Chính Phong
– Ai nghe đến dự án nhiệt điện than cũng lo lắng, như Long An có 2 dự án với tổng công suất 2.800 MW và có tổng vốn đầu tư lên tới 5 tỉ đô la Mỹ.
“Dự án bị người dân phản ứng nên Long An muốn đưa nhà máy nhiệt điện ra xa, đến gần TPPHCM, nhưng khi muốn vị trí đặt nhà máy gần TPHCM, thì bắt đầu TPHCM la”, ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ cho biết, “Điều này có nghĩa là ai cũng nhìn nhà máy nhiệt điện than như cái bãi rác, không muốn ở gần nhà mình, đưa càng xa càng tốt”.
Chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than ở Long An là các công ty Hàn Quốc. Ở nước này thì sao? Hàn Quốc sẽ đóng cửa 10 nhà máy điện than cũ vào năm 2025, họ có kế hoạch đầu tư 37 tỉ đô la cho năng lượng tái tạo vào năm 2025.
Hàn Quốc cũng nhiều nước cố gắng đóng cửa các nhà máy điện than để chuyển sang sản xuất điện từ các nguồn năng lượng khác thì ta làm ngược lại. Theo quy hoạch điện 7 có chỉnh sửa, năm 2014, điện than chiếm 26% tổng điện lượng sẽ tăng lên thành 53% vào năm 2030.
Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới trong việc xây dựng các nhà máy điện than, theo khảo sát của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và môi trường CoalSwarm, Greenpeace, Sierra Club.
Trung Quốc năm ngoái cho đóng cửa tổng cộng 151 nhà máy điện than đang hoạt động và đang xây dựng trên nước họ. Họ cũng là nhà vô địch của thế giới về đầu tư vào năng lượng tái tạo. Nhưng họ vẫn là nước hăng hái nhất trong việc giúp đỡ các nước khác phát triển điện than. Trung Quốc đang xây dựng và hỗ trợ vốn cho hơn 200 nhà máy điện than ở 31 quốc gia.
Dễ hiểu vì sao họ hăng hái như vậy. Họ đang hoạt động tích cực nhất trong các ngành liên quan đến nhiên liệu hóa thạch cực đoan (extreme fossil fuels). Trong giai đoạn 2014-16, trong tốp 5 ngân hàng tài trợ vốn lớn nhất cho các dự án nhiên liệu hóa thạch cực đoan (trong đó có khai thác than) thì có 4 ngân hàng của Trung Quốc: Bank of China, China Construction Bank, Industrial and Commercial Bank of China, Agricultural Bank of China. Trong số 40 công ty đang sản xuất than nhiều nhất trên thế giới, có 19 công ty của Trung Quốc.
Vẫn là 4 ngân hàng trên giữ 4 vị trí dẫn đầu trong danh sách 36 ngân hàng trên thế giới tài trợ vốn vào các dự án điện than. Trong tổng số 74,7 tỉ đô la mà các ngân hàng cho các dự án điện than vay ở giai đoạn 2014-2016 thì 4 ngân hàng Trung Quốc đã chiếm 26,2 tỉ đô la. Trong số 10 công ty sản xuất điện than lớn nhất thế giới, có 7 công ty của Trung Quốc. Đó là những số liệu trong báo cáo “Banking on Climate Change 2017”.
Như vậy, Trung Quốc sẵn vốn, sẵn than, sẵn công nghệ, sẵn luôn cả chính sách “Một vành đai, một con đường”. Họ cần bán, họ cần khách hàng. Và họ không khó để tập hợp quanh họ các “nhà tư vấn”.
Các dự án điện cần rất nhiều vốn, các nước đang phát triển cần điện, mà điện nào rẻ nhất, nhanh nhất về xây dựng và vận hành? Điện than. Và địa chỉ nào gõ cửa dễ nhất? Ai cũng có câu trả lời.
Hơn 200 dự án điện người Trung Quốc đang thực hiện trên 31 quốc gia tập trung ở châu Phi và châu Á, nào Mông Cổ, Ấn Độ, Nam Phi, Kenya, Zimbabwe… Pakistan đang thực hiện kế hoạch xây 12 nhà máy điện than trong 15 năm tới với vốn chủ yếu từ Trung Quốc.
Còn đầu tư nước ngoài vào điện than Việt Nam? Theo số liệu từ tổ chức Green ID, Trung Quốc đầu tư vào 50% các dự án điện than ở Việt Nam qua các ngân hàng của họ, tiếp theo là Nhật Bản với 23%, Hàn Quốc với 18%, còn lại 9% của các nước khác. Các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ đã từ chối góp vốn vào các dự án nhiệt điện vì lý do môi trường.
Trung Quốc nói họ đang hướng đến công nghệ điện than sạch. Hiện có 3 công nghệ đốt than tạo hơi nước để quay turbin sản xuất ra điện là cận tới hạn (sub-critical), siêu tới hạn (super-critical) và tột cùng tới hạn (ultra-super-critical).
Các công nghệ này thực chất là đốt than sao cho hiệu quả, tạo hơi nước nóng và nhiều áp suất hơn để quay turbine nhanh hơn, sản xuất điện nhiều hơn trên một lượng than. Tức là tạo nhiều điện hơn với một lượng than ít hơn, và theo đó là với lượng khí thải ít hơn.
Nhưng công nghệ nào thì cũng là đốt than và tạo ra khí thải.
Trung Quốc đang tự hào khi đưa ra thống kê, trong số 100 nhà máy điện than hoạt động hiệu quả nhất trên nước họ, 90 dùng công nghệ super-critical và 10 dùng công nghệ ultra-super-critical. Nhưng trong bức tranh tổng thể của họ, công nghệ thấp vẫn chiếm phần lớn. Trong tổng số 920 GW điện than ở Trung Quốc, 19% từ công nghệ ultra-super-critical, 25% từ super-critical và 56% từ sub-critical.
Công nghệ càng cao, đầu tư ban đầu càng lớn. Về lý thuyết, đầu tư vào super-critical lớn hơn 20% so với sub-critical, đầu tư vào ultra-super-critical lại lớn hơn 20% nữa so với super-critical. Trung Quốc còn chưa giải quyết được 56% công nghệ thấp ở nước họ, mong gì họ mang công nghệ mới nhất đi nước khác?
Các nước đang phát triển thì đang kêu gào điện với giá đầu tư rẻ nhất, các tiêu chuẩn về môi trường của họ cũng đang rất thấp thì cớ gì họ cần dùng công nghệ đắt nhất? Vậy nên chuyện môi trường và sức khỏe của con người là chuyện của ai đó khác, chứ không phải chuyện của mình.