sai lầm không có gì xấu, miễn là bạn không mắc đi mắc lại cùng một sai lầm. Hãy nghiên cứu kỹ lưỡng thất bại và biến những điều thu được thành lợi thế để bảo đảm rằng bạn sẽ làm đúng trong lần tới.
“Tôi rất may mắn khi được điều hành nhiều công ty thành công, nhưng cũng phải thừa nhận rằng tôi đã lãnh đạo một vài công ty thất bại”, nhà sáng lập tập đoàn Virgin từng thẳng thắn nói về việc mình thất bại trong kinh doanh. Và Virgin Cola có lẽ là thương vụ thất bại lớn nhất trong cuộc đời kinh doanh của ông.
Vào những năm 1990 để cạnh tranh với những thương hiệu mang tính biểu tượng nhất thế giới, Coca-Cola và Pepsi, tập đoàn Virgin cho ra đời Virgin Cola. Thế nhưng dù đã cố làm rung chuyển thị trường theo đúng phong cách của Virgin, nhưng gần như bó tay.
Những chiến dịch marketing nguy hiểm theo phong cách Virgin thời gian đầu gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng. Đầu tiên là bài thử mù với hương vị Virgin Cola. Bài kiểm nghiệm hương vị không phải là mánh lới quảng cáo xa lạ. Theo tạp chí The Observer năm 1994, 1/3 người tham dự xếp loại thức uống của Virgin trên Coke và tin tưởng đồ uống vì “không quá ngọt”.
Một chiến dịch ấn tượng khác là chính Richard Branson lái xe tăng đâm xuyên qua 3 tấn sản phẩm Cocacola tại quảng trường Thời đại và bắn vào tấm biển quảng cáo của hãng nước giải khát này. Mánh lới quảng cáo này nằm trong chiến dịch giới thiệu thương hiệu của Virgin Cola đến Hoa Kỳ, vẫn được coi là sự kiện hoang dã nhất của Virgin.
Hay Virgin Cola cũng là thương hiệu đầu tiên sử dụng hình ảnh nụ hôn đồng tính vào năm 1998.
“Thành công ban đầu của nó mạnh đến mức đã đánh thức hai gã khổng lồ này và họ làm mọi thứ có thể để đè bẹp chúng tôi”, Richard Branson nhớ lại. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận rằng dù không thiếu sự nhiệt tình, nhưng họ không có một sản phẩm tốt hơn hẳn so với đối thủ.
Chiến dịch quảng cáo của Virgin Cola.
Học hỏi từ sai lầm
“Việc đấu lại hai gã khổng lồ có tài nhưng tự mãn này là một bài học lớn với tất cả chúng tôi”, nhà sáng lập tập đoàn Virgin nhớ lại. Theo ông, không có cách nào để học về thành công trong kinh doanh tốt hơn từ các sai lầm – của bạn hoặc của người khác.
Trong cuộc đời kinh doanh của mình, khi gặp các trường hợp điển hình, Branson quan sát những công ty cụ thể đã phá vỡ các kỷ lục, làm vỡ ngân sách và thành công ngoài sức tưởng tượng bằng cách nào và tại sao. Thế nhưng những câu chuyện về các doanh nghiệp không thành công lắm mới đặc biệt khiến ông hứng thú. “Tôi học được nhiều hơn từ chúng”, vị tỷ phú này chia sẻ.
Học từ sai lầm, cho phép nhân viên mắc sai lầm và sau đó học hỏi từ chúng cũng chính là một phần văn hóa giúp các doanh nghiệp của Virgin đạt được thành công trong nhiều năm. Không những vậy điều này còn tạo ra một mức độ trung thành, cống hiến và đổi mới cao. Khi mọi việc đi sai hướng, các thành viên trong đội có ý thức làm chủ rõ đến mức họ luôn xắn tay áo lên để lật ngược tình thế.
“Khả năng đứng dậy sau thất bại có lẽ là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của một doanh nghiệp khởi nghiệp”, Richard Branson nhận định. Nếu đổi mới là trái tim của doanh nghiệp thì các chướng ngại chắc chắn sẽ xuất hiện. Cách bạn phản ứng và vượt qua các chướng ngại này sẽ quyết định sự thành bại của bạn.
Lấy ví dụ khác về công ty dịch vụ tài chính Virgin Money ở Úc, nơi tập đoàn này đã giới thiệu thẻ tín dụng mang thương hiệu Virgin đầu tiên vào năm 2003. Ngành ngân hàng Úc bị thống trị bởi bốn cái tên lớn: ngân hàng ANZ, ngân hàng Thịnh vượng chung Úc, ngân hàng Quốc gia Úc và tập đoàn Ngân hàng Westpac. Họ thực hiện đến 80% giao dịch ngân hàng trên toàn quốc.
Dù Virgin đã tiến vào thị trường với các lý do hợp lý, có một sản phẩm tuyệt vời và gây được rất nhiều thiện cảm với công chúng, nhưng lại có một thỏa thuận tồi tệ với ngân hàng đối tác phát hành thẻ và cuối cùng đã thất bại.
Điều này đưa Richard Branson đến giai đoạn tiếp theo: Bật lại. Gần ba năm sau thất bại liên quan đến thẻ tín dụng Virgin đầu tiên, tập đoàn này trở lại Sidney để chạy lại một loạt sản phẩm thẻ mới và khởi động tài khoản tiết kiệm qua mạng Virgin Saver. Lần này có sự khác biệt: Họ có đúng người và đúng đối tác (Citibank) để đạt được thành công lâu dài.
“Tôi cho rằng bí quyết để bật lại không chỉ là không sợ thất bại mà còn là coi thất bại như một công cụ học tập và truyền động lực. Thất bại sẽ gây nản chí, nhưng bạn luôn nên thử biến cảm xúc đó thành hành động tích cực”, Branson chia sẻ.
Theo ông, bí quyết làm nên thành công liên tục của Virgin rất đơn giản: Khi làm sai điều gì đó, chúng tôi luôn cố gắng tìm ra lý do và nhanh chóng thay đổi. Sau đó, chúng tôi tập trung vào những thứ có hiệu quả và áp dụng chúng vào một quốc gia, một ngành hay một khu vực mới.
Trí Thức Trẻ