Mặc dù vi phạm hơn chục lỗi về PCCC nhưng chủ đầu tư dự án Mandarin Garden 2 đã đưa dân vào ở.
Trước đó, ngày 19/6, Cơ quan Cảnh sát PCCC tổ chức kiểm tra nghiệm thu về PCCC công trình “Tổ hợp dịch vụ thương mại, văn hóa, thể thao, nhà ở và văn phòng cho thuê” tại số 493 Trương Định, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội do Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư.
Qua kiểm tra, Cơ quan Cảnh sát PCCC đã phát hiện công trình này vi phạm hơn chục quy định về PCCC, cụ thể khu vực dịch vụ thương mại từ tầng 1 đến tầng 6 chưa thi công hoàn thiện, các hệ thống PCCC, hút khói chưa đảm bảo khả năng hoạt động; Khu vực phòng đệm thang máy tại tầng hầm thi công vách kính và cửa ngăn cháy không đảm bảo giới hạn chịu lửa theo hồ sơ thiết kế đã được duyệt; Chưa thi công hoàn thiện khoang đệm thang máy thương mại tại tầng hầm.
Ngoài ra, một số phòng kỹ thuật điện chưa lắp đặt đầu báo cháy cố định trên trần. Các phòng kỹ thuật điện tại tầng hầm 1 chưa được chèn bịt ngăn cháy và chưa đảm bảo kín khi hệ thống chữa cháy tự động bằng khí hoạt động.
Bên cạnh đó, hệ thống hút khói tầng hầm, tăng áp buồng đệm thang bộ, thang máy hoạt động không đảm bảo; đường ống hút khói hành lang đi xuyên qua bộ phận ngăn cháy không có van chặn lửa…
Mặc dù còn nhiều bất cập và chưa đủ điều kiện để cấp văn bản xác nhận nghiệm thu PCCC song chủ đầu tư dự án đã ngang nhiên đưa dân vào ở, vi phạm quy định về PCCC theo Điều 17 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn.
Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC số 8, việc đưa người dân vào sinh sống tại công trình chưa nghiệm thu PCCC sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hỏa hoạn, gây thiệt hại về người và tài sản.
“Đối với vi phạm này, chúng tôi đã đề xuất xử phạt với mức cao nhất là 80 triệu đồng, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc an toàn PCCC”, chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC số 8 cho biết.
Trao đổi với CafeLand, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, đối với các chủ đầu tư đưa dân vào ở khi chưa nghiệm thu PCCC, tiềm ẩn những mối hậu họa khôn lường, bên cạnh việc xử lý chủ đầu tư cũng cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý khi để xảy ra tình trạng trên.
Cũng theo ông Đực, hiện nay có đến 95% công trình chung cư ở Việt Nam không đạt chuẩn về PCCC, nguyên nhân một phần đến từ “lòng tham” lợi nhuận của một số chủ đầu tư, song bên cạnh đó có một số công trình mặc dù đã đảm bảo hệ thống PCCC đúng như trong giấy phép xây dựng được cấp nhưng lại lỗi thời so với thời điểm hiện tại nên không đủ tiêu chuẩn cấp phép.
Nguồn ảnh: Cảnh sát PCCC Hà Nội
Tâm An