Bán rẻ
Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) vừa công bố văn bản xin ý kiến cổ đông về việc bán hết phần vốn góp còn lại ở Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam. Theo đó, trong năm 2018 PNC sẽ chuyển toàn bộ phần vốn góp còn lại, tương ứng với 7,5% vốn điều lệ của tại CGV Việt Nam. Phần vốn này sẽ được chuyển nhượng với giá trị dự kiến là 101 tỷ đồng.
Số tiền thu được sẽ được ưu tiên trả công nợ cho các đối tác, nhà cung cấp theo đúng thời hạn cam kết, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và tạm chi cổ tức năm 2018. Trước đó, hồi giữa tháng 6 PNC cũng lựa chọn Công ty Cổ phần Đầu tư Kim Cương Đen là đối tác nhận chuyển nhượng phần vốn góp tương đương tỷ lệ 12,5% tại CGV Việt Nam.
Giá trị sổ sách của phần vốn nói trên theo báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất là hơn 19 tỷ đồng. Giá trị chuyển nhượng là 160 tỷ đồng. Công ty Kim Cương Đen mới được thành lập vào ngày 26/4/2018. Vốn điều lệ của Kim Cương Đen đạt 120 tỷ đồng, Giám đốc Công ty là ông Vũ Hoàng Nhật. Ngành nghề chính của Kim Cương Đen là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
PNC làm ăn ngày càng bết bát và phải bán bớt tài sản để trả nợ. |
Trong phiếu lấy ý kiến gửi cổ đông, PNC tiếp tục nhấn mạnh, do hoạt động kinh doanh khó khăn tích lũy trong nhiều năm qua nên đến nay tình hình tài chính của công ty vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Ban điều hành PNC cho rằng đã cân nhắc, tìm kiếm nhiều giải pháp để giải quyết khả năng thanh toán nhưng không đạt kết quả. Thứ nhất, đề xuất tăng vốn điều lệ trình đại hội thường niên 2018 nhưng đã không được các cổ đông thông qua.
Thứ hai, phương án vay ngân hàng không thực hiện được do không có tài sản đảm bảo và cũng do ràng buộc không được huy động vay từ các tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng vay với đối tác CJI.
Thứ ba, phương án thanh lý, bán tài sản khác để bổ sung tài chính không thể thực hiện do PNC không sở hữu tài sản cố định có giá trị có thể bán được. Bên cạnh đó, tình hình hàng tồn kho tăng cao tồn đọng từ nhiều năm qua nhưng tỷ trọng hàng không luân chuyển, chậm luân chuyển là rất lớn và không có khả năng bán thu hồi vốn.
PNC có vốn 20% tại CGV Việt Nam từ năm 2005. Khi đó, Công ty TNHH Truyền thông Megastar ra đời, là liên doanh giữa PNC và Công ty Envoy Media Partners với số vốn điều lệ 4 triệu USD. Trong đó, PNC chiếm 20% tương đương 800.000 USD.
Đến năm 2011, Envoy Media Partners bán 92% cổ phần của mình trong Megastar cho Công ty CJ của Hàn Quốc và đổi tên Megastar thành CGV Việt Nam vào năm 2014. Năm 2017, doanh thu CGV Việt Nam khoảng hơn 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 143 tỷ đồng. Số lượng rạp và phòng chiếu của CGV nay đã cao gấp 5 lần so với thời điểm 2011, khi Tập đoàn Hàn Quốc mua lại cổ phần của Megastar.
Cũng giống như lần trước, vấn đề đặt ra ở đợt PNC bán cổ phần của mình tại CGV có quá rẻ? Hồi giữa tháng 6, phương án thoái 12,5% vốn tại CGV với mức giá 160 tỷ đồng đã khiến nhiều cổ đông bất bình. Bởi với mức giá này, PNC định giá CGV Việt Nam ở mức 1.280 tỷ đồng, tương đương 56,4 triệu USD. Đây là mức giá quá bèo bọt khi mà cách đây 7 năm, Tập đoàn CJ CGV của Hàn Quốc đã trả 100 triệu USD để mua lại Megastar, tên gọi khi đó của CGV Việt Nam.
