Gần trung tâm thành phố nhưng cư dân bán đảo Thanh Đa phải sống trong những căn nhà tuềnh toàng, không có đường đi, đất đai bỏ hoang vì dự án “treo” suốt 26 năm qua.
“Năm 1992, tức từ thời ba má tôi, Thanh Đa đã được quy hoạch thành khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa. Ông bà cố gắng chờ để xem mảnh đất của mình thay da đổi thịt ra sao, và có thêm chút tiền đền bù cho cuộc sống thư thả. Thế nhưng mãi cho đến lúc chết đi, dự án vẫn còn treo lơ lửng ở đó”, ông Nguyễn Văn Dũng (khu phố 2, phường 28, quận Bình Thạnh), nói với Zing.vn.
Không riêng ông Dũng, hàng nghìn người dân đang sống ở bán đảo Thanh Đa cũng đều có chung trăn trở bởi đã nhiều thế hệ trôi qua, từ ông bà đến con cháu, họ vẫn chưa thấy dự án này nhúc nhích, mặc cho lần lượt nhiều chủ đầu tư đến rồi lại đi.
26 năm qua, người dân án đảo Thanh Đa vẫn ngậm ngùi khi ở gần trung tâm thành phố, Thanh Đa mãi là một vùng thôn quê, “quê” hơn cả các tỉnh thành khác. Và đối diện, ở bên kia sông Sài Gòn, từng dãy nhà cao tầng chọc trời cứ nối tiếp nhau mọc lên.
Nỗi khổ của những “đại gia” đất
Xế chiều, ông Sáu Thảnh (khu phố 3, phường 28), lại dắt chiếc xe đạp, men theo đường đê nhấp nhổm cỏ, đất, ra thăm ruộng lúa, vườn rau cách nhà hơn 1 km. Gần 80 tuổi, và đây là công việc ông Sáu làm suốt mấy chục năm qua trên mảnh đất rộng hơn 1 ha của gia đình.
“Đất đai ông bà để lại, nếu không làm mà bỏ hoang thì không được. Tôi chỉ có thể khoanh từng vùng nhỏ lại, một mớ trồng lúa, một mớ trồng rau, trồng mía, chủ yếu phục vụ cho bữa ăn của gia đình. Muốn canh tác nhiều nhưng khí hậu, ngập úng, sâu bệnh cũng không cho phép”, ông Thảnh nói.
Người dân Thanh Đa vẫn quần quật trồng mía, trồng lúa, rau lang, rau muống mấy chục năm qua, trong khi bên kia sông Sài Gòn là những tòa nhà cao tầng mới của thành phố. |
Mảnh ruộng nằm cạnh sông Sài Gòn, trong khi lão nông dân đang hì hục cuốc từng luống đất nhỏ để trồng rau lang, rau muống thì bên kia sông, những tòa nhà cao tầng sừng sững, những chung cư đang chen nhau mọc lên.
“Ngày nào tôi cũng đọc báo nên biết được quỹ đất của thành phố hiện còn rất ít. Nhưng Thanh Đa đất bạt ngàn, nông dân như chúng tôi vẫn sử dụng làm ruộng rẫy mấy chục năm qua. Cũng bởi dự án treo nên người dân ở đây không ai có thể chủ động gì trên mảnh đất của mình, ngoài trồng trọt tạm qua ngày cả”, ông Thảnh cho hay.
Hầu như những cư dân Thanh Đa bản xứ ở đây, ai cũng sở hữu ít nhất vài nghìn m2 đất, người người nhiều thì đến vài ha. Tuy nhiên, họ chỉ có thể sử dụng một phần để trồng lúa, sen, rau và thả cá kiếm chút thu nhập qua ngày.
Từng canh tác nông nghiệp trên phần đất rộng gần 1 ha của gia đình, tuy nhiên, sau nhiều năm thua lỗ vì ngập lụt, sâu bệnh, ông Huỳnh Công Cu (khu phố 2, phường 28) đành ngậm ngùi bỏ đất hoang.
