Tình trạng lấn chiếm bờ sông, rạch xây nhà trái phép, ngày càng diễn biến phức tạp, gây khó khăn xây dựng hệ thống thoát nước, nạo vét và đầu tư các công trình khác.
Từ những năm 2000 đến nay, TPHCM đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng cải tạo kênh rạch nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời chỉnh trang đô thị ngày một sáng sủa hơn. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng lấn chiếm kênh, rạch, với mục đích là xây dựng công trình nhà ở, vẫn đang diễn ra dai dẳng ở nhiều quận huyện, gây bức xúc trong dư luận.
Phập phồng sống sát mép sông
Mùa mưa này, trở lại khu vực cuối đường số 7 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), chúng tôi cũng không khỏi giật mình khi chứng kiến hiện trường vụ sạt lở hồi tháng 7-2015 còn y nguyên. Những hộ dân nơi đây chưa hết kinh hãi khi nhớ lại cảnh 2 căn nhà cùng 3 người lọt xuống lòng sông Sài Gòn giữa đêm do vụ sạt lở này gây ra.
Chính vì quản lý không nghiêm, thậm chí có những tiêu cực trong vấn đề quản lý xây dựng, nên dẫn đến tình trạng người dân được di dời, đền bù ở bờ sông, kênh, rạch này, lấy tiền đi qua con sông, kênh, rạch khác tiếp tục cắm “dùi” chiếm đất làm nhà. Nhiều doanh nghiệp có dự án gần sông cũng đã “mạnh tay” bức tử sông, rạch bằng cách lấn dự án.
KTS. NGÔ VIẾT NAM SƠN
|
Vụ sạt lở đã làm đoạn bờ kè có diện tích khoảng 2.000m2 bị nhấn chìm, 2 căn nhà cùng nhiều tài sản bị nước cuốn phăng xuống sông Sài Gòn. Ngoài hậu quả trên, vụ sạt lở còn làm 4 căn nhà khác sát bên bị ảnh hưởng, khiến chính quyền địa phương phải di dời những người sống bên trong đến nơi ở tạm trong khi chờ khắc phục.
Đã gần 3 năm trôi qua, hiện trạng của vụ sạt lở này vẫn không hề có dấu hiệu được cải tạo. Căn nhà 2 tầng đồ sộ bị sạt lở hiện đã bỏ hoang, nằm nghiêng hẳn về một bên như chực đổ sập. Xung quanh là nhiều công trình phụ cùng các bức tường lớn nứt toác, nằm ngổn ngang, mấp mé trên mặt nước. Đoạn bờ bao dài hàng chục mét bằng bê tông, rào chắn… bám đặc rong rêu và bị phủ kín bởi lục bình.
Cũng ghi nhận trên địa bàn quận Thủ Đức, ven sông Sài Gòn đoạn qua 2 phường Hiệp Bình Phước và Hiệp Bình Chánh, nhiều vị trí nền đất bị lở hàm ếch nghiêm trọng, nhưng vẫn còn hàng chục hộ dân bám trụ để sinh sống và kinh doanh. Tại khu vực cuối đường số 23, 18… (phường Hiệp Bình Chánh), hàng loạt quán ăn, cà phê được xây dựng sát mép sông Sài Gòn.
Ngoài ra, khu vực này thường xuyên có tàu thuyền lớn và thuyền chở khách qua lại tạo ra sóng rất mạnh. Điều đáng nói, phía trong bờ sông, hàng trăm nhà dân và vườn mai của người dân thấp hơn so với mực nước bên ngoài, nếu xảy ra tình trạng tràn và vỡ bờ, cả khu vực sẽ bị chìm trong nước.
Dọc 2 bên bờ sông Sài Gòn hướng về phía thượng nguồn, nhiều nơi nguy cơ sạt lở rất cao mỗi khi triều cường hay mưa lớn, nhất là khu vực các xã Bình Mỹ, An Phú, Trung An, Hòa Phú (huyện Củ Chi). Tại các xã này hiện tượng hàm ếch kèm nguy cơ sạt lở kéo dài trên 13.000m dọc bờ sông.
