Hà Nội có rà soát lại và đề xuất việc thu hồi dự án. Việc thu hồi đã được Thành phố, Thành ủy, HĐND thông qua…
Trước khi điều chỉnh địa giới, mỗi năm TP Hà Nội chỉ xây dựng 1-2 triệu m2 nhà ở thì đến năm 2017 đã đạt tới 11 triệu m2 nhà ở. Không thể phủ nhận kết quả đó, song đến nay vẫn tồn tại nhiều khu đô thị, dự án bỏ hoang, xây dựng dở dang gây lãng phí…
Điển hình trong các khu vực có nhiều dự án bỏ hoang, xây dựng dở dang phải kể đến là địa bàn Mê Linh. Trong tổng số 47 dự án khu đô thị và dự án phát triển nhà ở trên địa bàn đến nay gần chục năm nay vẫn hoang tàn, dở dang.
Riêng tại xã Tiền Phong nơi tập trung gần 20 dự án nhà ở nhưng hầu như đều bỏ không, cỏ mọc xanh um như: Dự án Làng Quốc tế Tiền Phong gần 30ha, Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty CP Vinh Sơn trên 60ha; dự án làng hoa Tiền Phong của Công ty TNHH Tiền Phong trên 40ha….
Khu đô thị Hà Phong ở Mê Linh hiện mới có rất ít người về ở, còn lại việc xây dựng hoàn thiện vẫn dở dang, nham nhở…. |
Hay tại phía Tây Hà Nội, các huyện Hoài Đức, Thạch Thất… cũng đang tồn tại nhiều dự án, khu đô thị dở dang như: khu đô thị Lideco Bắc 32 của Công ty Cổ phần phát triển Đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư nằm tại trung tâm thị trấn Trạm Trôi; khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, khu đô thị Nam 32, Vân Canh….
Có chuyên gia cho rằng, việc tồn tại những khu đô thị nói trên một phần là hậu quả của việc quá dễ dãi trong vấn đề cấp đất, giao đất, phê duyệt các dự án trước kia.
Còn khi trao đổi với PV Infonet, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên kiến trúc sư trưởng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho hay, trước khi mở rộng địa giới, Hà Nội, Hà Tây, Mê Linh và 4 xã Hòa Bình là những khu vực đã có tốc độ đô thị hóa cao, có hơn 700 dự án phát triển ở thời điểm bắt đầu mở rộng.
Nhưng sau 3 năm, quy hoạch chung được duyệt đã định hướng lại cho Hà Nội trở thành đô thị thống nhất và có mục tiêu chung. Vì thế, cần rà soát lại các dự án để tích hợp với Hà Nội mở rộng với tiềm năng mới. Theo đó, Hà Nội đã rà soát lại rất nhiều quy hoạch và đã đưa ra gần 500 dự án phải rà soát lại khu đô thị, chức năng sử dụng để phù hợp với mô hình thành phố Hà Nội sau mở rộng.
Mặc dù đánh giá, sau 10 năm có rất nhiều khu đô thị phát triển, có bản sắc mới nhưng ông Nghiêm cho biết, đến nay đã bộc lộ nhiều khu đô thị thiếu năng lực đầu tư xây dựng và thiếu trình độ quản lý các khu đô thị.
“Với thực trạng đó, Hà Nội có rà soát lại và đề xuất việc thu hồi dự án. Việc thu hồi đã được Thành phố, Thành ủy, HĐND thông qua… nhưng do lúc đầu phát triển từ 3-4 đơn vị khác nhau nên cần có cơ chế chính sách, cơ chế rà soát lại”, ông Nghiêm nói.
|
Tồn tại nhiều khu đô thị bỏ không, cỏ mọc xanh um như thế này là vấn đề lớn đặt ra cho Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính. |
Cũng theo ông Nghiêm, sau 5 năm thực hiện Luật Thủ đô và sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã đề xuất với Trung ương một số cơ chế, chính sách đặc thù để tạo thuận lợi, nâng cao vị thế của Hà Nội lên. 6 đặc thù được đề xuất đặc biệt là vấn đề nguồn lực, xử lý vi phạm, thu hồi…. đã được đặt ra, nếu Nhà nước phê duyệt thì Hà Nội sẽ có cơ sở pháp lý và khả năng thu hồi.
“Việc để tồn đọng như thế thì vai trò của Nhà nước là quan trọng nhưng cũng cần nâng tầm cộng đồng dân cư lên. Vừa qua có nhiều cơ quan truyền thông báo chí cũng đã phát hiện ra những vấn đề tồn tại ở từng khu đô thị… tạo điều kiện cho chính quyền có tầm nhìn, điểm nhìn thích hợp để giải quyết bức bách. Với Hà Nội rộng lớn vấn đề cần đẩy nhanh công tác rà soát các dự án để có định hướng thích hợp, nhất là có điều chỉnh vì mục tiêu chung của Hà Nội và xây dựng cộng đồng dân cư chứ không phải vì lợi ích riêng của các chủ đầu tư”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nghiêm cũng đánh giá, các khu nhà cao tầng hiện nay được xây dựng khi chưa xây dựng hạ tầng, khi có nhà ở thiếu không gian công cộng, thiếu chỗ đỗ xe… Vấn đề đặt ra là xây dựng phải thực hiện theo kế hoạch và các cơ quan quản lý phải giám sát việc thực hiện này chứ không để chủ đầu tư làm theo nguồn lực họ có.
Đồng thời, nhà nước cũng cần phối hợp với chủ đầu tư để tạo ra sự đồng bộ từng vùng, từng khu vực chứ không phải chỉ để họ tự phát trong ranh giới từng khu đô thị.
Cuối cùng, ông Nghiêm lưu ý, phát triển những khu đô thị mới phải gắn với mục tiêu chung của Hà Nội, đặc biệt gắn với kế hoạch trọng điểm đầu tư chứ không tràn lan như trước đây. Đây là vấn đề khó, nhưng hy vọng sau khi có có sở pháp lý, cơ chế đặc thù thì Hà Nội sẽ quyết liệt hơn để giải quyết được vấn đề để tránh chuyện lãng phí, đạt mục tiêu xây dựng đô thị sinh thái…
Infonet