Theo chuyên gia đã có nhiều năm “chinh chiến” ở các quốc gia đang phát triển, 1 cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn thế giới đang dần hiện lên ở phía chân trời
Những ngày này căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Mỗi lần Mỹ và Trung Quốc tung ra động thái mới đều kéo theo những diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính quốc tế. Tuy nhiên, theo nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và kể cả kịch bản các TTCK mới nổi sụt giảm thêm 10% nữa sẽ không phải là những điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra trong năm nay. Theo chuyên gia đã có nhiều năm “chinh chiến” ở các quốc gia đang phát triển, 1 cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn thế giới đang dần hiện lên ở phía chân trời.
“Không sớm thì muộn khủng hoảng tài chính cũng sẽ xảy ra. Phải nhớ rằng chúng ta sắp chấm dứt thời kỳ tiền giá rẻ tràn ngập”, Mobius nói trong 1 cuộc phỏng vấn ở Singapore. “Đó thực sự là 1 sức ép lớn cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào tiền giá rẻ để duy trì hoạt động”.
Suốt từ đầu năm đến nay, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và siết chặt thanh khoản trong khi NHTW châu Âu (ECB) bình thường hóa chính sách tiền tệ (sau 1 thời gian dài nới lỏng) đã đè nặng lên các thị trường mới nổi. Bên cạnh đó còn là áp lực đến từ đồng USD tăng giá và bức tranh thương mại quốc tế ngày càng xấu đi.
Mobius dự đoán xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi nhiều khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ không gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai chính sách thuế quan của mình. Thuế nhập khẩu khiến giá cả hàng hóa tăng và kéo theo lạm phát tăng, nhưng cùng lúc đó tiền lương của người lao động Mỹ cũng tăng lên.
Theo Mobius, chỉ số MSCI Emerging Markets Index sẽ giảm thêm 10% nữa so với mức hiện nay. So với mức đỉnh được lập cuối tháng 1, chỉ số này đã giảm khoảng 16%.
Trong khi đó chỉ số MSCI Emerging Markets Currency Index thống kê diễn biến của các đồng tiền mới nổi đã giảm khoảng 7% so với đỉnh được lập hồi cuối tháng 3, buộc các NHTW từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Argentina và Indonesia phải tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ. Mobius nhận định các đợt tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến các nước có mức nợ cao, Chính phủ các nước này cần phải đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.
Bất chấp những nhận định đầy bi quan nói trên, nhà đầu tư 81 tuổi vẫn coi đợt sụt giảm sẽ là 1 cơ hội để mua vào. Ông cũng chỉ ra một số lĩnh vực có khả năng hưởng lợi từ chiến tranh thương mại. Ở Ấn Độ đó là ngành sản xuất, Hàn Quốc là công nghệ, Brazil là nông nghiệp và Việt Nam là ngành da giày.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg