Công trình xây dựng bến xe Miền Đông mới khởi công từ tháng 4/2017 và được kỳ vọng đưa vào sử dụng ngay dịp tết 2018 để giảm kẹt xe cho khu trung tâm TP.HCM nhưng đến nay vẫn còn hết sức ngỗn ngang.
Giải thích việc thi công bến xe Miền Đông mới chậm trễ so với dự kiến, lãnh đạo Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên (gọi tắt SAMCO, chủ đầu tư) cho biết đến cuối tháng 2/018 trong khu đất thi công vẫn còn vướng hai hộ dân chưa giải tỏa.
Bên cạnh khó khăn về đền bù giải tỏa, lãnh đạo SAMCO cho biết doanh nghiệp còn gặp vướng mắc về công tác giao đất và thủ tục thuê đất để làm dự án.
Ngoài ra, mặt bằng thi công đường D11 và đường E3 (hai đường trong dự án) trùng với vị trí đường hiện hữu nên nhà thầu vừa thi công hai tuyến đường này vừa phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trên đường tạm vừa thi công. Điều này đã gây ảnh hưởng đến an toàn và tiến độ thi công…
Toàn cảnh dự án 4.000 tỷ đồng nhìn từ trên cao.
Theo SAMCO, phần hạ tầng kỹ thuật dự kiến thi công xong vào cuối tháng 10/2018 với điều kiện mặt bằng thi công đường F (đường trong dự án, đang bị vướng dự án xây dựng tuyến metro số 1 và dự án nâng cấp mở rộng xa lộ Hà Nội) phải bàn giao cho đơn vị thi công trong tháng 6 này.
Ông Lê Văn Pha cho biết tiến độ thi công các gói thầu xây lắp và gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị dự kiến hoàn thành vào ngày 31/12/2018, lúc đó có thể đưa bến xe Miền Đông mới vào sử dụng.
Bên trong phần lớn diện tích đất của dự án vẫn còn chậm xây dựng. Thậm chí, việc thi công này còn gặp khó do người dân và các doanh nghiệp xung quanh bến xe mới vẫn đang dùng một phần đất của bến xe làm… đường đi.
Công trường thi công hạ tầng ngầm vẫn được triển khai khá cầm chừng.
Ngay trước mặt tiền dự án Bến xe miền Đông là nhà ga metro Thủ Đức đang được xây dựng.
Theo quan sát, hiện tại công trường còn nhiều ngổn ngang khi mặt bằng thi công nhiều tuyến đường nội bộ trong bến xe đang “bị” các nhà thầu thi công tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên rào lại để thi công các hạng mục của dự án (tuyến metro số 1).
Theo quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, khu vực Bến xe miền Đông mới và ga Suối Tiên sẽ là đầu mối giao thông lớn của TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Tại đây, các dự án này sẽ kết nối trực tiếp với hai nhà ga metro lớn để di chuyển vào khu vực trung tâm TP.HCM.
Bến xe Miền Đông có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Bến xe này nằm ở phường Long Bình, Quận 9 (TPHCM) và phường Bình Thắng (Thị xã Dĩ An, Bình Dương). Theo quy hoạch chi tiết, Bến xe Miền Đông mới gồm bốn khu A, B, C, D; trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng, có diện tích 122.480m2 (chiếm 76,37%,); khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng).
Theo Trí thức trẻ