“Khi còn quá ít người làm ruộng, nếu cố thủ thì cũng có nước cung cấp thức ăn miễn phí cho chim chuột thôi. Tôi cũng nghĩ đến phương án mở dịch vụ câu cá giải trí, nhưng nhà nằm sâu hun hút trong này, đường chỉ đủ cho một xe máy chạy thì ai mà vào”, ông Cu ngao ngán.
Chỉ tay về những đồng ruộng mọc đầy cỏ dại trên mặt nước xâm xấp, ông Cu cho biết đất rộng thênh thang nhưng bỏ hoang lãng phí là tình trạng chung của Thanh Đa hiện nay.
Giữa TP.HCM, những cư dân bản xứ Thanh Đa hóm hỉnh tự nhận mình chính là những “đại gia” đất đai. Nhưng khổ nỗi, những “đại gia” này không thể nào làm gì với diện tích đất mênh mông của gia đình vì dự án treo cứ nằm ì ở đấy hàng chục năm qua.
Loay hoay trên những thửa đất hàn nghìn m2
“5 thằng con trai của tôi đã lớn hết rồi, đến tuổi cưới vợ mà căn nhà chỉ bấy nhiêu diện tích thì làm sao sống được. Cũng bởi đang nằm trong dự án treo, nên việc sửa chữa, cất mới nhà cửa không phải là chuyện dễ dàng gì lúc này, xây dựng mà không được cấp giấy phép thì bị cưỡng chế ngay lập tức”, ông Cu than.
Vợ chồng ông Dũng sống trong căn nhà c tuềnh toàng với 2 người con đã có gia đình nhưng vẫn không thể mở rộng thêm nhà cửa. |
Ông Cu nói thêm không chỉ khổ vì việc sản xuất, mà người dân Thanh Đa ai cũng kêu trời về nhà cửa dột nát, xập xệ. 26 năm không phải là thời gian ngắn, tính ra, ngấp nghé hết 1/3 đời người rồi. Con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng cũng phải cất mới, hoặc mở rộng nhà cửa cho chúng ở, nhưng không làm được.
“Tôi có tìm hiểu, trước đây nếu có nhu cầu cất nhà mới, chủ hộ phải làm giấy cam kết sau này quy hoạch chỉ nhận được tiền đền bù cho đất đai, mà không đền bù nhà. Còn hiện nay, việc xây nhà mới cũng không được giải quyết”, ông Cu nói.
Ông cho biết mình đang đau đầu về chuyện một người con trai xin ra ngoài ở trọ khi cưới vợ, bởi nhà ở hiện tại đã quá chật chội, xuống cấp.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng (khu phố 2, phường 28) cũng thấy bức xúc việc không thể không thể sửa sang nhà cửa để cuộc sống thoải mái hơn.
“Nhà có 2 đứa con đã lớn và có gia đình riêng. Việc ăn uống có thể chung mâm nhưng nhà thì cũng phải có riêng cho nó để còn lập nghiệp tự thân. Đất đai mình không thiếu, nhưng không thể làm gì”, ông Dũng nói.
Ông Dũng nói thêm thời gian qua, do nhà cửa quá xuống cấp, một số hộ tự ý xây mới đã bị chính quyền cưỡng chế. Thế nên, gia đình 3 thế hệ nhà ông gồm 5 người vẫn phải gói ghém sống chung với nhau trong căn nhà tuềnh toàng.
Đừng để Thanh Đa “ngủ” thêm nữa
Mặc dù chỉ cách trung tâm TP.HCM hơn 15 phút đi xe máy, nhưng nhịp sống ở phường 28, quận Bình Thạnh, nơi được mọi người biết đến nhiều hơn với biệt danh “bán đảo Thanh Đa” không khác một vùng nông thôn hẻo lánh.
