Về mặt kinh tế thực thì cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung không có tác động nhiều đối với kinh tế Việt Nam!? Chúng ta không nên thổi phồng gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư.
Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động” trong chương trình Aus4Reform, cái được gọi là “ chiến tranh thương mại Mỹ -Trung” là một chủ đề hay.
Dù các chuyên gia đã có nhiều kiến giải, dự đoán nhưng dường như TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lại có góc nhìn khác. Ông nói: “Đừng đẩy quá cao tác động của cuộc chiến này đối với Việt Nam (VN) theo hướng mình có lợi hay quá thiệt hại. Nhiều người đẩy vấn đề lên quá”.
. Phóng viên: Nhiều chuyên gia từng lo ngại hàng hóa Trung Quốc (TQ) sẽ ồ ạt sang VN khi Trung-Mỹ “ăn miếng trả miếng”, thưa ông?
+ TS Nguyễn Đình Cung: Tôi nghĩ hàng hóa TQ ồ ạt sang VN thì khó xảy ra nhưng hàng hóa Mỹ thì có thể vào VN. Bởi những mặt hàng mà TQ sẽ áp thuế trả đũa thương mại với Mỹ có nông sản và một phần nông sản Mỹ có thể sẽ vào VN.
Điều này, ở một mức độ nào đó, có thể giảm được thâm hụt thương mại Mỹ-VN. Nông sản Mỹ có thể cạnh tranh với nông sản VN và VN có thể có lợi khi chia sẻ mối quan tâm về thâm hụt thương mại của Mỹ với VN.
Thậm chí việc tạm nhập tái xuất hàng hóa Mỹ sang TQ qua ngả Việt Nam cũng có thể xảy ra.
. Vậy đây là điều đáng phấn khởi?
+ Thật ra chúng ta cần quan tâm và hạn chế điều này. Nếu vì điều này mà TQ dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn việc xuất nông sản Mỹ sang TQ qua ngả VN thì nông sản VN có khi bị vạ lây. Ta cần kiểm soát không để điều này xảy ra.
Bởi chúng ta đã thấy điều này khi thép TQ từng qua VN rồi vào Mỹ. Vì lẽ đó thép VN đã từng bị “ vạ lây ” khi vào thị trường Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế đối với hàng hóa VN thì rõ ràng chúng ta sẽ thiệt hại tương đối lớn.
. Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng chúng ta có thể đón được làn sóng đầu tư khi các công ty, đặc biệt là công ty Mỹ rút ra khỏi TQ?
+ Chúng ta biết rằng đầu tư nước ngoài vào VN đang chủ yếu là đầu tư trực tiếp, chứ đầu tư gián tiếp chưa nhiều.
Cũng có người nói cuộc chiến đã tác động tới thị trường chứng khoán VN nhưng chứng khoán toàn cầu bị tác động chứ không riêng gì chứng khoán VN.
Đúng là thời gian qua chứng khoán VN biến động khá mạnh nhưng chúng ta phải nhìn nhận đúng. Năm ngoái chứng khoán VN tăng điểm, năm nay xuống là chuyện bình thường. Những rào cản về kỹ thuật làm cho chứng khoán biến động nhiều hơn.
. Nhưng rõ ràng là chứng khoán “đỏ sàn” làm nhiều người lo lắng. Cũng rất may là mấy nay chứng khoán lại “xanh” hơn.
+ Tôi cho rằng chứng khoán “ đỏ sàn ”, hay xuống là tốt. Nếu chứng khoán cứ lên thế này thì lại không tốt, lên tới 1.300 là gay go. Vì khi xuống như vậy thì chứng khoán phản ánh đúng thị trường. Nếu lên sẽ làm cho vĩ mô bất ổn, mọi người, mọi nhà dồn cho chứng khoán cũng gay.
Chứng khoán vừa rồi là sự dao động của thị trường, nó giảm là tốt cho nền kinh tế về trung và dài hạn, không làm cho kinh tế nóng quá, dẫn đến bất ổn vĩ mô.
TS Nguyễn Đình Cung : Tôi cho rằng chứng khoán “đỏ sàn” là tốt.
. Quay lại cuộc chiến Trung-Mỹ, ông nhận định thế nào về hệ quả của nó với nền kinh tế toàn cầu?
+ Cuộc chiến Trung-Mỹ cộng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hút sản xuất quay về Mỹ. Chúng ta thấy có nhiều loại mặt hàng ở Mỹ thì có tới 75% là sản xuất ở đây và chỉ có 25% mặt hàng đó là Mỹ nhập khẩu, trong đó có nhập khẩu từ TQ.
Chi phí sản xuất ở TQ đang gia tăng, trong khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm giảm chi phí sản xuất tại Mỹ. Các chuyên gia đã tính toán quá trình dịch chuyển sản xuất về Mỹ sẽ kết thúc vào năm 2025.
. Vậy VN có được gì trong cuộc chiến này không?
+ Trước hết chúng ta cần bình tĩnh, đừng đẩy quá cao tác động của cuộc chiến này đối với VN theo hướng mình có lợi hay quá thiệt hại. Nhiều người đẩy vấn đề lên quá.
Về mặt kinh tế thực thì cuộc chiến này không có tác động nhiều đối với kinh tế VN. Chúng ta không nên thổi phồng gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư.
Vậy VN có được cái gì không? Người ta cho rằng VN không được gì. Vì những ngành nghề rút khỏi TQ nếu vào VN thì VN không đủ năng lực, đặc biệt là thiếu nhân công chất lượng cao, lao động tay nghề tốt để đáp ứng.
Tuy vậy, những ngành thâm dụng lao động thì có thể. Chẳng hạn, Nikkei và một số tập đoàn Mỹ đã tuyên bố sẽ chọn VN làm trung tâm trong sản xuất trong một số khâu, ngành mà họ rút khỏi TQ, phù hợp với khả năng hấp thụ của VN.
. Xin cám ơn ông.
Cuộc chiến thương mại do Mỹ áp đặt làm cho quá trình các công ty Mỹ rút khỏi TQ diễn ra nhanh hơn. Đó cũng là một trong những yếu tố muốn thúc đẩy quá trình “nước Mỹ trên hết”. Các nhà sản xuất Mỹ đang dần chuyển về Mỹ. TQ không còn lợi thế chi phí thấp nữa, thêm vào chi phí vận chuyển, năng suất thì sản xuất ở Mỹ trở nên cạnh tranh hơn.
Theo tính toán, hiện có tới bảy ngành nghề đang dịch chuyển sản xuất về Mỹ và có thể tạo ra 2-3 triệu việc làm cho người Mỹ. Khi kinh tế các nước có vẻ đang suy giảm thì kinh tế Mỹ lại đi lên và thị trường thất nghiệp của Mỹ cũng giảm xuống. Xu hướng phân bố lại sản xuất đang xảy ra.
TS Nguyễn Đình Cung
Pháp luật TPHCM