Theo lời của người dân ấp 1, xã Bình Mỹ, thời gian qua hiện tượng đê bao bị sạt lở xuống sông vài chục mét là chuyện thường thấy. Dẫn chúng tôi ra mé sông, anh Dương Văn Thái, người dân ấp 1 chỉ tay vào vườn cây ăn trái của gia đình, than thở: “Vườn cây của gia đình đã hình thành hơn 20 năm rồi, với bao công sức bỏ ra. Nếu bể bờ bao, nước tràn gây ngập úng thì trái sẽ rụng. Nhà cửa ngập chúng tôi còn cầm cự được, nhưng vườn cây ăn trái chết thì cả gia đình sẽ đói”.
Còn tại khu vực cầu Giồng Ông Tố (nối hai phường An Phú và Bình Trưng Tây, quận 2), hai bên nhà dân đã trơ ra thành hàm ếch, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Có tình trạng này vì một số sà lan tranh thủ đến khu vực để cào cát trộm, làm lòng sông ngày càng sâu thêm, khi nước dâng lên thì đất đá hai bên bờ bị cuốn trôi.
Nhưng nguy hiểm nhất là mỗi khi vào mùa mưa, dòng chảy đảo chiều, ăn sâu vào đất liền, nhà cửa hai bên sông như sẵn sàng bị nuốt trôi. Mặc dù chính quyền địa phương đã hỗ trợ một ít tiền để người dân đóng cọc, đắp bờ nhưng nhiều ngôi nhà của cư dân địa phương vẫn tiếp tục bị nước ăn sâu.
Cũng tại quận 2, khu vực bờ trái sông Sài Gòn đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, dọc bờ sông có nhiều nhà cao tầng nằm cách bờ sông 15-20m, thậm chí có nhiều ngôi nhà xây sát mép sông nhưng hệ thống bờ kè chủ yếu là hệ thống tường rào do người dân xây dựng. Do việc thi công không đúng quy cách, trong khi khu vực này có nhiều tàu bè qua lại tạo ra sóng lớn, rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở nặng nề.
Nhiều hộ dân ở quận 8 xây nhà tạm bợ trên kênh Đôi để sinh sống. Ảnh: Đ.TRUNG
Lấn kênh, rạch sống tạm
Tại TPHCM, hiện các hướng Đông-Tây-Nam-Bắc, tình trạng lấn chiếm kênh, rạch để thi công chung cư, nhà ở… như “nấm mọc sau mưa”. Đơn cử như vào năm 2012, rạch Đuôi Trâu đoạn qua phường Tân Tạo (quận Bình Tân) có bề ngang 6,5m, thì đến nay diện tích đã bị thu hẹp đi rất nhiều do người dân lấn chiếm hai bên rạch để xây cất nhà cửa. Hay rạch Bần Đôn đoạn qua địa bàn phường Bình Thuận (quận 7) là con rạch lớn, chiều rộng ban đầu đến 100m, nhưng đến nay có chỗ chỉ còn khoảng 50m vì bị người dân hai bên đổ đất lấn chiếm.
Ghi nhận của ĐTTC, tại những dòng kênh Đôi-kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, Lò Gốm, kênh Ông Bé, Xóm Củi, Ruột Ngựa thuộc địa bàn các quận 4, quận 7 và quận 8 hiện nay, hàng ngàn hộ dân vẫn đang sinh sống trong các khu “ổ chuột”. Mọi chất thải sinh hoạt đều được thải trực tiếp xuống kênh. Riêng tại kênh Đôi-kênh Tẻ, có đến hàng ngàn căn nhà lụp xụp với khoảng hàng chục ngàn nhân khẩu đang sinh sống. Việc lấn chiếm kênh rạch ở đây đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Chiều ngày 16-6, chúng tôi xuống chân cầu Chánh Hưng (quận 8), sau đó đi sâu vào những con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển, nhận thấy những mái nhà lụp xụp mấp mé dòng nước đục ngầu, bốc mùi hôi thối của kênh Đôi mà hàng ngàn hộ dân đang chịu cảnh sống đúng theo nghĩa “trong nhờ đục chịu”.
Phần lớn các nhà ven kênh đều được che chắn bằng ván gỗ hoặc tôn, toàn bộ căn nhà được nâng đỡ bởi những cây cừ tràm mảnh khảnh nên rất dễ bị mục theo thời gian. Các hộ dân ở phần lớn đều là dân lao động nghèo, làm thuê nhiều kiểu để kiếm sống từ công nhân, xe ôm, bán hàng, lượm ve chai, may gia công, làm tăm gia công, cho đến thợ hồ, thợ sơn…, với thu nhập rất thấp.
