TPO – Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện một số địa phương đã tạm dừng cấp phép dự án Condotel vì sợ tranh chấp do cơ sở pháp lý của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này chưa có quy định rõ ràng.
Nhiều chủ đầu tư condotel ‘kiếm được tiền rồi chạy’
Tại diễn đàn bất động sản (BĐS) du lịch biển vừa được tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã chỉ ra một số bất cập của thị trường BĐS nghỉ dưỡng hiện nay. Ông Hà cho rằng, với BĐS nghỉ dưỡng, các chính sách liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo trì cần phải được hoàn thiện như quy định, hướng dẫn cụ thể.
“Trên thị trường BĐS, hiện tình trạng tại các dự án chung cư xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và người sở hữu rất căng thẳng về bảo trì, không gian sở hữu. Condotel cũng gần giống mô hình nhà chung cư khi có nhiều chủ sở hữu và thuê đơn vị quản lý, vận hành chung nên cần có quy định như vậy”, ông Hà dẫn chứng.
Đồng thời vị này cũng cho rằng, việc bảo trì các căn hộ condotel thế nào, quản lý ra sao, mô hình chia sẻ lợi nhuận, hợp đồng mua bán, ủy quyền… đều chưa có quy định của Nhà nước. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư cần có quy định, sự hướng dẫn của cơ quan quản lý.
Cùng quan điểm, ông Lee Pearce – đại diện Tập đoàn Accor Hotel cho biết, loại hình condotel là tích cực, bùng nổ tại Mỹ những năm 2002 đến năm 2006. Tuy nhiên người mua cũng cần ý thức được một số cạm bẫy từng xảy ra trong lịch sử để tránh rủi ro.
Theo ông Lee Pearce, cạm bẫy đầu tiên là không ít chủ đầu tư condotel chỉ tập trung vào việc “kiếm được tiền rồi chạy”. Ông lý giải, chủ đầu tư dạng này chỉ tập trung tính chuyện huy động được vốn, xây dựng công trình và bàn giao cho đơn vị quản lý, nhưng khi dự án đi vào vận hành không đáp ứng đầy đủ những hứa hẹn cam kết với khách hàng.
Bên cạnh đó là những rủi ro do chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền, dư thừa nguồn cung hoặc không nghiên cứu kỹ thị trường.
“Có thể khi nghiên cứu, chủ đầu tư tính toán giá thuê khoảng 400USD nhưng thực tế giá thị trường chỉ bằng một nửa dẫn đến đổ vỡ tài chính. Tuy tình trạng này cũng không phải xảy ra với tất cả các chủ đầu tư, song ông Lee Pearce cho rằng cơ quan quản lý cần phải có biện pháp khắc phục những điểm bất lợi đó một cách càng sớm càng tốt”, vị này nhấn mạnh.
Tạm dừng cấp phép căn hộ condotel
Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Khởi Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, Condotel là loại hình mới, phát triển nhanh và đa dạng ở Việt Nam. Nhưng thời gian qua loại hình này đang tồn tại nhiều vấn đề gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, các nhà đầu tư và nhà quản lý. Trong đó, vấn đề nổi cộm hiện nay đối với loại hình này là tính pháp lý.
Vị Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS cho rằng, đến thời điểm này cần phải thống nhất và không cần bàn cãi việc “Condotel không phải là nhà ở”. Theo đó, đây là loại hình BĐS du lịch nhưng nó lại có một phần lưu trú nên dẫn đến vấn đề thiếu vắng một số cơ sở pháp lý. Đó chính là lý do vì sao vừa qua có một số tranh chấp giữa chủ đầu tư với người mua, cùng với đó phát sinh một số thắc mắc của chủ đầu tư đối với cơ quan quản lý như việc cấp sổ đỏ, sổ hồng.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, nếu là nhà ở thì được sử dụng ổn định lâu dài. Còn đối với Condotel có yếu tố cơ sở lưu trú, chưa được phép. Bên cạnh đó, các vấn đề như thời hạn cho phép, quy chuẩn xây dựng, nghĩa vụ tài chính, quy chế vận hành … của Condotel cũng cần phải tính toán.
Để giải đáp các vấn đề vướng mắc này, Bộ Xây dựng đang tập trung nghiên cứu để có những hướng dẫn cụ thể. “Trong thời gian từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 sẽ ban hành văn bản pháp lý để có cơ sở quản lý Condotel. Hiện, một số địa phương đã tạm dừng chấp thuận dự án Condotel, lý do không phải không cho phép mà để tránh những tranh chấp”, ông Khởi nói.
Tồn kho căn hộ condotel lên đến 90%
Mới đây, trong nhiều báo cáo công bố liên quan đến thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng của các đơn vị nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng chững lại của thị trường này sau một thời gian tạo cơn sốt.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường DKRA Việt Nam trong quý II/2018, phân khúc BĐS condotel đang rơi vào tình trạng nguồn cung dư thừa trong khi sức tiêu thụ vô cùng ảm đạm.
Theo đó, phân khúc này đón nhận khoảng 2.100 căn hộ nhưng tỉ lệ tiêu thụ chỉ đạt khoảng 41% (tương đương 850 căn). Đứng đầu bảng về tỉ lệ tồn kho là TP Đà Nẵng chỉ có 9% nguồn cung được giao dịch thành công (tồn kho đến 91%). Thị trường condotel Bình Định, Khánh Hòa cũng rơi vào tình cảnh “chợ chiều” khi tỉ lệ hấp thụ căn hộ condotel chỉ dao động từ khoảng 22 – 26%.
Tương tự, tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Bà Rịa-Vũng Tàu thanh khoản khả quan nhất nhưng mức hấp thụ cũng chỉ dừng ở ngưỡng 39 – 40% (tồn kho khoảng 60 – 61%).
Trong khi đó, các thành phố du lịch biển còn lại có tỷ lệ hấp thụ căn hộ condotel ảm đạm hơn, lần lượt ghi nhận Khánh Hòa tiêu thụ (26%), Bình Định (22%), Đà Nẵng (9%). Như vậy, lượng hàng tồn kho căn hộ nghỉ dưỡng tại 3 tỉnh thành này lần lượt là 74-78-91%
NINH PHAN