Ở Mỹ thì quá rõ vì hầu như ngày nào cũng có bài báo nhắm vào một góc cạnh nào đó trong chính sách ngoại thương của Tổng thống Donald Trump để chê bai, cười cợt. Từ Trung Quốc chúng ta ít có thông tin hơn nhưng một bài phân tích sâu trên tờ Nikkei Asian Review vào hôm 7/8 hé lộ cho thấy ông Tập Cận Bình cũng chịu nhiều phê phán không kém ông Trump.
Phép thử cho Trung Quốc
Chiến tranh thương mại, ai cũng tưởng sẽ gây tác động lớn lên tình hình chính trị ở Mỹ nhiều hơn ở Trung Quốc, nhất là khi nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ. Thế nhưng, theo tờ Nikkei Asian Review, dù Trung Quốc khôn khéo trả đũa, đánh thuế cao vào nông sản của khối cử tri đang ủng hộ ông Trump, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung lên cuộc bầu cử hầu như không đáng kể: đảng Cộng hòa vẫn đứng sau lưng ông Trump.
Ngược lại, ở Trung Quốc, bài báo viết: “Cuộc chiến thương mại với Mỹ, trong sự ngạc nhiên của nhiều người, đã khơi mào cho cuộc tranh luận gay gắt nhưng lành mạnh về chính sách ngoại giao và đối nội dưới sự lãnh đạo của ông Tập”.
Bề ngoài thì cuộc tranh luận xoay quanh cách ứng phó với ông Trump khi nhiều người tin rằng chiến tranh thương mại càng mở rộng, Trung Quốc càng chịu nhiều thiệt hại hơn Mỹ. Nhưng đằng sau nỗi lo kinh tế là sự phê phán chung chính sách ngoại giao của Chủ tịch Tập Cận Bình từ khi ông lên nắm quyền từ năm 2012. Bài báo cho rằng nhiều người gán nguyên nhân nổ ra chiến tranh thương mại, không phải do ông Trump kích hoạt, mà do chính sách bành trướng của Trung Quốc trong 5 năm qua dẫn tới sự sụp đổ các nền tảng làm nên mối quan hệ Mỹ – Trung.
Trong diễn biến mới nhất, hôm 8/8, Trung Quốc cảnh báo đã sẵn sàng áp đặt mức thuế nhập khẩu trả đũa đối với 16 triệu USD hàng hóa Mỹ. Ảnh: Reuters.
Theo tờ Nikkei Asian Review, những người phê phán chính sách của ông Tập tập trung vào việc ông Tập đã từ bỏ chiến lược giấu mình chờ thời của ông Đặng Tiểu Bình, tập trung sức lực vào những sáng kiến kiểu “Vành đai, Con đường” quá tốn kém, quá tham vọng, đầy rủi ro và gây đối đầu.
Giờ đây nhìn lại, giới trí thức Trung Quốc cho rằng các chính sách này về cơ bản đã thay đổi cách nhìn của phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ lo ngại một Trung Quốc hùng mạnh sẽ là mối đe dọa cho lợi ích và vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ. Trung Quốc dưới thời ông Tập thay đổi chiến lược thì suy tính chiến lược của Washington cũng thay đổi và hệ quả là sự chấm dứt chính sách hòa hoãn lâu nay của Mỹ với Bắc Kinh.
Về đối nội, tờ Nikkei Asian Review ghi nhận, Trung Quốc đang có những thay đổi sâu sắc so với thời ông Đặng Tiểu Bình hay hai nhà lãnh đạo sau đó là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Xu hướng sùng bái, tôn sùng mà ông Đặng và những chính trị gia kế tục cố gắng dẹp bỏ vì gây ra mối đe dọa trực tiếp đến hệ thống chính trị nay lại được những người muốn lấy lòng ông Tập hồi sinh. Bài báo cho rằng chiến dịch chống tham nhũng đã phá vỡ thỏa thuận an toàn cá nhân trong giới tinh hoa lãnh đạo và làm chông chênh mối cân bằng quyền lực vốn rất cần thiết để quản lý rủi ro và tránh các sai lầm tai hại.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc đang có dấu hiệu tụt lùi trên nhiều phương diện. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ nợ của các khu vực phi tài chính trên GDP đã tăng từ 178% năm 2012 lên 251% năm 2017, là dấu hiệu cho thấy chính sách tăng trưởng kinh tế thúc đẩy bằng tín dụng không bền vững vẫn tiếp diễn. Thay vì cổ phần hóa, doanh nghiệp nhà nước được củng cố bằng các cuộc sáp nhập khổng lồ, lợi nhuận nhờ độc quyền được bảo vệ, các đặc quyền khác được duy trì.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng trong hơn 2 thập kỷ qua và ông Tập đã từ bỏ chiến lược giấu mình chờ thời của ông Đặng Tiểu Bình. Ảnh: Reuters.
Như vậy có thể thấy chiến tranh thương mại chỉ là cái cớ để giới phê bình, theo tờ Nikkei Asian Review, gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Trung Quốc rằng đất nước họ đang đi lệch hướng. Nhưng cuối cùng vẫn phải chờ xem ông Tập có vượt qua thử thách này không, một thử thách mà ông Trump cũng đang phải đương đầu.
Ở Mỹ, hai cộng hai chưa chắc bằng bốn
Khi nhắc đến chiến tranh thương mại, điều đầu tiên mà giới trí thức Mỹ thích làm là chỉ ra cách hiểu các khái niệm kinh tế sơ đẳng rất “kỳ cục” của Tổng thống Trump. Ông Trump từng viết trên Twitter rằng, “chiến tranh thương mại là tốt và dễ thắng” rồi cho ví dụ. “Khi chúng ta hụt 100 tỷ USD với một nước nào đó rồi họ chảnh chọe thì đừng buôn bán với họ nữa – chúng ta thắng lớn. Dễ quá!”