Vào sâu bên trong, điều kiện sống của người dân bán đảo Thanh Đa càng chật vật. |
Men sâu vào các con đường nhỏ thuộc khu phố 1, 2, 3, khung cảnh thôn quê càng hiện ra rõ nét hơn. Đường đê càng vào sâu càng hẹp lại và khó đi, lổm nhổm cỏ và đất đá, thậm chí chỉ người dân ở đây mới dám chạy xe máy.
“Những người bạn của tôi ở quê lên chơi, dẫn vào nhà và đi thăm thú xung quanh bán đảo, họ cười bảo Thanh Đa còn quê hơn cả nơi tỉnh lẻ của họ. Thành phố mà không có đường đi, ruộng nước thênh thang, tiếng gà trưa thì buồn não ruột”, anh Nhựt (khu phố 3, phường 28), diễn tả.
Tuy nhiên, anh Nhựt cho biết thêm nếu so với vài năm trước, hiện Thanh Đa đã khá hơn nhiều về đường sá, một số tuyến đường chính đã được nhựa hóa. Công trình đê bao cặp sông Sài Gòn đang được hoàn thiện phần nào khiến ngập lụt vào mùa mưa giảm, dù đời sống của dân vẫn rất khó khăn.
“Đã gần 30 năm sống cùng dự án treo, tôi chỉ mong chính quyền thành phố đừng để người dân phải chờ đợi nữa. Nếu tiếp tục triển khai quy hoạch thì đẩy nhanh tiến độ, đền bù đất đai thỏa đáng cho chúng tôi, để người dân có cuộc sống mới ổn định hơn”, anh Nhựt bày tỏ.
Nhà cửa của cư dân Thanh Đa là những miếng tôn chắp vá vì việc sửa chữa, xây mới hết sức khó khăn. |
Cũng theo người dân này, mấy hôm nay anh nghe thành phố có thông báo tìm chủ đầu tư mới để đẩy nhanh tiến độ dự án, anh nói bà con xung quanh đang lo lắng dự án có nguy cơ quay về vạch xuất phát ban đầu, và không biết số phận bán đảo Thanh Đa sẽ được quyết định tiếp theo ra sao. Nếu không triển khai như quy hoạch trước đây, chính quyền nên sớm “dỡ treo”, để người dân có thể chủ động trên mảnh đất của mình.
Bà Tuyết (khu phố 2, phường 28) cũng nói rằng bà đã quá mệt mỏi và mong dự án sớm triển khai và đẩy nhanh tiến độ. Bà nói dự án Bình Quới – Thanh Đa ngủ đã lâu, gần đây, nghe chính quyền thành phố nhắc lại nên cảm thấy phấn khởi, nhưng cũng không biết việc thực hiện sẽ ra sao.
Theo Văn phòng UBND TP.HCM, thành phố vừa giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm của các hộ dân và gửi Sở Kế hoạch Đầu tư tổng hợp, trình UBND TP.HCM ngay trong tháng 7.
Trả lời đại biểu tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP.HCM khóa IX, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho hay Văn phòng UBND TP.HCM vừa báo cáo với Thành ủy về việc tìm kiếm nhà đầu tư mới cho dự án Bình Quới – Thanh Đa. Ông Phong nhấn mạnh việc có tìm được nhà đầu tư hay không cũng phải giải quyết dứt điểm, không để tình trạng này kéo dài.
Bình Quới – Thanh Đa là dự án có quy mô lớn được phê duyệt quy hoạch năm 1992, với tổng diện tích rộng hơn 426 ha. Đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư. Do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được. Năm 2010, chính quyền TP.HCM thu hồi quyết định.
Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án, với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28.
Cuối năm 2015, liên danh Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư, với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Nhưng Emaar Properties PJSC hiện đã rút lui, chỉ còn Bitexco “ôm” dự án này, thành phố có văn bản trình lại để xin ý kiến Thủ tướng.
Mới đây, thành phố đã giao Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu, đề xuất tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Bình Quới – Thanh Đa.
Bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) “treo” 26 năm qua, kể từ năm 1992. |