Tăng trưởng công nghiệp của thủ phủ Samsung – tỉnh Bắc Ninh trong tháng 7 giảm xuống còn 19,5%.
Bộ phận nghiên cứu bán lẻ và tư vấn đầu tư – Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Việt Nam tháng 7.
Theo đó, sản lượng điện thoại di động sản xuất trong tháng 7 là 14,9 triệu chiếc, mức thấp nhất 17 tháng. Điều này khiến cho chỉ số công nghiệp điện tử tháng 7 tăng thấp, đạt mức 12,2% và kéo tổng 7 tháng xuống còn 16,4%.
Tăng trưởng công nghiệp tình Bắc Ninh, thủ phủ của Samsung, trong tháng 7 giảm xuống còn 19,5%. Trong khi quý 1 và cả năm 2017 đạt lần lượt 38% và 37,2%. Cũng trong tháng 7, chỉ số lao động của Bắc Ninh giảm -3.2%.
Ngoài Bắc Ninh, Đà nẵng cũng chứng kiến chỉ số lao động giảm -6.8% do một doanh nghiệp điện tử cắt giảm 2.4 nghìn lao động. Tính chung, chỉ số lao động ngành sản xuất điện tử tháng 7 giảm -0.3%, là lần đầu tiên trong nhiều năm có mức tăng trưởng âm. Chỉ số lao động toàn ngành công nghiệp vì vậy cũng giảm xuống 3%, thấp nhất 14 tháng dù lao động ngành khai khoáng bất ngờ có tăng trưởng dương do tăng cường khai thác than.
Tháng 7 ghi nhận 2 dấu ấn nổi bật trong ngành dầu khí. Thứ nhất là nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động và thứ hai là ngành khai thác dầu khí đạt tăng trưởng dương sau 4 tháng âm liên tiếp.
Chỉ số công nghiệp khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tháng 7 bất ngờ đạt tăng trưởng dương 0.3% nhờ khai thác khí thiên nhiên quay đầu tăng mạnh 18.9%, trong khi khai thác dầu thô vẫn giảm sâu -14.7%.
Một điểm có thể coi là tích cực với ngành dầu khí là giá dầu đang ổn định ở mức cao, trong khoảng 65-70 USD/thùng, cao hơn so với kế hoạch và dự báo của Bộ tài chính cũng như của Bộ KHĐT. Giá trị sản xuất của ngành dầu khí vì vậy có tăng trưởng cao dù sản lượng giảm nhẹ.
Theo ước tính của SSI, tổng sản lượng dầu và quy đổi dầu trong tháng 7 giảm -1% YoY nhưng về giá trị lại tăng +50% YoY và tính chung 7 tháng tổng sản lượng quy đổi dầu giảm -3%, giá trị tăng +38%.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu bán lẻ và tư vấn đầu tư (SSI) cho rằng, tăng trưởng vẫn chưa có được sức bật để đảo chiều xu hướng chậm dần đều tính từ đầu năm.
“Chiến tranh thương mại sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến Việt Nam. Trong các ảnh hưởng gián tiếp, đồng CNY mất giá và nhu cầu giảm của Trung Quốc sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt nam trong những tháng tới. Đây là nhân tố mới cần được theo dõi chặt chẽ để có những phương án ứng phó kịp thời” – ông Nguyễn Đức Hùng Linh nêu rõ.
Theo Trí thức trẻ