Truyền thống dư nợ ngoại tệ cao phải kể đến ngành dầu khí (PVN, PVT, GAS…), điện lực (EVN, NT2…), hàng không (ACV, HVN…), vận tải biển (VOS, VNA, VTO…) cùng các đơn vị tham gia xây dựng hạ tầng… Với dư nợ lên đến hàng chục ngàn tỷ, chỉ cần một biến động nhỏ của tỷ giá, khoản lỗ chênh lệch của những đơn vị này đã lên đến hàng tỷ đồng.
Tỷ giá liên tục tăng trong những ngày vừa qua, với USD ngân hàng đã lên mức cao kỷ lục 23.050 đồng (tại Vietcombank và DongABank). So với đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng 0,93% trong khi USD tại ngân hàng tăng 1,3-1,4%. Đây là mức tăng khá mạnh nếu biết rằng trong 2 năm trước đó (từ đầu năm 2016 đến hết năm 2017), tỷ giá VND/USD tăng chưa đến 1%.
Và, tỷ giá tăng nóng thời gian qua đã gây ra nhiều bất ổn cho kinh tế, ngành hàng xuất khẩu hay thị trường chứng khoán cũng biến động khó lường… song trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi đà tăng trên có lẽ là những khoản nợ ngoại tệ của nhiều doanh nghiệp. Trong đó, truyền thống dư nợ ngoại tệ cao phải kể đến ngành dầu khí (PVN, PVT, GAS…), điện lực (EVN, NT2…), hàng không (HVN…), vận tải biển (VOS, VNA, VTO…) cùng các đơn vị tham gia xây dựng hạ tầng… Với dư nợ lên đến hàng triệu USD, chỉ cần một biến động nhỏ của tỷ giá, khoản lỗ chênh lệch của những đơn vị này đã lên đến hàng tỷ đồng.
Tỷ giá biến động khoảng 2% có thể khiến PVN lỗ đến 1.800 tỷ
Đầu tiên phải kể đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), là doanh nghiệp kinh doanh ngành quốc gia, PVN luôn đối mặt với một trong những rủi ro trọng yếu nhất là rủi ro về tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, với sự biến động chóng mặt của tỷ giá trước động thái tăng và dự tiếp tục tăng lãi suất từ Mỹ, cơn ác mộng của Tập đoàn có lẽ đã đến.
Cụ thể, PVN hiện có dư nợ ngoại tệ khoảng 4 tỷ USD, Tập đoàn còn đang có nhu cầu tài trợ cho chuỗi dự án khí trọng điểm Lô B, Cá Voi Xanh… khoảng trên 5 tỷ USD, hay các dự án nhà máy nhiệt điện (Thái Bình 2, Long Phú 2, Sông Hậu 1) có nhu cầu vốn ngoại tệ trên 2 tỷ USD.
Còn tại các đơn vị trực thuộc, nếu cái tên xướng lên đầu tiên mỗi khi tỷ giá tăng trước đây là Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) với tổng nợ hơn 200 triệu USD giai đoạn 2011-2012, thì đến cuối quý 1 năm nay đơn vị chỉ còn khoảng 2 triệu USD.
Thay vào đó là Tổng Công ty Khí Việt Nam – PVGas (GAS) với tổng dư nợ USD tại thời điểm 31/3/2018 xấp xỉ 278 triệu USD (48,6 triệu ngắn hạn và 229 triệu dài hạn). Chưa kể, PVGas còn phải mua USD phục vụ nhập khẩu LPG và thanh toán cho các nhà thầu cung cấp máy móc thiết bị, công trình dầu khí.
Vay nợ USD cao còn có Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) đang “ôm” gần 31 triệu tính đến cuối năm 2017, đây là những khoản vay dài hạn đầu tư căn cứ cảng, tàu dịch vụ, thiết bị chuyên ngành… Hay Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) phải thanh toán nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài khoảng 850 triệu USD/năm. Tân binh Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng dự kiến nhu cầu khoảng 1 tỷ USD/năm để trả tiền mua dầu thô nguyên liệu và trả nợ vay có gốc ngoại tệ.
