Theo đề xuất của UBND tỉnh Lào Cai, sân bay Sa Pa được xây dựng tại huyện Bảo Yên sẽ được đầu tư theo 2 giai đoạn để cuối cùng đạt công suất 1,5 triệu hành khách và 2.880 tấn hàng hóa mỗi năm. UBND tỉnh Lào Cai cũng đề xuất 2 phương án đầu tư hoặc xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hay nguồn vốn xã hội hóa.
Có thể không ít người ngỡ ngàng với đề xuất xây sân bay của Lào Cai, song điều này thực ra lại không hề bất ngờ. Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có kế hoạch đầu tư xây dựng 3 sân bay ở khu vực Tây Bắc là sân bay Nà Sản ở tỉnh Sơn La, sân bay Lai Châu và sân bay Lào Cai với tổng mức đầu tư hơn 9.813 tỉ đồng. Trong đó, sân bay Lào Cai có mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới gần 5.000 tỉ đồng.
Việc Lào Cai rồi đây có thể có tên trong danh sách khá dài các tỉnh, thành nước ta có sân bay đã khiến đặt ra không ít câu hỏi. Đầu tiên, quan trọng nhất tất nhiên là vấn đề tiền đâu để xây. Ngân sách ư? Trong bối cảnh ngân sách nhiều khó khăn, nợ công cao hiện nay thì rất khó để thu xếp nguồn vốn hơn 5.700 tỉ đồng để xây sân bay.
Bên cạnh đó, nếu Lào Cai “xin” được ngân sách xây sân bay thì Sơn La, Lai Châu và nhiều tỉnh, thành khác cũng đua theo, đòi “bấu” vào ngân sách. Thu xếp vốn cho sân bay Long Thành tỉ đô chưa xong, lấy đâu ra tiền ngân sách để xây hết sân bay này tới sân bay khác cả nghìn tỉ đồng?
Còn huy động vốn xã hội hóa? Thật chẳng dễ để kêu gọi nguồn vốn tới hơn 5.700 tỉ đồng để đầu tư vào xây dựng sân bay Lào Cai khi mà khả năng thu hồi vốn có thể nói rất mờ mịt.
Với quy mô dân số khoảng 95 triệu người, diện tích hơn 330.000 km2, Việt Nam hiện có 22 sân bay là nhiều hay ít? Các đại biểu Quốc hội từng thống kê là chỉ riêng 14 tỉnh, thành miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, đã có đến 9 sân bay. Mật độ sân bay dày đặc nhưng hiệu quả khai thác rất thấp.
Có một thực tế mà không ai có thể bác bỏ được là hiện mới chỉ có vài ba sân bay có lãi, trong đó chủ yếu là 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, còn lại đều thua lỗ triền miên. Chuyện lạm phát, thua lỗ sân bay cũng như cảng biển chẳng khác nào căn bệnh trầm kha, biết mà không “chữa” được, biết mà không tránh được. Bởi căn nguyên có phần xuất phát từ một cuộc đua không lành mạnh giữa các địa phương, ai cũng muốn có cái riêng của mình, bất chấp hiệu quả ra sao. Tư tưởng cục bộ địa phương đã dẫn tới không ít bài học đắt giá như xây dựng cảng biển, sân golf, khu công nghiệp…
Xây sân bay tốn số vốn lớn, hiệu quả thấp, thậm chí không hiệu quả… dẫn tới lãng phí nguồn lực quan trọng về vốn, tài nguyên đất đai cùng nhiều hệ lụy khác. Đó là điều mà ai cũng thấy, vậy cứ đua xây sân bay làm gì?
PHAN ĐĂNG