Khách hàng Võ Thị Hương nói cần tiền để kinh doanh, Lam nói rằng sẽ cho vay ngắn hạn nhưng thực chất đã rút tiền từ sổ tiết kiệm của bà Hương. Quá trình rút tiền, dù không có mặt khách hàng, không có giấy ủy quyền, không có chứng minh thư của bà Hương, các giao dịch viên, kiểm soát viên PGD Eximbank Đô Lương vẫn để Lam rút tiền dễ dàng.
Hôm nay (27/6), TAND tỉnh Nghệ An tiếp tục đưa ra xét xử Nguyễn Thị Lam và 15 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng Eximbank.
Trước khi tiếp tục xét hỏi, Hội đồng xét xử lưu ý đây là vụ án trong lĩnh vực tiền tệ – ngân hàng, yêu cầu các luật sư đặt câu hỏi rõ ràng để người trả lời, đặc biệt là các khách hàng hiểu rõ và trả lời đúng vấn đề, đúng hành vi, tránh hiểu sai, trả lời sai dẫn đến hiểu nhầm.
Sáng 27/6, phiên tòa đến phần xét hỏi về hành vi của bị cáo Lam trong việc rút tiền từ sổ tiết kiệm của bà Võ Thị Hương và ông Trương Đức Cầm.
Đối với việc bị cáo Lam rút tiền của bà Võ Thị Hương, VKS nêu rõ cáo trạng, Lam khai quen biết bà Hương năm 2012 và thỏa thuận lãi suất cao hơn thị trường để giúp bà Hương gửi tiền tiết kiệm. Từ tháng 9/2010 đến 2016, bà Hương gửi tổng cộng 79 số tiết kiệm với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng và 7.100 USD. Đến 30/12/2016, bà Hương đã tất toán 68 sổ, còn lại 11 sổ với số tiền gửi 6.040.000.000 đồng.
Do nhu cầu kinh doanh, bà Hương cần tiền mua hàng và đã gọi điện cho Lam nói là cần tiền. Lam đã nói với bà Hương không cần rút tiền gửi tiết kiệm mà Lam sẽ vay ngắn hạn tại ngân hàng lãi suất thấp là 0,3%/năm cho bà Hương. Nhưng thực chất Lam đã rút tiền tại sổ tiết kiệm của bà Hương, đã lừa dối nhân viên ngân hàng là rút tiền gửi tiết kiệm cho bà Hương. Số tiền rút được Lam đưa bà Hương vay.
Trả lời tại tòa, bà Hương nói rằng không biết là Lam đã rút tiền từ các sổ tiết kiệm của mình. Các nhân viên Eximbank “giúp” Lam rút tiền từ sổ của bà Hương nói rằng bà Hương là khách hàng VIP và cả phòng giao dịch đều biết, hầu hết các giao dịch lúc đấy đều chỉ thông qua Lam, do chủ quan và tin tưởng theo chỉ đạo của cấp trên nên dù không có mặt bà Hương vẫn để Lam rút được tiền.
Cơ quan điều tra đã giám định chữ ký của người nhận tiền, chủ tài khoản trên các ủy nhiệm chi, lệnh chi cho khách hàng Võ Thị Hương. Kết quả, có 3 lệnh chi tổng số tiền là 1 tỷ đồng do Lam giả mạo chữ ký của bà Hương ở phần nhận tiền. Còn lại các lệnh chi khác là chữ ký của bà Hương, tổng số tiền 4,93 tỷ đồng.
Lam khai, sau khi rút tiền từ sổ tiết kiệm của bà Hương, Lam đưa tiền cho bà Hương, bà Hương ký nhận trên lệnh chi và bảng kê chi tiền. Khoảng 1-2 ngày sau, bà Hương trả số tiền đã vay cho Lam. Lam không nộp lại vào sổ tiết kiệm bà Hương bà để chi tiêu cá nhân.
Trong suốt quá trình rút tiền, Lam cho biết không có mặt bà Hương, không có giấy ủy quyền cũng không có giấy tờ tùy thân của bà Hương, Lam chỉ nói với giao dịch viên là bà Hương cần tiền.
Đến tháng 6/2016, bà Hương gọi điện thoại cho ông Đặng Đình Hồng, Giám đốc PGD Eximbank Đô Lương để rút tiết kiệm. Ông Hồng đã kiểm tra thấy 4 sổ bà Hương chưa rút còn hơn 2 tỷ nên nói với bà Hương. Bà Hương gọi điện hỏi Lam, Lam nói do nhận tiền của bà Hương gửi lãi cao nên chuyển tiền gửi ngân hàng khác. Bà Hương đề nghị Lam chuyển lại tiền.
