Chính phủ Lào sẽ mở cuộc điều tra vụ vỡ đập phụ của dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy, bao gồm khả năng để xảy ra sai sót trong quá trình xây dựng.
Báo Nikkei Asian Review hôm 25-7 dẫn nguồn tin Bộ Năng lượng và Khai thác mỏ Lào cho biết mực nước dâng cao do mưa lớn có thể không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến vụ vỡ con đập đã được hoàn thành 90%.
Chính phủ Lào sẽ sớm mở cuộc điều tra về khả năng để xảy ra sai sót trong quá trình xây dựng đập. Các nhà phát triển và điều hành đập – bao gồm các công ty Hàn Quốc, Thái Lan và Lào – đã cử chuyên gia đến hiện trường hôm 25-7. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng gửi một đội cứu hộ tới trợ giúp.
Trong một cuộc họp báo trên truyền hình, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết 131 người vẫn mất tích trong khu vực bị ngập lụt ở tỉnh Attapeu. Truyền thông địa phương đưa tin số người thiệt mạng đã lên tới 26 trong khi hơn 3.000 người đang chờ giải cứu và 1.300 ngôi nhà bị hư hại.
Đập bị vỡ là 1 trong 5 đập được xây dựng để dẫn nước xung quanh đập chính của dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy công suất 410 MW, trị giá 1 tỉ USD. Một trong các nhà đầu tư dự án – Công ty Ratchaburi Electricity Generating Holding (Thái Lan) – nói rằng nguyên nhân gây ra vỡ đập là do mưa lớn khiến mực nước dâng cao.
Các đối tác liên doanh khác bao gồm Công ty SK E&C, Korea Western Power (Hàn Quốc) và Lao Holding State Enterprise (Lào).
SK E&C cũng cho biết sẽ điều tra nguyên nhân vỡ đập là do bị sập hoặc tràn bởi mưa lớn, cũng như cam kết nhanh chóng có hành động cần thiết.
Theo kế hoạch, dự án sẽ đi vào hoạt động trong tháng 2-2019 sau 5 năm xây dựng. Ước tính dự án sẽ mang lại khoảng 130 tỉ won (116 triệu USD)/năm. Thời điểm này, Lào đang tích cực xây đập trên sông để bán điện cho các nước láng giềng.
Hơn 70 dự án thủy điện đã được lên kế hoạch hoặc đã đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, tổ chức phi chính phủ International Rivers cảnh báo nhiều đập được lên kế hoạch xây dựng hoặc đi vào hoạt động mà không được thiết kế để chống chọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Vụ vỡ đập gián tiếp làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của SK Holdings – công ty mẹ của SK E&C. Hôm 25-7, giá cổ phiếu của SK Holdings giảm 5,11%.
Người Lao động/Nikkei Asian Review