Không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông cửa ngõ phía đông TP HCM, cầu Cát Lái còn giúp tăng sự kết nối giữa TP với tỉnh Đồng Nai, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội.
UBND tỉnh Đồng Nai và UBND TP HCM đã có cuộc họp bàn xung quanh việc thực hiện xây cầu Cát Lái, nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với quận 2, TP HCM và bước đầu đưa ra quyết định sẽ để phía tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án.
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị để tỉnh này nhận trách nhiệm xây cầu vì cho rằng địa phương này cần kíp việc xây cầu hơn nên muốn đứng ra chủ trì thực hiện dự án. Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GT-VT TP HCM tán thành với đề xuất này, cho rằng phía TP HCM cho biết hiện đang rất nhiều việc, nguồn kinh phí chưa tập trung được, khó triển khai nhanh nên nếu để Đồng Nai chủ trì thực hiện dự án cũng là hợp lý. Dự kiến công trình có thể bắt đầu khởi công từ năm 2020.
Xóa “điểm đen” ùn tắc giao thông cửa ngõ phía đông TP HCM
Trước đó, tháng 5-2017, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, TP HCM khẩn trương bắt tay nghiên cứu thực hiện dự án xây cầu Cát Lái, đồng thời triển khai nhiều công trình cải tạo, nâng cấp đường, xây dựng nút giao Mỹ Thủy…, để giảm tải tình trạng ùn tắc, tai nạn quanh khu vực này. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển đô thị, nhu cầu đi lại tăng nhanh, dẫn đến áp lực giao thông trên các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái ngày càng lớn.
Vào các dịp lễ Tết, 2 đầu phà Cát Lái phía quận 2, TP HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai thường xuyên chịu cảnh ùn tắc
Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 – Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, lưu lượng xe ra vào cảng Cát Lái hiện trung bình vào khoảng 16.000 lượt xe/ngày đêm, cao điểm lên tới 19.000 lượt, vượt gần gấp đôi năng lực của các tuyến đường xung quanh. Trong đó, căng thẳng nhất xảy ra trên đường Nguyễn Thị Định, khi toàn bộ lượng xe ra vào khu cảng nêu trên cùng phà Cát Lái đều phải qua tuyến đường này.
Tại khu vực Cát Lái hiện có cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, nối TP HCM với Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…, tuy nhiên tuyến cao tốc này hiện đang chịu áp lực giao thông rất lớn và lại chỉ dành cho ôtô lưu thông. Vì vậy, nhu cầu đi lại, kết nối giữa quận 2, TP HCM với Đồng Nai cùng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào phà Cát Lái.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà Thanh niên xung phong (đơn vị quản lý phà Cát Lái), lưu lượng xe qua phà hiện trung bình mỗi ngày vào khoảng 40.000 – 45.000 lượt, cao điểm trong những dịp lễ Tết có thể lên tới gần 100.000 lượt khách. Tình trạng trên khiến kẹt xe cục bộ thường xuyên xảy ra ở cả 2 đầu phà. Vì vậy, những dịp cao điểm, ông Tuấn cho biết đơn vị phải huy động toàn bộ lực lượng, tăng cường phương tiện mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân qua đây.
Nhu cầu đi lại giữa quận 2, TP HCM với Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào phà Cát Lái
Còn theo anh Nguyễn Hùng Khoa (ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2), mỗi ngày anh phải dậy từ rất sớm để tới làm việc tại một công ty kiến trúc bên huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) vì sợ tắc đường, kẹt phà. Chưa kể, anh Khoa nói mình cũng luôn bất an khi chạy trên đường Nguyễn Thị Định, đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy tới phà Cát Lái vì đường xấu, trong khi các loại xe trọng tải lớn chạy rầm rập. “Tôi trông chờ vào việc xây cầu Cát Lái bởi nếu có cầu, cộng với việc cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Thị Định thì không chỉ rút ngắn được thời gian đi lại mà còn giảm nỗi lo tai nạn” – anh Khoa chia sẻ.
Đánh thức tiềm năng khu vực phía đông tỉnh Đồng Nai
Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định địa phương này đang có nhiều kỳ vọng vào cầu Cát Lái. Cả khu vực phía Đông của tỉnh dường như đang dẫm chân tại chỗ, phát triển ì ạch. TP mới Nhơn Trạch được xây dựng cách đây hàng chục năm nay gần như không một bóng người, hạ tầng bỏ không, những căn biệt thự xây dựng dở dang hoặc chìm trong rêu phong, cỏ dại. Hệ thống bến cảng hoạt động cầm chừng. Cả vùng đất địa thế bằng phẳng hiện vẫn để cho trâu bò gặm cỏ.
Những trục đường chính tại “thành phố” Nhơn Trạch hiện đang vắng bóng người
Dự án sân bay quốc tế Long Thành sắp được thực hiện, dù có hệ mạng lưới cao tốc đang ngày càng kết nối nhiều nơi hơn nhưng khu vực phà Cát Lái cũng không thể chậm hiện đại hóa để có thể bắt kịp tốc độ phát triển.
Chưa kể ngoài đánh thức tại chỗ tiềm năng khu vực, việc xây cầu Cát Lái kết nối Đồng Nai- TP HCM đồng thời còn giúp năng lực vận tải từ Bà Rịa- Vũng Tàu đến cả các tỉnh miền Tây tăng mạnh. Còn TP HCM, hướng phát triển về phía Đông không thể để có một “điểm lùi”. Phà Cát Lái đang đi về phía lạc hậu. Tại khu vực này hiện đã, đang có nhiều bất cập.
Vùng đất ngày nào được quy hoạch thành phố với kỳ vọng người đổ về nườm nượp hiện đang là thành phố “ma”
Khi nghe tin cầu Cát Lái có thể sắp được triển khai, người dân ở xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch rất vui mừng. Họ đã quá “ngán” với cảnh ùn tắc giao thông, việc chờ đợi qua phà mỗi khi có công chuyện, nhất là vào các dịp lễ, tết. “Chúng tôi sống gần TP HCM, gần đô thị mới Nhơn Trạch nhưng hiện vẫn là vùng nông thôn. Có cầu, các xã vùng nông thôn này sẽ đổi khác”- chị Mai, ngụ xã Phú Hữu, nói.
Đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án, tới đây, ngành chức năng Đồng Nai và TP HCM sẽ tiếp tục có các cuộc trao đổi, thống nhất các phương án xây dựng, chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Cầu Cát Lái nối trục kinh tế phía Đông, có chủ trương xây dựng từ nhiều năm nay nhưng chưa thực hiện được. Dự kiến cầu dài 3.782 m, phần cầu chính dài 650 m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp. Cầu có tĩnh không thông thuyền 55 m, rộng 37,7 m, gồm 6 làn xe cơ giới và 3 làn xe thô sơ, lề bộ hành mỗi bên 1,5 m. Tổng kinh phí dự án là 7.182 tỉ đồng.
Theo đề xuất trước đó, điểm đầu dự án kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2, TP HCM) và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2 km thuộc xã Phú Hữu, đô thị Nhơn Trạch (Đồng Nai). Về hướng tuyến, công trình chạy dọc theo đường Nguyễn Thị Định đến khoảng đầu đường nội bộ số 21 rẽ phải vượt sông Đồng Nai, hướng về đường Lý Thái Tổ – đô thị Nhơn Trạch, sau đó rẽ trái kết nối với đường Lý Thái Tổ.
Người lao động