Tiền không đủ trang trải cuộc sống, họ phải mượn rồi trả góp mỗi ngày vài chục mà không được thiếu nợ ngày nào, cho đến khi nào trả đủ cả tiền gốc lẫn tiền lãi. Do đó, những năm qua, bà con đành chịu cảnh sống dưới căn nhà lụp xụp, mùa nắng thì nóng, mùa mưa thì ngập, hôi thối, mất vệ sinh, thấp thỏm trong nguy cơ nhà sập mà không có đủ tiền để tu bổ.
Là con kênh có nhiệm vụ tiêu thoát 50% nước của sân bay Tân Sơn Nhất nhưng kênh A41 đang bị tắc nghẽn bởi rác, xà bần và tình trạng xây dựng công trình lấn chiếm kênh. Từ năm 2016 đến nay, nhiều đoạn kênh bị tắc dòng chảy do rác vây quanh, nhất là ở những khu vực cống rác thải dày đặc. Dòng kênh đang bị lấn chiếm bởi công trình xây dựng của người dân khiến nhiều đoạn kênh chỉ còn rộng chưa tới 1m. Bà Phan Thị Lài, người dân phường 4 (quận Tân Bình), cho hay trước đây dòng kênh rộng hơn 4m và rất sâu. Mỗi lần mưa lớn nước chảy xối xả, nhưng giờ con kênh đang bị xâm hại nghiêm trọng, không còn khả năng tiêu thoát nước.
Ngoài kênh A41 giúp sân bay Tân Sơn Nhất thoát ngập, khu vực sân bay còn có 2 con kênh cũng làm nhiệm vụ tiêu thoát nước đó là kênh Hy Vọng thoát ra hệ thống kênh Tham Lương và kênh Nhật Bản, song cũng đang tắc tị vì dòng chảy bị lấn chiếm.
Quản lý không nghiêm
Thực tế những năm qua TPHCM đã áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục hậu quả của việc lấn chiếm kênh rạch. Trong Quyết định 150/2004, UBND TPHCM đã quy định rất rõ về việc quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn TP. Quyết định này cũng đã phân rõ trách nhiệm của các ban, ngành, địa phương trong việc quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm về lấn chiếm kênh, rạch. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng các dòng kênh cứ “chết” dần.
Chính vì vậy, chỉ tính riêng trong hai tháng 5 và 6-2018, đã có gần 10 trận ngập nghiêm trọng trên địa bàn TP. Thường là vào chiều tối, nhiều cơn mưa lớn diễn ra xối xả, khiến nhiều khu vực TP ngập sâu trong nước và kéo dài nhiều giờ, làm đảo lộn mọi sinh hoạt hàng ngày của người dân, việc đi lại rất khó khăn vào giờ tan tầm.
Hiện nay các quy định liên quan đến bảo vệ hành lang sông, kênh, rạch đã được ban hành. Theo đó, đối với các sông cấp 1-2 như sông Sài Gòn, hành lang bảo vệ sông rạch là 50m/mỗi bên. Kênh, rạch cấp 3-4, hành lang là 30m mỗi bên; cấp 5-6 là 20m mỗi bên.
Đối với kênh, rạch khi chưa được phân cấp kỹ thuật thì hành lang bảo vệ mỗi bên là 10m. Trên hành lang đó người dân không được lấn chiếm xây dựng nhà cửa, các công trình kiến trúc. Phần đất này sẽ được TP dùng để xây dựng bờ bao, bờ kè kết hợp làm đường giao thông, công viên, các công trình công cộng phục vụ cộng đồng, người dân.
Luật đã có, nên việc để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm sông, rạch để xây nhà, công trình kiến trúc thì trách nhiệm lớn nhất là của cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là chính quyền địa phương. Theo các chuyên gia đô thị, nhiều trường hợp chính quyền địa phương còn cho phép các dự án sai phạm tồn tại; việc bùng phát nhà ven sông, rạch là do có sự làm ngơ, buông lỏng quản lý, thậm chí có “giấy thông hành” của chính quyền địa phương.
(còn tiếp)
Đức Trung