Các nhà điều tra vụ MH370 mất tích bí ẩn hôm 30-7 nói rằng họ không thể loại trừ khả năng máy bay bị cướp, trong bản báo cáo cuối cùng về chuyến bay xấu số này.
Giới chức điều tra nói rằng chiếc máy bay mất tích trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh vào tháng 3-2014 với 239 người đã quay ngược lại dưới sự điều khiển bằng tay và không thể loại trừ “sự can thiệp bởi một bên thứ ba”.
Tuy nhiên, gia đình của những người trên chuyến bay này vẫn chưa có được những câu trả lời cuối cùng cho vụ việc được cho là một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không thế giới sau khi các chuyên gia tuyên bố họ vẫn không thể nói chính xác tại sao chiếc máy bay lại biến mất.
Sau nhiều năm, các nhà điều tra vẫn không tìm được bằng chứng vững chắc nào để khẳng định điều đã xảy ra với chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines.
Theo Daily Mail, gia đình của những hành khách mất tích nói rằng báo cáo 1.500 trang của chính phủ Malaysia về MH370 không đưa ra kết quả mới nào và giới chức trách nói rằng họ không thể xác định nguyên nhân thực sự của việc máy bay biến mất.
Tuy nhiên, báo cáo nêu bật lên những sai lầm và những hướng dẫn, quy chuẩn không được tuân thủ, theo gia đình của các nạn nhân.
Người đứng đầu cuộc điều tra – ông Kok Soo Chon – cho biết giới chức điều tra đã xác nhận máy bay đã quay vòng lại dưới sự điều khiển bằng tay và từ đó họ không thể loại trừ khả năng có sự can thiệp của bên thứ ba.
“Chúng tôi có thể kết luận MH370 quay lại và nó quay lại không phải vì bất thường nào trong hệ thống máy móc. Nó quay lại không theo điều khiển tự động mà dưới sự điều khiển bằng tay” – ông Kok Soo Chon nói.
Tuy nhiên, đội điều tra không thể nói chính xác tại sao chiếc máy bay lại lạc khỏi hành trình và biến mất. Ông Kok nói: “Câu trả lời chỉ có thể chắc chắn nếu tìm thấy xác máy bay”.
Báo cáo 1.500 trang chưa đưa ra kết quả nào mới. Ảnh: EPA
Báo cáo vừa đưa ra có nhắc lại khẳng định của Malaysia rằng chiếc máy bay bị chuyển hướng và bay trong hơn 7 giờ sau khi cắt đứt thông tin liên lạc.
Grace Nathan, một luật sư là con gái của một nạn nhân có tên Anne Daisy trên MH370, nói: “Chúng tôi hy vọng những sai lầm đó sẽ không bi lặp lại và phải có những biện pháp để ngăn chặn điều đó trong tương lai”.
Voice 370, một nhóm vận động chủ yếu gồm gia đình của các nạn nhân trên chuyến bay MH370, trước đó đã hối thúc chính phủ Malaysia rà soát lại chuyến bay, trong đó xem xét tới bất cứ khả năng giả mạo hoặc loại bỏ hồ sơ liên quan tới MH370 và cả vấn đề bảo trì của máy bay.
Gia đình của các nạn nhân cũng cho biết báo cáo đã chỉ ra sai sót của trung tâm điều khiển không lưu Malaysia (ATC). Nó cho thấy chỉ có 2 cuộc gọi từ mặt đất cho máy bay trong vòng 4-5 giờ sau khi máy bay khởi hành.
Lô hàng bí ẩn
Theo báo New Zealand Heral, Voice 370 cũng đã đề nghị chính phủ Malaysia công bố chi tiết danh sách các kiện hàng trên máy bay MH370, trong một lá thư gửi cho cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và Bộ trưởng Giao thông Malaysia trước đây.
Danica Weeks, vợ của Paul Week, một hành khách quốc tịch New Zealand trên chuyến bay MH370, xác nhận Voice 370 vẫn quan tâm về chi tiết lô hàng 2,2 tấn – trong đó có kiện hàng “sạc và phụ kiện radio” – vì sao lại không được đưa vào danh sách thống kê.
“Chúng tôi thực sự không biết chính xác có gì trong lô hàng đó. Điều này có nghĩa là hơn 4 năm chúng tôi vẫn chưa được xem bản kê đầy đủ lô hàng. Chúng tôi vẫn không rõ phụ kiện radio đó là gì”- bà Weeks nói với trang News.com.au hồi tháng 5.
Đề nghị trên được đưa ra sau khi cựu Giám đốc điều hành Malaysia Airlines Ahmad Jauhari Yahya tiết lộ trong cuộc họp báo hôm 20-3-2014 rằng máy bay MH370 có chở theo khoảng 200 kg pin trên khoang. Số pin này được chuyển từ công ty NNR Global Logistics ở Penang (Malaysia) đến công ty JHJ International Transportation ở Bắc Kinh.
Giới chức Malaysia chỉ công bố danh sách hàng hóa trên khoang của MH370 khoảng 2 tháng sau khi chiếc máy bay này mất tích. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây vẫn chưa phải bản kê khai đầy đủ.
Hãng hàng không Malaysia Airlines sau đó ra thông cáo thừa nhận lô hàng pin đó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong khoang hàng, còn lại là lô hàng sạc và phụ kiện radio.
Người Lao động