BT- Các dự án du lịch ven biển có diện tích 255 ha mà các ông chủ dự án “xí phần” gần 10 năm nay ở vùng đất Tân Bình (La Gi), hiện đang bỏ hoang phế, công trình xây dựng hư hỏng, xuống cấp… thấy mà đau lòng.
Những dải “đất vàng” bằng phẳng, xa xa hướng biển là những công trình nhà cao tầng xây dở dang đã bỏ hoang phế nhiều năm nay. Trong đó, dự án lớn nhất là Khu du lịch Sài Gòn – Hàm Tân thuộc Công ty cổ phần Sài Gòn – Hàm Tân. Anh Trần Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết: “Dự án này giai đoạn 1 tỉnh cấp 102 ha vào năm 2003; sau đó, giai đoạn 2 cấp thêm 80 ha, nhưng doanh nghiệp chỉ đầu tư xây dựng khu nhà cao tầng rồi bỏ dang dở 6 năm nay. Mới đây, địa phương đã kiến nghị tỉnh thu hồi 80 ha (giai đoạn 2) của dự án vì kéo dài nhiều năm không tác động. Chủ dự án lý giải do tình hình suy thoái kinh tế và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Các dự án vướng mắc chưa có đường giao thông, UBND thị xã La Gi đã xin chủ trương của tỉnh đầu tư các tuyến đường song hành vào dự án, đồng thời đề nghị chủ dự án thương lượng với các hộ dân mua đất trước khu vực dự án để làm đường giao thông, tạo sự thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Song đến nay vẫn chưa có tác động gì…”. Dọc theo bờ biển xanh trong, cát trắng cách Khu du lịch Sài Gòn – Hàm Tân không xa là dự án Bãi biển Bình Tân của Công ty Việt Thuận có diện tích 11,04 ha được tỉnh chấp thuận đầu tư từ năm 2006. Chủ dự án đã triển khai xây dựng được một phần khoảng 40% diện tích, nhưng cũng từ năm 2012 đến nay chủ dự án bỏ mặc, không tiếp tục đầu tư, công trình bỏ hoang phế, xuống cấp.
Khu đất sạch bằng phẳng nhưng chủ dự án không tác động. |
Ngoài các dự án nói trên thì một số dự án khác nằm trên địa phận xã Tân Bình được tỉnh chấp thuận đầu tư khá lâu, nhưng không triển khai. Đó là dự án Khu du lịch Song Thành (Công ty TNHH Song Thành) có diện tích 3,96 ha; dự án Khu du lịch Thái Thành (Công ty cổ phần Thái Thành) có diện tích 4,24 ha; dự án Khu du lịch White Hill (Công ty cổ phần May và In ADV) với diện tích 7,96 ha. Chủ các dự án này cho rằng, dự án không triển khai, không tác động được và để kéo dài nhiều năm bởi lý do “dự án không tiếp giáp với đường giao thông, bị các khu dân cư bao quanh, nên có hoàn chỉnh cũng không thể hoạt động được”. Nằm ngay bên tuyến đường nhựa chạy ra biển là rừng dầu cổ thụ trên dưới 100 năm tuổi. Năm 2010, UBND tỉnh đã chấp thuận giao cho Công ty cổ phần Quốc tế La Gi xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái rừng dầu trên diện tích 23,8 ha. Với khu rừng dầu lý tưởng nằm ở vùng đất bằng phẳng, xưa nay được coi là lá phổi xanh của vùng đất Tân Bình. Tuy nhiên, từ ngày bàn giao khu rừng dầu cho doanh nghiệp đến nay đã gần 8 năm, nhưng Khu du lịch sinh thái rừng dầu vẫn chỉ được rào kín, chủ dự án không tác động.
Vùng “đất vàng” Tân Bình cách đây hơn 10 năm được nhiều nhà đầu tư biết đến, vì điều kiện thổ nhưỡng, địa thế bằng phẳng và vị trí sát biển. Vì vậy, cả 8 dự án phát triển du lịch đều có diện tích khá lớn so các dự án du lịch ở nhiều nơi khác trong tỉnh, nhưng gần 10 năm bỏ hoang. Mãi đến cuối năm 2017, có một dự án khởi động, đó là dự án La Gi Star Resort (hiện đang hoàn tất các thủ tục để điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng để tiến hành xây dựng). Dư luận cho rằng có thể do các dự án diện tích lớn nên chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính. Từ đó, lấy đủ lý do để kéo dài dự án. Mặc dù những năm qua chính quyền và ngành chức năng ở thị xã La Gi đã nhiều lần làm việc với các chủ dự án để tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng và cam kết về thời gian, nhưng các chủ dự án vẫn chậm triển khai, gây bức xúc trong nhân dân địa phương. Trước thực trạng nói trên, các ngành chức năng và địa phương cần xem xét lại khả năng thực hiện của từng doanh nghiệp để tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi, nếu không đủ năng lực tài chính hoặc có ý định “sang tay” dự án.
LÊ THANH