Trong tuần vừa qua, VFMVN30 đã phát hành 4,3 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 63 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 7 tới nay, quỹ này đã phát hành được 4,5 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng 65 tỷ đồng.
Sau nhiều tuần giảm sâu liên tiếp, diễn biến thị trường trong tuần 9-13/7 đã xuất hiện nhiều điểm tích cực hơn khi các chỉ số chứng khoán dần ổn định trở lại. Trong hai phiên cuối tuần, Vn-Index còn tăng khá mạnh, kéo theo tâm lý thị trường bớt phần ảm đạm.
Cùng với sự ổn định của thị trường, quỹ ETF nội VFMVN30 cũng ghi nhận tín hiệu tích cực khi đã phát hành chứng chỉ quỹ trở lại sau hơn 1 tháng liên tiếp bị rút ròng trước đó.
Cụ thể, trong tuần vừa qua, VFMVN30 đã phát hành 4,3 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 63 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 7 tới nay, quỹ này đã phát hành được 4,5 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng 65 tỷ đồng.
Số lượng chứng chỉ quỹ VFMVN30 tăng trở lại kể từ đầu tháng 7
VFMVN30 (Mã E1VFVN30) dưới sự quản lý của Vietfund Management đang trở thành một trong những quỹ ETF nội có tầm ảnh hưởng lớn nhất TTCK Việt Nam với tổng tài sản vào cuối tháng 2/2018 đạt gần 5.500 tỷ đồng, ngang ngửa 2 quỹ ETF ngoại là VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF) hay Db x-trackers FTSE Vietnam ETF (FTSE Vietnam ETF).
Sau những đợt điều chỉnh mạnh của thị trường, cũng như việc bị rút ròng vốn, tổng tài sản VFMVN30 hiện chỉ còn gần 3.800 tỷ đồng, nhưng đây vẫn là con số khá lớn với các quỹ nội.
Với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ, VFMVN30 đã “gây bão” trong các đợt review danh mục gần đây. Không những vậy, thống kê còn cho thấy những biến động về số lượng chứng chỉ quỹ của VFMVN30 có sự liên quan mật thiết tới diễn biến thị trường.
Trong 2 tháng đầu năm, dòng tiền đổ vào VFMVN30 là khá mạnh và số lượng chứng chỉ quỹ VFMVN30 phát hành tăng từ 170 triệu đơn vị (đầu năm) lên tới 300 triệu đơn vị. Đây cũng là giai đoạn TTCK Việt Nam tăng trưởng khá thuận lợi khi VnIndex vượt mốc 1.100 điểm.
Kể từ đầu tháng 3, VFMVN30 đã bị rút ròng chứng chỉ quỹ khá mạnh và quá trình này kéo dài đến cuối tháng 4, khi đó số lượng chứng chỉ quỹ VFMVN30 chỉ còn khoảng 242 triệu đơn vị. Khoảng thời gian này cũng chứng kiến áp lực điều chỉnh mạnh của thị trường và VnIndex “rơi” từ vùng 1.200 điểm xuống gần 1.000 điểm.
Tuy nhiên, khi thị trường giảm sâu, dòng tiền một lần nữa đổ mạnh vào VFMVN30 và tính đến cuối tháng 5, số lượng chứng chỉ quỹ VFMVN30 đã tăng lên 273 triệu đơn vị. Chỉ số VnIndex sau nhịp điều chỉnh sâu cũng tạo đáy tại vùng 915 điểm vào cuối tháng 5.
Trong tháng 6, VFMVN30 đã bị rút ròng 23,24 triệu chứng chỉ quỹ. Đây cũng là giai đoạn chỉ số Vn-Index kết thúc sóng hồi phục và giảm mạnh từ vùng đỉnh 1.045 điểm về 930 điểm.
Theo Trí thức trẻ