Lúc CJ CGV mua lại, Megastar có 7 rạp chiếu phim với 54 phòng chiếu, doanh thu năm 2010 đạt 23 triệu USD. Để rút ngắn thời gian thâm nhập thị trường, CJ CGV đã bỏ ra 73,6 triệu USD để mua lại 92% cổ phần của Envoy Media, pháp nhân nắm giữ 80% vốn của Megastar và tương đương với mức định giá dành cho Megastar là 100 triệu USD. Đến năm 2014, thương hiệu Megastar được thay bằng CGV.
Đến năm 2017, CGV Việt Nam đã có 53 cụm rạp với 324 phòng chiếu, tăng 6 lần so với số phòng chiếu trước kia với doanh thu năm 2017 đạt khoảng 2.600 tỷ đồng, tương đương 115 triệu USD và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 107 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận 21 tỷ tương ứng với sở hữu tại CGV góp phần giúp cho kết quả kinh doanh năm 2017 của Phương Nam đỡ bết bát hơn.
Như vậy sau 7 năm, quy mô của hệ thống CGV đã tăng lên gấp 5 lần trong khi Phương Nam lại thoái vốn với mức giá chưa đến 60% mức định giá cách đây 7 năm là một câu hỏi có phần khó hiểu.
Nợ nhiều
Trái ngược với đà làm ăn phát đạt của công ty liên kết là CGV Việt Nam, PNC thì ngập ngụa trong nợ nần. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, trong năm 2017 doanh thu thuần của PNC đạt hơn 606 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2016. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế, PNC ghi nhận lỗ hơn 66,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do trích lập các quỹ dự phòng. Năm 2018, PNC đặt mục tiêu doanh thu dự kiến là 800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2017 và lợi nhuận trước thuế kỳ vọng 20 tỷ đồng.
Đến quý II năm nay, PNC đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực. Báo cáo tài chính quý II vừa được công bố ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 182 tỷ đồng nhờ các nhà sách mới khai trương.
Cơ cấu doanh thu có sự xáo trộn vị trí giữa ngành hàng sách với văn phòng phẩm, đồ chơi và lưu niệm. Tỷ trọng đóng góp của hai ngành hàng này lần lượt là 46% và 48%. Phần doanh thu còn lại đến từ ngành hàng băng đĩa, quán cà phê sách và cung cấp một số dịch vụ khác.
Trái ngược với PNC, CGV làm ăn ngày càng phát đạt. |
Tỷ giá diễn biến không thuận lợi khiến chi phí tài chính tăng gần gấp đôi. Dù hợp nhất xấp xỉ 13 tỷ đồng lợi nhuận từ Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam nhưng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp phát sinh lớn khiến công ty báo lỗ thuần đến 9 tỷ đồng.
Lũy kế doanh thu thuần nửa đầu năm đạt 338 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp hàng loạt khoản chi khác bị đội lên, công ty vẫn ghi nhận lãi sau thuế xấp xỉ 8 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm 2017 lỗ đậm.
Tổng nguồn vốn của PNC tính đến cuối quý II là 585 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm gần 94%. Điều này khiến cơ cấu tài chính bị nhiều tổ chức tín dụng đánh giá không lành mạnh, dẫn đến việc từ chối cho vay để bổ sung vốn lưu động.
Báo cáo tài chính của PNC ghi nhận khoản nợ phải trả cho Envoy Media Partners Ltd. Đây là khoản mượn để góp vốn vào CGV Việt Nam. Như vậy PNC mượn tiền từ chính công ty mẹ của CGV Việt Nam để góp vốn vào công ty này.
Mặt khác, năm 2014 PNC vay số tiền 7 triệu USD từ Cross Junction Investment (CJI), một công ty khác thuộc tập đoàn CJ với lãi suất 4%/năm, được gia hạn trong 3 năm được thế chấp bằng khoản vốn góp tại CGV Việt Nam kèm điều khoản không được vay nợ từ tổ chức, cá nhân nào khác.
Báo cáo tài chính quý II của CGV Việt Nam cũng cho thấy, PNC đang có tổng tài sản 584 tỷ đồng nhưng tổng nợ lên đến 548 tỷ đồng. Áp lực trả nợ của PNC cực lớn khi nợ ngắn hạn là 544 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ có 12,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu PNC của Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 27/2/2018. Nguyên nhân là báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 và 2017, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2016 của PNC là âm 39,35 tỷ đồng. Nếu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của PNC tiếp tục bị âm, Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam sẽ phải rút toàn bộ cổ phiếu khỏi sàn HOSE.