Họ cũng thường nhắc đến cách ông Trump nhận định về thâm hụt mậu dịch, đến vũ khí thương mại mà ông cứ đem ra để dọa là thuế và phân tích kỹ vì sao cách nhận định đó, cách dọa đó là sai với lý thuyết kinh tế.
Rất nhiều bài viết chỉ ra mối nguy cho nền sản xuất của Mỹ khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vì đa phần là hàng hóa trung gian, dùng làm nguyên liệu đầu vào cho các dây chuyền sản xuất tại Mỹ. Nguyên liệu tăng giá thì sản xuất và tiêu thụ nội địa ở Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, công nhân mất việc. Và khi Trung Quốc trả đũa, nông dân không bán được nông sản thì nền kinh tế càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên với ông Trump, mọi thứ “nói vậy chứ không phải vậy”. Tất cả được ông sử dụng như công cụ mặc cả, từ chính sách thuế đến số liệu thâm hụt thương mại, từ ưu đãi cho sản xuất nội địa đến trợ cấp khẩn cấp cho nông dân, tất cả đều là những quân cờ mà không ai đoán trước được ông sẽ sử dụng như thế nào, vào việc gì và ở đâu. Vì thế, ông chỉ cần phán “fake news!” (tin giả) lên các bài báo nói trên là coi như hóa giải chúng trong suy nghĩ của nhiều người Mỹ ủng hộ ông.
Ở mức độ sâu hơn, các phân tích cũng cho thấy giới tinh hoa Mỹ đang lo sợ vị thế của Mỹ trên thế giới đang bị thiệt hại bởi tổng thống của họ. Cuối tuần trước, tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN (AMM 51), Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo cam kết đóng góp 300 triệu USD để củng cố hợp tác an ninh cho khu vực Đông Nam Á.
Trước đó Mỹ cũng tuyên bố sẽ đầu tư 113,5 triệu USD vào các sáng kiến công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng tại châu Á như một biểu hiện cam kết kinh tế mới của Mỹ vào đây. Ngay lập tức báo chí Mỹ cười ngay vào “chính sách Indo-Pacific” (khu vực liên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) mơ hồ của Mỹ, vào những khoản tiền nhỏ bé so với những dự án đầu tư hàng chục tỷ USD của Trung Quốc trong dự án “Vành đai, Con đường”.
Hệ quả rõ ràng nhất của cuộc chiến thương mại và các động thái từ chính quyền Tổng thống Trump là sự hoài nghi của các đối tác và đồng minh châu Á về cam kết của Mỹ tại khu vực này. Ảnh: Reuters.
Phân tích của báo chí Mỹ cho rằng so với mạng lưới sản xuất các linh kiện mà các nước châu Á đang thực hiện cho nhiều chuỗi sản xuất ở Trung Quốc thì sáng kiến mới của Mỹ không thể nào bù đắp các thiệt hại tính bằng tiền tỷ do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung gây ra cho mạng lưới này.
Ngân hàng lớn nhất Singapore, DBS dự tính cuộc chiến thương mại, nếu diễn ra trên quy mô lớn, tức thuế 15-25% áp lên hết thảy mọi sản phẩm hai nước Mỹ – Trung đang mua bán cho nhau, sẽ làm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore giảm hơn một nửa vào năm sau, từ 2,7% xuống còn 1,2%. Tốc độ tăng trưởng của Malaysia có thể giảm từ mức 5% xuống còn 3,7%.
Điều quan trọng hơn, các nước châu Á theo các nhà quan sát từ Mỹ đã không còn tin tưởng vào sự nhất quán trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ngay sau khi ông Trump thắng cử vào năm 2016, để thực hiện lời hứa với cử tri Mỹ “nước Mỹ trên hết”, ông đã rút khỏi Hiệp định TPP trước đây từng được xem là biểu hiện rõ nhất chính sách “xoay trục” của Tổng thống Obama. Để đối phó với tình hình mới, nhiều nước châu Á đã xuôi theo quỹ đạo của Trung Quốc, sẵn sàng nhận vay tiền tỷ từ Bắc Kinh để phát triển cơ sở hạ tầng. Nay “chiến lược Indo-Pacific” hứa hẹn một khu vực liên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương “tự do và rộng mở” khó lòng thu hút sự chú ý của châu Á.
Nói cách khác, từ chính sách thương mại đến chính sách ngoại giao, giới trí thức Mỹ hầu như không đánh giá cao bất kỳ chiến lược nào của Tổng thống Trump. Tờ New York Times còn cho rằng chính sách ngoại giao của ông Trump chưa chắc đã trùng khớp với chính sách ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi đưa ra nhiều minh họa cho nhận định này. Cách ông Trump viết trên Twitter hay đưa ra những lời tuyên bố bất chợt từng làm khó các quan chức ngoại giao Mỹ khi phải biện minh cho các nội dung đó.
Với những tác động to lớn, trực tiếp đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hay gián tiếp từ sự so kè của hai cường quốc, lên không chỉ hai nước này mà còn cả phần còn lại của thế giới, không thể dễ dãi tuyên bố kiểu bụt chùa nhà không thiêng khi giới tinh hoa của cả hai nước phê phán chính sách của nước họ.
Có thể giai đoạn phát triển kế tiếp của nền kinh tế toàn cầu cần sự phá ra và sắp xếp lại nên cần những nhân vật như ông Tập, ông Trump. Hay cũng có thể hai ông đang đẩy nền kinh tế thế giới đến một cuộc khủng hoảng mới vì những quyết định của họ. Hãy chờ xem.
Nguyễn Vạn Phú