Như vậy, trong bối cảnh biến động tỷ giá USD theo chiều hướng tăng, thời gian đầu tư dài đã làm gia tăng đáng kể nợ vay và tổng mức đầu tư dự án thuộc PVN, qua đó ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của PVN. Theo ước tính từ PVN, tỷ giá biến động khoảng 2% sẽ dẫn đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 1.800 tỷ đồng.
Hàng không, điện lực, vận tải biển, xây dựng hạ tầng… cũng chịu ảnh hưởng
Không dừng lại ở họ dầu khí, nói đến vay nợ USD còn có doanh nghiệp hàng không với mục đích chủ yếu để mua sắm đội tàu bay. Trong đó, tính đến thời điểm 31/12/2018, con số ngoại tệ USD của Vietnam Airlines (HVN) ghi nhận đến 91 triệu USD, chưa kể Công ty còn có một hạn mức vay đến 117 triệu USD tại Vietinbank nhằm đầu tư mua 10 tàu bay của Jestar.
Như vậy, trước biến động giá dầu leo thang những tháng đầu năm, đến nay đến tỷ giá tăng phi mã, 6 tháng qua HVN đã chịu tác động tiêu cực kép. Chưa kể, lùm xùm nhân sự cũng khiến cổ phiếu HVN trên thị trường giảm đáng kể, hiện lanh quanh tại mức 31.000 đồng/cp.
Biến động cổ phiếu HVN 6 tháng qua.
Cùng cảnh lo còn có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), con số nợ vay hiện chưa được Tập đoàn công bố, song theo một báo cáo của Bộ Tài chính năm 2014 cho thấy tổng vay ưu đãi từ các nhà tài trợ với tổng trị giá 4,7 tỷ USD thì riêng phân bổ cho Bộ Công Thương, mà chủ yếu là các dự án năng lượng điện đã lên đến 1,85 tỷ USD, chiếm 31,6%. Trong đó, chỉ tính tiêng dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, tổng vố đầu tư đã đạt hơn 1,6 tỷ USD. Ngoài ra, EVN năm 2014 còn vay BNP Paribas hơn 108 triệu USD.
Hay các đơn vị kinh doanh điện khác như PV Power, Nhơn Trạch 2 (NT2) cũng có nhu cầu vốn ngoại bằng USD hàng năm khá lớn, nhằm xây dựng các nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch.
Song song với đó, nhiều doanh nghiệp vận tải biển khác như Vận tải biển Việt Nam (VOS), Vận tải biển Vinaship (VNA), Vận tải xăng dầu Vitaco (VTO)… cũng đều có các khoản vay bằng USD để đầu tư đội tàu. Hiện tại, hầu hết công ty vận tải biển có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân đang ở mức khá cao. Do đó, việc VND mất giá so với USD cũng khiến các doanh nghiệp đang chịu áp lực lỗ chênh lệch tỷ giá, khiến bức tranh chung của ngành vận tải biển vẫn gặp nhiều khó khăn.
Tựu trung lại, đối với các doanh nghiệp có tổng mức giao dịch bằng ngoại tệ thường xuyên hàng năm khoảng triệu USD thì mức độ ảnh hưởng của biến động tỷ giá là rất lớn. Áp lực gia tăng lãi suất liên tiếp từ Fed cùng các rủi ro về lạm phát, chiến tranh thương mại toàn cầu… khiến đà tăng tỷ giá dự báo chưa có điểm hồi.
Và, trước tình trạng trên, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái can thiệp, trấn an thị trường. Cụ thể, NHNN cho biết sẽ lưu tâm đến các động thái cùa Fed về lãi suất cũng như tác động của quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; nếu cần thiết, NHNN sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường.
Theo Trí thức trẻ