Trung tâm Công nghệ Môi trường – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, trong 10 năm qua TP.HCM đã chi đến hơn 22.000 tỷ đồng và năm 2020 con số này sẽ tăng đến hơn 120.000 tỷ đồng để giải quyết vấn đề chống ngập.
Các nhà khoa học thuộc đơn vị này cho biết tình trạng ngập của thành phố là năm sau lại ngập hơn năm trước và chống ngập rồi lại tái ngập. Mặt khác, mỗi năm đều xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới. Nguyên nhân là do các giải pháp, dự án chống ngập do triều đang được thành phố triển khai chưa được nghiên cứu kỹ, kinh phí quá cao và thời gian thực hiện quá dài.
Đặc biệt, một dự án chống ngập do triều có tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng lại bị tạm ngưng thi công ngay trước khi TP.HCM bước vào cao điểm mùa mưa. Ngoài nguyên nhân TP.HCM chậm bàn giao mặt bằng một số khu vực dự án đi qua, theo đại diện tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư), thì chính việc dự án không thể tiếp tục thi công do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Nam Sài Gòn đã ngừng giải ngân cho dự án do UBND TPHCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án, để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.
Việc chậm xác nhận báo cáo của UBND TPHCM đã xảy ra từ tháng 9/2017. Đến cuối tháng 4/2018, nhà đầu tư đưa ra giải pháp tạm ngưng thi công và gửi thông báo đến chính quyền TPHCM.
Giải pháp này phù hợp với hợp đồng đã ký và để giải quyết dứt điểm thủ tục giữa BIDV và UBND TPHCM. Thời gian tạm ngưng thi công từ cuối tháng 4/2018 đến khi ngân hàng và chính quyền thành phố hoàn thành thủ tục xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM 5 tháng đầu năm 2018 mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM đã nhận định rằng dân số thành phố đang tăng nhanh gây áp lực lên hạ tầng cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập. Trong khi đó, các quy hoạch như: thủy lợi, cấp thoát nước chưa kết nối được với quy hoạch chung của TP.HCM dẫn tới tình trạng phối hợp không đồng bộ, kết nối không đồng bộ cũng là nguyên nhân gây ngập.
Từ đây, lãnh đạo TP.HCM cho biết để chống ngập hiệu quả thì cần phải có một nhạc trưởng đóng vai trò kết nối các quy hoạch lại với nhau. Về “số phận” dự án chống ngập cho toàn TP.HCM 10.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành nhanh chóng làm việc với các bên nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khai thông vốn cho nhà đầu tư bởi vì dự án này cũng đã bước vào giai đoạn cuối.
Trong khi đó, theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát, rạch Nước Lên với chiều dài 32km để giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 14.500ha; nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm dài 8,2km giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho 703ha.
Bên cạnh đó, xây dựng 8 cống kiểm soát triều, 68 cống nhỏ dưới đê, xây dựng 7-8 đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và 12km đê bờ tả sông Sài Gòn, nạo vét, cải tạo các trục tiêu thoát nước chính tại các kênh, rạch Thủ Đào, Ông Bé, Thầy Tiêu, Xóm Củi, Lung Mâm…
Dự kiến, các dự án trên đi vào hoạt động năm 2020 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân. Trong đó, giải quyết 13/17 tuyến đường ngập nước do mưa, 23/23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây, 179.179 tuyến hẻm và 9 tuyến đường ngập nước do triều, xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải.
Theo Trí thức trẻ