Để có tiền trả cho bà Hương, ngày 28/6/2016, Lam đã sử dụng tiền rút ở sổ tiết kiệm của ông Nguyễn Tiến Nam và nộp 6,05 tỷ đồng vào tài khoản không kỳ hạn của bà Hương tại ngân hàng VIB. Số tiền Lam trả này chưa có chứng từ và chưa được in tại sổ tiết kiệm của bà Hương.
Lam cho rằng cáo trạng không chính xác, tổng số tiền mà Lam đã rút của bà Võ Thị Hương là 5,3 tỷ chứ không phải 5,9 tỷ như trong cáo trạng. Lam nói đã trả 660 triệu cho bà Hương, tuy nhiên tại phiên tòa bà Hương cho biết không nhận được số tiền này.
Bà Hương cũng không thừa nhận đã thỏa thuận lãi suất như Lam khai mà khai rằng Lam có nói với bà Hương việc trả lãi suất theo lãi suất quy định của ngân hàng nhưng khi trả lãi thì sẽ trả thêm 1%, tuy nhiên Lam chưa thực hiện.
Đại diện Eximbank cho biết, giai đoạn đó, ngân hàng có quy định cho phép thu chi ngoài phòng giao dịch. Có dịch vụ nhân viên thu chi tiền mặt ngân hàng đến tận nơi để giao dịch với khách hàng.
Sau khi rút tiền của bà Võ Thị Hương, Lam khai rằng đã dùng cho các chi tiêu cá nhân. Cụ thể, đã dùng 1,52 tỷ để làm nhà cho ông Nguyễn Huy Lương và bà Lê Thị Yến (bố mẹ chồng) tại Phường Hưng Dũng, Vinh. Lam trả lãi tiết kiệm theo thỏa thuận với bà Hương số tiền 230 triệu đồng.
Sau đó, Lam trả nợ tiền vay cho Nguyễn Huy Tuấn (chồng Lam) vay tại bà Thái Thị Lan ở Đô Lương, Nghệ An là 720 triệu đồng. Qua xác minh, VKS cho biết Nguyễn Huy Tuấn không thừa nhận.
Lam dùng 900 triệu đồng mua xe ô tô, dùng 300 triệu đồng để xây nhà cho vợ chồng Lam tại yên Sơn, Đô Lương, Nghệ An; dùng 520 triệu đầu tư mua máy giặt là công nghiệp. Số tiền còn lại, Lam khai chuyển tiền đầu tư cho 1 người tên là David không rõ địa chỉ.
Đối với khách hàng Trương Đức Cầm (em chồng của bà Hương), ông Cầm đưa tiền cho vợ chồng bà Hương nhờ gửi tiết kiệm. Bà Hương nhờ lam gửi tiền tiết kiệm cho ông Cầm. Lam khai thỏa thuận gửi cho ông Cầm trong năm 2013 là 12%/năm. Năm 2014, 2015 lãi suất 7,5%/năm.
Lam khai ngày 4/2/2013 làm giấy đăng ký mở tài khoản cho ông Trương Đức Cầm, phần chữ ký chủ tài khoản của ông Cầm do Lam tự ký thay cho ông Cầm.
Lam đã nhận tiền ở bà Hương gửi cho ông Cầm 7 sổ tiết kiệm với tổng cộng số tiền đã gửi trên 7 sổ là 5.350.000.000 đồng. Lam đã tất toán 6 sổ cho ông Cầm, còn 1 sổ gửi ngày 25/9/2015 số tiền 500 triệu là chưa tất toán. Đến 10/12/2015, Lam giả mạo chữ ký, rút 500 triệu đồng. Lam khai sử dụng số tiền rút được làm nhà cho bố mẹ chồng.
Ngoài ra, đầu năm 2014, Lam có nhận ở bà Hương số tiền 570 triệu đồng để gửi tiết kiệm cho em chồng là Trương Đức Cầm nhưng Lam chưa gửi và đã sử dụng.
Sổ tiết kiệm 500 triệu đồng do bà Võ Thị Hương đã giữ.
Tại phiên tòa, đại diện Eximbank cho rằng ngân hàng không có trách nhiệm trong 570 triệu đồng mà Lam đã nhận của ông Cầm. “Cần phải xác định rõ 2 mối quan hệ, giữa bị cáo Lam và ông Cầm, giữa bị cáo Lam và ngân hàng”, vị này nói.
Theo Trí thức trẻ